5 vấn đề sức khỏe mà chúng ta phải đối mặt khi bước vào tuổi trung niên

69

Khi chúng ta già đi, cơ thể sẽ có những thay đổi. Một số bệnh tưởng chừng rất bình thường và ít gặp ở tuổi trẻ có thể xuất hiện thường xuyên hơn, và nghiêm trọng hơn khi bạn bước vào tuổi trung niên.

Đặc biệt, có những bệnh lý nguy hiểm thường gặp hơn cả ở lứa tuổi này. Dưới đây là 5 vấn đề sức khỏe người lớn tuổi phải đối mặt.
Cúm

Ở tuổi trung niên, hệ miễn dịch của chúng ta không còn khỏe mạnh như trước. Có thể bạn không biết rằng, phần lớn những người lớn tuổi tử vong hoặc phải nhập viện vì các vấn đề liên quan tới cúm, đó là do cúm có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:

● Viêm phổi

● Nhiễm trùng huyết (nhiễm khuẩn trong máu)

● Tình trạng bệnh phổi và tim xấu đi

Chính vì vậy, người lớn tuổi nên chú ý tiêm phòng cúm hàng năm. Đặc biệt những người từ trên 65 tuổi có thể hỏi ý kiến bác sĩ để tiêm liều cao hơn để có sự bảo vệ tốt hơn.

Tăng cân

Tăng cân là một vấn đề của người trung niên. Ở độ tuổi này, cơ thể chúng ta đốt cháy Calo ít hơn cho các hoạt động thể chất so với những người trẻ tuổi, do đó dễ tăng cân hơn. Trong khi đó, thừa cân hoặc béo phì tạo điều kiện cho nhiều bệnh phát triển như bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường và đột quỵ. Đặc biệt, những bệnh này đối với tuổi già sẽ càng nguy hiểm hơn. Chẳng hạn, béo phì và viêm khớp luôn đi cùng nhau. Vì vậy, cho dù bạn đang ở độ tuổi 50 hay 80, hãy luôn chú ý đến chế độ ăn uống, tập thể dục thể thao đều đặn để duy trì mức cân nặng hợp lý nhất nhé.

Phiền muộn, trầm cảm

Người lớn tuổi đang có vấn đề về sức khỏe thường dễ phiền muộn, trầm cảm hơn những người đang sống khỏe mạnh.

Người trung tuổi dễ lo âu, phiền muộn và trầm cảm hơn nhóm tuổi khác. Những người có các vấn đề sức khỏe lâu dài như bệnh tim hoặc viêm khớp gây hạn chế cho cuộc sống thường sẽ dễ bị trầm cảm hơn. Bên cạnh đó, những người cần tới sự hỗ trợ, chăm sóc tại nhà cũng dễ có khả năng mắc bệnh hơn so với những người lớn tuổi khác do bản thân mặc cảm vì không tự chủ động được trong sinh hoạt.

Thuốc và liệu pháp tâm lý có thể điều trị được bởi nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự trầm cảm ở lứa tuổi này chính là sự cô đơn. Bên cạnh việc điều trị tích cực, những người trung tuổi nên tìm cách kết nối với người khác, cùng trò chuyện, hoặc tham gia một nhóm, lớp học… sẽ khiến cuộc sống nhiều niềm vui hơn.

Xương mỏng và yếu

Người lớn tuổi rất sợ ngã. Điều này sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu như bạn bị loãng xương – tình trạng xương mỏng đi, dễ vỡ, và dễ gãy xương. Phụ nữ từ 50 tuổi trở lên có khả năng mắc bệnh xương cao gấp hai lần so với nam giới.

Hãy giữ cho xương chắc khỏe bằng cách:

● Ăn nhiều trái cây, rau và thực phẩm giàu canxi.

● Hãy hỏi bác sĩ xem có cần thiết phải bổ sung vitamin D hay không, bởi ở người lớn tuổi việc hấp thu Vitamin D từ ánh nắng mặt trời kém hơn.

● Nâng tạ hoặc tập các bài tập sử dụng trọng lượng cơ thể của bạn (đi bộ, squats).

● Bỏ hút thuốc lá và tránh uống quá nhiều rượu.

Ung thư

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 2 trên toàn thế giới, chỉ sau các bệnh tim mạch. Chẩn đoán ung thư muộn chính là thách thức lớn nhất đối với điều trị và tỷ lệ sống còn. Bạn có biết rằng tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất với bệnh ung thư? Hầu hết các trường hợp ung thư đều xảy ra ở người lớn tuổi, đặc biệt tỷ lệ cao nhất ở người trên 50 tuổi.

Các nhà khoa học đưa ra một số lý do giải thích như sau: Người lớn tuổi có thời gian tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư lâu hơn; Người lớn tuổi cũng ít có khả năng sữa chữa khi các tế bào xảy ra hư hỏng, sức đề kháng kém hơn, cơ thể lão hóa dễ dẫn tới ung thư…

Tuy nhiên, việc già đi không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư. Bạn có thể áp dụng những thói quen sống lành mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh:

● Giảm cân ngay: Bởi béo phì có liên quan đến 13 loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư vú, đại tràng và tuyến tụy….

● Giảm ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn vì nó chính là nguy cơ gây ung thư đại trực tràng và 1 số bệnh ung thư khác

● Luyện tập thể dục đều đặn: không chỉ giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư, mà còn giảm nguy cơ tái phát.

● Tầm soát ung thư định kỳ khi bước vào tuổi 40: Tầm soát có thể dự phòng 1 số loại ung thư, hoặc phát hiện sớm khi ung thư mới chớm hình thành, giúp bạn điều trị hiệu quả và thoát bệnh dễ dàng. Ngược lại, nếu ung thư được chẩn đoán muộn, tỷ lệ sống là rất thấp.

Link nguồn: https://dantri.com.vn/tu-van/5-van-de-suc-khoe-ma-chung-ta-phai-doi-mat-khi-buoc-vao-tuoi-trung-nien-2018071210285732.htm

SHARE