Trong số 10 ứng cử viên xuất sắc nhất cho giải thưởng Công dân toàn cầu Waislitz, Jimmy Phạm là người dành được số phiếu bầu chọn cao nhất trên phạm vi toàn cầu.
Giải thưởng Công dân toàn cầu Waislitz (do Quỹ Waislitz và Global Citizen trao tặng) ra đời năm 2014 tôn vinh công việc xuất sắc của các cá nhân toàn cầu giúp chấm dứt tình trạng đói nghèo cùng cực.
Jimmy Phạm cho biết ông cảm thấy vô cùng biết ơn và vinh hạnh khi nhận được giải thưởng tuyệt vời này từ Quỹ Waislitz. Giải thưởng ghi nhận thành tựu của ông Jimmy Phạm trong nỗ lực chấm dứt nạn đói nghèo và thay đổi cuộc đời của hơn 1000 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam thông qua chương trình đào tạo toàn diện và mô hình doanh nghiệp xã hội của KOTO.
Ông nói: “Hôm nay tôi cảm thấy như đang ở trên đỉnh thế giới, bởi vì các bạn đã đặt tôi lên đó. Tôi xin dành tặng giải thưởng này cho Việt Nam, Úc và tất cả những người đã tin tưởng chúng tôi.
Giải thưởng này một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng còn rất nhiều thanh thiếu niên thiệt thòi và có nguy cơ cao đang cần được trợ giúp và nó khẳng định sự đúng đắn trong sứ mệnh mà KOTO đang theo đuổi, cũng như tầm quan trọng của mô hình doanh nghiệp xã hội như một phương thức giúp đỡ con người thoát khỏi đói nghèo và có một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Ông Jimmy Phạm đã hỗ trợ thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn được học nghề. (Nguồn: KOTO
Jimmy Phạm là người Úc gốc Việt đầu tiên giành được giải thưởng này kể từ khi giải thưởng ra đời vào năm 2014.
Thành tựu trong công việc của ông được đánh giá dựa trên các tiêu chí: Bằng chứng về tác động trong việc chấm dứt nạn đói nghèo cùng cực; Đổi mới để tạo ra tác động có thể đo lường được theo cách thức sáng tạo, phá vỡ các hệ thống cho phép tình trạng nghèo đói cùng cực tồn tại; Khả năng mở rộng quy mô để có thể nâng cao tác động hoặc cải thiện phương pháp; Khả năng thích ứng bao gồm ví dụ về khả năng thích nghi và phát triển khi điều kiện thay đổi và Sự tham gia bầu chọn của công chúng trong Cộng đồng Công dân toàn cầu.
Là người gốc Việt lớn lên tại Úc, Jimmy Phạm trở về Việt Nam vào năm 1996 và lần đầu tiên chứng kiến sự cực khổ của trẻ em đường phố tại quê hương mình. Tin rằng thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn xứng đáng có cơ hội tốt nhất để thoát nghèo, ông đã thành lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam, mang tên KOTO (Know One Teach One) vào năm 1999.
KOTO, từ một cửa hàng bánh sandwich, đã trở thành một doanh nghiệp xã hội cung cấp đào tạo và việc làm trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn cho 1.000 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam, thông qua một trung tâm đào tạo và nhà hàng tại Hà Nội.
Theo baoquocte
1