Mỹ nghiên cứu thử nghiệm vaccine chống Covid-19 dạng viên, dễ uống, ít phản ứng phụ, được cho là hiệu quả hơn Pfizer mà không cần bảo quản lạnh

10

 

Vaccine dạng viên có thể dễ dàng gửi qua đường bưu điện, để ở nhiệt độ phòng mà không cần tủ lạnh hay đội ngũ y tá trợ giúp, qua đó đẩy nhanh tiến trình chống dịch.

“Đây là vaccine chống Covid-19 của chúng tôi”, tiến sĩ Sean Tucker, đồng thời là giám đốc nghiên cứu tại hãng Vaxart của Mỹ cầm trong tay một vỉ thuốc uống tương tự như bao loại thuốc khác.

Giới thiệu của tiến sĩ Sean Tucker với tờ Straits Times khiến nhiều người khá bất ngờ bởi từ trước tới nay, vaccine chống Covid-19 thường được bảo quản dưới dạng để tiêm.

Sản phẩm vaccine dạng viên của Vaxart đang được thí nghiệm

Theo tờ Straits Times, thế giới hiện nay đang đau đầu với việc phân phối vaccine chống dịch Covid-19 trước sự lây lan nhanh của biến thể Delta. Bên cạnh vấn đề nguồn cung, việc nhiều quốc gia không có hệ thống bảo quản lạnh đạt tiêu chuẩn hoặc thiếu nhân lực y tế khiến tiến độ tiêm chủng chưa đủ nhanh và nghiên cứu của Vaxart có thể là một bước đột phá.

“Lợi ích của vaccine dạng viên là bạn có thể gửi vaccine qua đường bưu điện hoặc dùng drone (máy bay không người lái dạng nhỏ) để phân phối thuốc nhanh chóng. Bạn chẳng cần đội ngũ y tế hỗ trợ tiêm hay hệ thống bảo quản lạnh rườm rà. Đấy là ưu điểm rất lớn cho loại vaccine này”, tiến sĩ Tucker nhấn mạnh.

Hiện nay tất cả các loại vaccine dạng tiêm đều cần được bảo quản lạnh. Ví dụ vaccine của AstraZeneca cần được giữ ở 2-8 độ C, của Pfizer thì cần giữ ở (-70) độ C.

Đây là một yếu tố khá khó khăn ở những nước nghèo hoặc thu nhập trung bình. Một cuộc khảo sát năm 2018 cho thấy 59% trung tâm y tế trên thế giới thiếu hệ thống bảo quản lạnh hoặc chẳng đủ điện để duy trì tủ đông.

Tờ Straits Times cho hay không riêng gì tại các nước Châu Phi, nhiều vùng nông thôn của Mỹ hay Australia cũng được báo cáo là chẳng đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để giữ lạnh cho các liều vaccine.

Không cần giữ lạnh

Trên thực tế, việc nghiên cứu vaccine chống Covid-19 ở dạng bảo quản được dưới nhiệt độ phòng đã được tiến hành từ lâu. Một thí nghiệm khác của Viện IIS của Ấn Độ kết hợp cùng Mynvax đã cho kết quả khả quan với chuột dù vaccine để dưới nhiệt độ phòng.

Thí nghiệm này cho thấy những chú chuột thí nghiệm sinh ra kháng thể với 4 loại biến chủng của Covid-19, thậm chí là cả với biến thể Delta đang hoành hành hiện nay.

Những nhà nghiên cứu tham gia dự án cho biết loại vaccine này có thể bảo quản ổn định ở 37 độ C trong 1 tháng và giữ được tác dụng dưới 100 độ C trong 90 phút.

Tiến sĩ Raghavan Varadarajan của IIS cho biết vaccine mới này có thể được sản xuất dưới dạng bột khô đi kèm với chất lỏng hỗ trợ đựng trong lọ riêng nhằm kích thích sản sinh kháng thể mạnh hơn trong cơ thể. Cả 2 đều có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng và vận chuyển dễ dàng.

Để sử dụng, bác sĩ cần trộn 2 lọ này lại với nhau trước khi tiêm. Hiện một số phòng khám ở Ấn Độ sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine mới trong vòng 6 tháng tới và chúng sẽ được phân phối rộng rãi ra công chúng trong sớm nhất 16 tháng nữa.

Tương tự như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ đang gặp khó khăn khi chưa đến 10% dân số đã hoàn thành tiêm chủng 2 mũi. Bởi vậy sản phẩm của IIS có thể chịu được thời tiết nóng nực ở Ấn Độ sẽ giúp tiến trình tiêm chủng diễn ra thuận lợi và rẻ hơn nhiều so với hiện nay.

Trên thực tế, việc triển khai nghiên cứu vaccine cho những nước nghèo chẳng được các quốc gia giàu có quan tâm bởi họ đủ thiết bị bảo quản cũng như nguồn cung hay tài chính cho các liều vaccine hiện nay. Đó là lý do tất cả vaccine hiện nay đều phải được bảo quản lạnh.

Trái ngược lại, các nước nghèo và thu nhập trung bình gặp khá nhiều khó khăn trong việc phân phối, bảo quản hay thậm chí là đủ nhân lực để tiêm chủng rộng rãi.

Ít phản ứng phụ, hiệu quả hơn

Quay trở lại vaccine dạng viên của Vaxart, tiến sĩ Tucker cho biết họ đã đạt được những kết quả khả quan trong giai đoạn thử nghiệm thứ nhất vào tháng 5/2021. Cụ thể, các tế bào sản sinh kháng thể mạnh hơn so với cả Pfizer hay Moderna sau khi các chú chuột dùng vaccine của Vaxart.

Nếu mọi thứ khả quan, Vaxart dự kiến sẽ xin được cấp phép khẩn cấp trong vòng 1 năm tới để sản xuất hàng triệu hay thậm chí hàng tỷ liều vaccine mỗi năm với giá rẻ để tung ra thị trường.

Việc phát triển vaccine dạng viên có thể giúp những người sợ tiêm tham gia tiêm chủng. Một cuộc khảo sát đầu năm nay của Vaxart cho thấy gần 19 triệu người Mỹ, tương đương gần 1/3 tổng số người trưởng thành sợ tiêm tại nước này, chấp nhận uống vaccine dạng viên nếu họ có cơ hội thay vì tiêm.

Dẫu vậy, nghiên cứu và nhiều thí nghiệm vẫn phải tiến hành bởi cơ chế sinh kháng thể qua vaccine ở cơ thể người là khác với động vật.

Tuy nhiên tiến sĩ Tucker khá lạc quan về loại vaccine mới này. Theo ông, công nghệ mới khiến người dùng vaccine dạng viên này ít bị sốt hay có các tác dụng phụ hơn so với dạng tiêm. Thậm chí các thí nghiệm cho thấy chúng có thể giúp cơ thể sinh kháng thể nhanh hơn so với các sản phẩm hiện nay.

Không riêng gì Vaxart, công ty Oramed Pharmaceuticals của Israel đã kết hợp với Oravax Medical để phát triển vaccine dạng viên. Hiện sản phẩm đã được cấp phép thử nghiệm quy mô nhỏ tại Tel Aviv với 24 người chưa được tiêm vaccine và Oramed cho biết sẽ chính thức thử nghiệm diện rộng vào tháng tới nếu được Bộ y tế Israel thông qua.

“Vaccine dạng viên của chúng tôi không cần phụ thuộc vào hệ thống bào quản lạnh như những sản phẩm khác. Chúng có thể đem lại sự thay đổi hoàn toàn mới cho những nước đang gồng mình chống dịch”, CEO Nadav Kidron của Oramed cho biết.

SHARE