Được nhận tận tay thực phẩm, người nghèo, người vô gia cư bật khóc nức nở

8

Với phương châm để không ai bị bỏ lại phía sau, quỹ từ thiện “Mỗi ngày Một quả trứng” kêu gọi quyên góp, mua nhu yếu phẩm tặng người nghèo, vô gia cư trong đợt bùng dịch ở TP.HCM.

Sau hôm TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bà Hương (phường 1, quận 4) bất ngờ khi được người của quỹ “Mỗi ngày Một quả trứng” (MNMQT) ghé thăm.

Bà có 4 cháu nội, con dâu đã mất vì bệnh, con trai đi làm thuê nhưng thu nhập không ổn định vì dịch bệnh. Bà từng làm tạp vụ nhưng mất việc gần 1 năm nay do công ty đóng cửa. Bà chuyển sang bán vé số để kiếm tiền nuôi các cháu.

Rồi vé số không được bán, nhà hết gạo, tiền thuê nhà 2 triệu đồng/tháng đến nay đã 3 tháng chưa đóng được.

Vì không có đăng ký tạm trú, bà Hương không được vào danh sách nhận hỗ trợ cho người lao động mất việc. Bà nhờ chủ nhà ra phường đăng ký tạm trú cho 5 bà cháu, nhưng đang cao điểm mùa dịch nên phải chờ.

Biết hoàn cảnh của bà Hương, có người thương, mang cho 5 kg gạo và ít cá. Bà có thể nấu cơm nhưng thức ăn thì không vì bình gas đã hết.

Sáng 14/7, người của phường mang cho 5 bà cháu 2 ổ bánh mì. Cùng với chút kho quẹt còn sót lại từ vài ngày trước là tất cả những gì họ có cho hôm đó.

Khi được tặng gói lương thực đủ ăn trong 2 tuần gồm 15 kg gạo, 1 thùng mì tôm, 2 kg đậu phộng, 1 lít dầu ăn, nước mắm, nước tương và chục trứng, bà Hương bật khóc.

Đó là một trong hàng nghìn hoàn cảnh khó khăn ở TP.HCM được MNMQT hỗ trợ trong những ngày qua.

Những nạn nhân không triệu chứng

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Điều hành của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), người khởi xướng quỹ MNMQT, cho biết chương trình “Góp yêu thương cùng Sài Gòn đứng vững” được phát động từ cuối tháng 6.

Đối tượng mà quỹ hỗ trợ là người nghèo, vô gia cư gặp khó khăn trên địa bàn TP.HCM trong dịch.

“Họ là những nạn nhân không triệu chứng của Covid-19, tức những người không mắc bệnh nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch. Từ con số 0, chúng tôi đang huy động khoảng 900 triệu đồng để mua thực phẩm thiết yếu, chia thành từng suất và mang tới trao tận tay cho người cần để không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Oanh nói.

Mỗi ngày, MNMQT nhận được rất nhiều sự đóng góp, san sẻ từ các mạnh thường quân trong và ngoài nước. Cùng với đó, số lượng cuộc điện thoại, tin nhắn xin giúp đỡ từ bà con khó khăn cũng ngày một nhiều thêm.

Đó là gia đình sống trong căn chòi dựng tạm trên đất của người khác ở quận Tân Phú. Người cha già đi phụ hồ, mẹ bán cháo dạo, chồng làm shipper, em trai phục vụ quán ăn đều mất việc do dịch. Ở nhà, còn người vợ trẻ mới sinh 3 tháng, em trai học lớp 8. Tất cả sống nhờ 3 kg gạo và chục trứng mới được cho.

Đó là người đàn ông miền Bắc mới vào TP.HCM kiếm việc được vài tháng, hết gạo, phải ăn mì tôm nhiều ngày qua.

Đó là người phụ nữ vô gia cư vừa lo nuôi con, vừa nấu ăn cho những người đồng cảnh ngộ sống dọc đoạn kênh nước thải của thành phố vì chị có bạt che và bếp ga.

Không chỉ người mất thu nhập có nguy cơ bị đói, nhiều cá nhân còn chút tiền cũng không thể mua đồ để ăn. “Chợ đóng cửa, hàng quán cũng không mở.

Ra siêu thị xếp hàng dài cả tiếng đồng hồ nhưng đến lượt thì không còn gì để mua”, một người mẹ 3 con nói với nhóm thiện nguyện trong nước mắt.

“Theo khảo sát của SCDI về các hộ gia đình nhận hỗ trợ của MNMQT trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên năm 2020, trong số 447 hộ ở TP.HCM, 85% phải ở nhà thuê, 1/3 trong số họ không có đăng ký tạm trú.

Bởi vậy, ngoài nỗi lo thiếu ăn, còn là sợ không có chỗ ở. Trong đợt giãn cách xã hội này, không thể thống kê bao nhiêu người dân Sài Gòn có nguy cơ bị thiếu đói”, bà Oanh thông tin.

Đảm bảo yêu cầu phòng chống, dịch

Theo bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, cho dù MNMQT nhận được rất nhiều yêu cầu mỗi ngày, quy trình cứu trợ được thực hiện chặt chẽ.

Trước tiên, nhóm cử thành viên tới khảo sát để đánh giá mức độ khó khăn của người cần giúp đỡ rồi phát phiếu nhận quà. Sau đó, nhóm quay lại tận nơi để phát quà gồm bao lì xì, thùng mì, chục trứng và nhiều nhu yếu phẩm khác.

Để đảm bảo an toàn mùa dịch, MNMQT thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch gồm xếp thực phẩm ở điểm phát, người dân xếp hàng giãn cách 2 m, lần lượt từng người lên, sát khuẩn tay trước khi ký nhận, rồi nhận quà.

Từ ngày TP.HCM giãn cách, văn phòng SCDI ở quận Tân Phú trở thành kho tập kết thực phẩm. Hàng cứu trợ được chở đi bằng xe ba gác đến những khu đường lớn, xe máy vào các hẻm nhỏ.

Sự đóng góp của đồng bào gần xa được chuyển thành gạo, mì tôm, lạc, nước mắm, nước tương, cá hộp, thịt hộp, xà phòng sát khuẩn, khẩu trang… mang đến những khu trọ ẩm thấp, tạm bợ, “xóm liều” cho người nghèo, vô gia cư.

Gần đây, một thành viên của MNMQT còn đề xuất sáng kiến gây quỹ mua băng vệ sinh để hỗ trợ phụ nữ nghèo.

Mỗi ngày, “đội quân” MNMQT đi khắp nẻo đường, ngõ hẻm của TP.HCM, khuân vác hàng trăm kg hàng hóa. Ai cũng mệt nhưng vui vì “quà của mình nhiều, ai cũng mừng lắm”.

“Chúng tôi sẽ còn tiếp tục phát quà đến khi nào còn có người cần và các mạnh thường quân vẫn ủng hộ. Mong Sài Gòn vượt qua mùa dịch khắc nghiệt này”, bác sĩ Oanh nói.

Ảnh: Tổng hợp

Nguồn tham khảo: Zingnews

SHARE