Chuyện những thợ may Việt thầm lặng trong ngành thời trang Úc

7

Xuất bản tại Úc vào tháng 4, quyển Working from home – May ở nhà của 2 tác giả Emma Đỗ và Kim Lâm vừa tái bản lần thứ 3, sau khi thu hút sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại Úc.

Với 60 trang kèm nhiều hình vẽ minh họa sinh động của họa sĩ Kim Lâm, Working from home – May ở nhà kể lại câu chuyện của những người Việt đã và đang may gia công tại Úc từ thập niên 1980 đến nay.

Những câu chuyện được chia sẻ trong sách – EMMA ĐỖ VÀ KIM LÂM

Nhiều người cần cù, kiên nhẫn để mưu sinh với cái nghề thường được trả lương rất thấp và ngồi đến 12 giờ/ngày bên chiếc máy may ở nhà. Tác giả Emma kể rằng cô từng được một người bạn thân thời đại học tặng chiếc áo thun của Sass & Bide, vì bà của cô bạn nhận may gia công cho thương hiệu đó. Còn bố mẹ của họa sĩ Kim Lâm đều từng làm trong nhà máy dệt và cô thường được những người may gia công tại nhà trông nom khi còn bé. Lâm kể rằng cô nhớ mãi mùi dầu máy và những căn phòng lát gạch, thay vì sàn gỗ hay trải thảm, để dễ quét vải vụn.

Quyển Working from home – May ở nhà của 2 tác giả Emma Đỗ và Kim Lâm

Đối với nhiều phụ nữ Việt tại Úc, việc may gia công tạo cơ hội kiếm tiền mà vẫn có thể chăm sóc con cái và làm việc nhà. Tờ The Guardian dẫn lời người phụ nữ tên Nguyệt cho biết bà từng may ở nhà trong hơn 20 năm kể từ cuối thập niên 1980, khi con gái bà còn nhỏ, vì không muốn gửi con đến nhà trẻ. Giờ đây, bà làm việc cho CFMEU, liên đoàn lao động đại diện cho người lao động trong nhiều lĩnh vực tại Úc, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho những lao động gia công.

Thay vì được trả khoán sản phẩm, những thợ may gia công tại Úc hiện được trả theo giờ dựa trên ước tính về năng suất, kèm theo các chế độ hưu trí, nghỉ bệnh, nghỉ phép năm và các khoản thưởng khác như những thợ may làm việc tại xưởng.

“Lĩnh vực của chúng tôi là một trong số những lĩnh vực đầu tiên có sự khoán việc. Hy vọng những cải thiện mà chúng tôi đưa ra cũng sẽ được áp dụng trong các lĩnh vực khác”, theo bà Beth Macpherson phụ trách lĩnh vực dệt may và giày tại CFMEU. Tuy nhiên, bà Macpherson cho rằng đôi khi vẫn còn tình trạng vi phạm nhằm bóc lột lao động gia công. “Những công ty biết họ đang sai phạm, nhưng cho rằng không ai phát hiện vì những lao động đều ít xuất hiện và không biết tiếng Anh”, bà cho biết.

Theo Thanh niên

SHARE