Lầu Năm Góc lo ngại Trung Quốc tập trận gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho rằng hoạt động này gây thêm bất ổn, phản tác dụng.
“Bộ Quốc phòng rất lo ngại việc Trung Quốc tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông ngày 1-5/7. Các hoạt động này sẽ làm mất ổn định hơn nữa tình hình trong khu vực. Tiến hành các cuộc tập trận trên khu vực tranh chấp ở Biển Đông là phản tác dụng với những nỗ lực giảm căng thẳng và duy trì ổn định”, Lầu Năm Góc ra thông cáo cho biết hôm 2/7.
Cục Hải sự tỉnh Hải Nam hôm 29/6 thông báo quân đội Trung Quốc sẽ diễn tập 5 ngày gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và yêu cầu tàu thuyền tránh xa khu vực. Hồi tháng 8/2019, Trung Quốc từng tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật trái phép ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị nước này dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.
“Các cuộc tập trận là động thái mới nhất trong chuỗi dài hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. Hành động của Trung Quốc trái ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông và tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình”, thông cáo có đoạn viết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 2/7 khẳng định việc Trung Quốc tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đi ngược tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC), cũng như duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
“Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai”, bà Hằng nói thêm.
Trung Quốc diễn tập bắn_đạn_thật phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 2017. Ảnh: Huanqiu.
Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây_hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám sát tàu khoan của Malaysia. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.
Việt Nam đã nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 28/6 đăng Twitter phản đối Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông, hoan nghênh ASEAN cam kết giải quyết tranh chấp trên biển theo luật quốc tế. Mỹ trước đó cũng đã gửi công thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres để phản đối “các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông” và coi chúng “bất hợp pháp và nguy hiểm”. Mỹ yêu cầu Liên Hợp Quốc gửi công thư này đến tất cả thành viên, đồng thời đăng trên trang web của văn phòng pháp chế.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters