Đài Loan mở văn phòng để hỗ trợ người Hong Kong muốn định cư

68

Văn phòng Dịch vụ và Giao lưu Đài Loan – Hong Kong (Taiwan-Hong Kong Services and Exchange Office) vừa được khai trương ở Đài Bắc nhân dịp kỷ niệm ngày Anh trả Hong Kong về cho Trung Quốc tháng 7/1997.

Kiểm duyệt của Trung Quốc bóp nghẹt báo chí Hong Kong thế nào?

Bất đồng chính kiến Việt Nam: Mưu sinh và viễn kiến

Hong Kong: Ít phút sau khi luật an ninh được thông qua, các gương mặt dân chủ từ chức

Việc mở văn phòng này là “hòn đá tảng trong nỗ lực của chính phủ Đài Loan ủng hộ dân chủ và tự do ở Hong Kong”, bộ trưởng phụ trách Hoa lục, ông Trần Minh Thông nói hôm thứ Tư 01/07 tại buổi lễ.

Dù chỉ ghi là văn phòng giúp cho người Hong Kong, văn phòng này sẽ nhận cả đơn xin định cư của dân Macau nếu họ “gặp rủi ro chính trị”, theo phóng viên Cindy Sui của BBC News từ Đài Bắc.

Nhà báo Cindy Sui cho hay những tháng qua, cùng các hoạt động xảy ra ở Hong Kong, có ngày một nhiều những tiếng nói tại Đài Loan kêu gọi chính phủ hỗ trợ người Hong Kong.

Luật An ninh Hong Kong mà chính quyền đại lục thông qua đã ngay lập tức gây ra một số vụ bắt bớ với người đấu tranh đòi độc lập cho Hong Kong hôm 01/07.

Tuy thế, chính quyền Đài Loan không nói là họ sẽ xử lý ngay tức thì mọi yêu cầu định cư của người gặp rủi ro chính trị ở Hong Kong

Tạo cơ chế thoáng giúp dân Hong Kong
Văn phòng mới khai trương có mục đích tạo cơ chế “một cửa” cho người Hong Kong nào muốn du học, làm ăn, đầu tư hoặc xin tỵ nạn ở Đài Loan.

Để có quyền ở lại làm ăn, người Hong Kong vẫn cần có 200 nghìn đô la và tuyển ba nhân viên bản xứ người Đài Loan.

Trong các trường hợp khác, họ cần kết hôn với công dân Đài Loan, ghi danh vào đại học hoặc có việc làm với thu nhập trên trung bình.

Vì các khó khăn giấy tờ, ngay cả một nhân vật nổi tiếng như ông Lam Wing-kee, người bán sách ở tiệm sách Causeway, Hong Kong, bị Bắc Kinh trừng phạt, mới chỉ có thị thực lao động ba năm và không chắc có được quyền định cư hay không.

Các cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh nhiều tháng qua đã giúp cho ứng viên Dân Tiến Đảng ở Đài Loan, bà Thái Anh Văn, tái đắc cử tổng thống, theo phóng viên Cindy Sui.

Bà Thái Anh Văn trong cuộc vận động tranh cử đã nhắc đi nhắc lại “về mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan”.

Sau Hong Kong, các vấn đề liên quan đến Đài Loan sẽ còn gây căng thẳng trong quan hệ Bắc Kinh với Đài Bắc.

Gần đây, một bài báo ở Trung Quốc do phó giám đốc Viện nghiên cứu Đài Loan đóng ở Thượng Hải, ông Nễ Vĩnh Kiệt kêu gọi chính quyền Trung Quốc “dùng các lực lượng ủng hộ thống nhất” ở Đài Loan để hướng dẫn hòn đảo này “trở lại đàm phán xuyên eo biển” với Bắc Kinh.

Trong khi đó, các hoạt động quân sự của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn diễn ra đều xung quanh Đài Loan.

Hồi cuối tháng 5/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh Dominic Raab nói nước này có thể cấp cho người mang hộ chiếu hải ngoại của Anh (British National Overseas – BNO) ở Hong Kong hành lang pháp lý để có quốc tịch Anh nếu Trung Quốc không đình chỉ các kế hoạch thông qua luật an ninh quốc gia,

Tuần này, sau khi luật an ninh của Trung Quốc có hiệu lực ở Hong Kong, ông Raab đã nhắc lại cam kết đó.

Có 300.000 người mang hộ chiếu BNO ở Hong Kong nhưng còn có 2,9 triệu người có thể đủ điều kiện để xin.

Họ có quyền đến Vương quốc Anh trong vòng tối đa sáu tháng mà không cần thị thực nhưng không có quyền định cư.

Ngoài ra, một ước tính nói có 2,6 triệu người Hong Kong “có quyền xin hộ chiếu Anh dạng hải ngoại BNO”.

Chính quyền Trung Quốc, căn cứ vào hiến pháp CHND Trung Hoa, coi mọi người Hong Kong và Macau là “công dân Trung Quốc”.

theo BBC

SHARE