Từ một thợ nail, cô gái Việt xuất sắc giành vé vào đại học, trở thành viên chức Chính quyền tiểu bang Mỹ

8

 

Từ một thợ làm nail, cô gái Việt Nguyên Nguyễn đã giành vé tới trường đại học rồi trở thành kế toán tại một văn phòng chính phủ tiểu bang ở Mỹ. Câu chuyện và hành trình phi thường được Nguyên Nguyễn kể lại đã xuất sắc giành giải Ba – Cuộc thi ‘Hành trình nước Mỹ’ trong khuôn khổ sự kiện ‘Vòng tay nước Mỹ 8’ do Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Mỹ.

Mình đến Mỹ vào những tháng lạnh nhất của Pennsylvania năm 2011, một năm đáng nhớ của những cái “lần đầu tiên”. Lần đầu tiên đi máy bay ra nước ngoài, lần đầu thấy mẹ mình khóc nức nở vì gia đình ra đi để lại chị gái một thân một mình ở Việt Nam, lần đầu bận 4 lớp áo vẫn thấy lạnh vì nhiệt độ xuống đến -13 độ C, lần đầu lái xe tông vào thùng thư nhà hàng xóm, lần đầu sống chung với 13 con người ta dưới một mái nhà và vô số những kỷ niệm lần đầu đáng nhớ khác nữa.

Hành trình chuyển nơi ở liên tục

Mình tăng nhẹ 15lbs tháng đầu tiên ở Mỹ dù không hề đụng tới “American food”. Có lẽ cái lạnh khắc nghiệt của vùng Đông Bắc đã làm cho lớp mỡ dưới da mình dày lên sau một tháng làm “gấu ngủ đông”. Sợ tình hình cứ kéo dài như vậy thì mình sẽ thành một cô người tuyết mũm mĩm nên gia đình 3 người mình quyết định rời sang California ở ké với ông bà ngoại.

Nhưng sau 1 tháng lê lết ngủ dưới sàn trong căn chung cư một phòng của ông bà ở San Jose, mình quyết định dời lên Sacramento để sống cùng nhiều gia đình bà con khác.

Mình nói “nhiều gia đình” là vì tổng cộng cô, dì, dượng, chú, em họ và mình cả thảy 13 người thuê một căn nhà để sống cùng nhau; mục đích để chia sẻ chi phí vì toàn là những người mới qua Mỹ, đa số thất nghiệp, một số còn đi học, và một vài thành viên đang trong độ tuổi “bú bình”.

Mình và nghề nails

Ở thời điểm đó mình đã sống trên hành tinh này 21 năm nhưng chưa một lần tỉa da và sơn móng tay. Ngày đầu tiên vào trường nails, cô giáo còn phải dạy cho cách cầm kềm và chai nước sơn sao cho khỏi rớt.

Cơ duyên đưa đẩy mình tới nghề nails là vì cặp đầu gối vừa mới qua phẫu thuật một năm trước đó. Chân mình còn yếu nên không đứng lâu, không chạy nhảy, và không bưng bê nặng được; mà nếu không kiếm ra tiền thì làm sao chi trả phí sinh hoạt và ăn uống hàng ngày. Mình tâm sự với một người bà con thì được giới thiệu vào ngành nails.

Cầm tấm bằng Manicurist ra đời, mình nhiều lần bị đời “dập te tua” vì lúc chưa rành tiếng Anh thì bị khách chê và lúc biết chút tiếng Anh rồi thì bị chủ chửi. Đi xin việc ở 10 tiệm thì được một tiệm là chủ dễ và thương, nhưng chủ thương thì thợ đồng nghiệp ghét.

Có hôm đi làm về mình khóc nức nở vì gặp phải khách làm khó dễ chỉ mặt mình chửi và chủ trừ tiền lương. Thăng trầm 8 năm “part time” nghề nail để kiếm tiền phụ đỡ gia đình và bản thân thì mình nghỉ không tiếp tục nữa.

Chặng đường học hành

Sau khi sống ở California một năm, mình đăng kí đi học ở College (trường Cao đẳng cộng đồng). Quyết định này đã làm thay đổi cuộc đời mà đến vài năm sau này mình mới nghiệm ra được chứ vào thời điểm đó thì mình chẳng biết mình đang làm gì.

Mùa học đầu tiên mình gặp Rich và Alice, cặp vợ chồng người Mỹ mà sau này xem mình như một thành viên trong gia đình họ. Rich là thầy dạy những lớp ESL cơ bản (English as Second Language – là chương trình giảng dạy Anh ngữ dành cho những người đến từ các quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai); lúc đó mình dở tiếng Anh nên chỉ vào được lớp ESL 40 (30 là lớp thấp nhất). Hết mùa học đầu tiên, Rich đề nghị mình làm tutor (gia sư) cho các lớp ESL mùa sau.

Mình đắn đo mãi vì vốn tiếng Anh còn tệ, đến nỗi khi đi học phải ngồi bàn đầu và xin thu âm lại bài giảng để về nghe lại, nhưng được Rich động viên nên mình cũng nhận việc và cố gắng học thêm ngoài giờ lên lớp để nâng cao khả năng giao tiếp. Mình làm tutor trong vòng 4 năm ở college mới hoàn tất các lớp tiếng Anh và GE để chuyển cấp lên Đại học bang California.

Mình lên đây học tầm 3 năm sau thì tốt nghiệp và được chọn làm Student Speaker (sinh viên đại diện phát biểu) ở lễ tốt nghiệp năm 2018. Cả Rich và Alice đều đến dự lễ tốt nghiệp của mình. Hai người đã khóc khi thấy mình đứng trên khán đài và phát biểu trước hàng ngàn người.

Rich nói ông không nhìn thấy rõ mình vì ngồi khá xa, trong khi mình thì nhỏ con (1m49) nên bị bục phát biểu che mất, nhưng ông đã rất tự hào nói với những người ngồi xung quanh “she is my best student” (cô ấy là sinh viên tốt nhất của tôi) sau khi mình hát lên hai câu đầu trong bài diễn văn tốt nghiệp “O’er the land of the free. And the home of the brave”.

Alice thì tả mình như một ngôi sao nhỏ nhưng tỏa sáng nhất trong buổi lễ tốt nghiệp đêm ấy. Cả hai đã dành những lời ngọt ngào và tốt đẹp nhất cho mình, luôn ở bên cạnh và giúp đỡ mình từ tư vấn học hành, viết thư tiến cử, đến việc lắng nghe và an ủi khi mình bị căng thẳng mất ngủ và…chia tay người yêu.

Những tháng ngày mình không sống gần cha mẹ, có thể nói Rich và Alice như người cha, người mẹ thứ hai của mình vậy. Thứ năng lượng mà mình có được để tỏa sáng trong buổi lễ tốt nghiệp năm ấy là năng lượng tích cực mà mình nhận được từ những tấm lòng nhân hậu như họ, sẵn sàng dang tay đón nhận và yêu thương một người khác màu da, ngôn ngữ và văn hóa.

Quyết định học tiếp lên đại học đã làm thay đổi cuộc đời của Nguyên Nguyễn.

Mình nhận và cho

Nếu mình chỉ nhận hoài nhận mãi thì mình có lẽ đã trở thành một ngôi sao chổi mập và to, lâu lâu xẹt ngang qua đời rồi tan vỡ thành những mảnh vụn nhỏ. Nhưng mình mong muốn là một ngôi sao nhỏ biết nhận lẫn cho.

Mình đã cùng Hội sinh viên Việt Nam ở Sacramento tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ gây quỹ để làm lễ phát thưởng cho các bạn học sinh – sinh viên, giúp đỡ nạn nhân các vụ cháy rừng hay lũ lụt, và giúp đỡ đồng bào mình ở Việt Nam sau một số đợt thiên tai hoạn nạn. Ngoài ra, mình còn tham gia hát cho cả chùa và nhà thờ khi họ làm các hoạt động thiện nguyện cho cộng đồng.

Những chiêm nghiệm cá nhân…

Vì cuộc đời là những chuyến đi. Mình đã đi khá nhiều nơi và làm khá nhiều công việc như nails, gia sư, trông trẻ, bán bảo hiểm xe, dọn văn phòng cho giáo viên, trợ lý sinh viên, hát đám cưới, và hiện nay đang làm kế toán cho một văn phòng chính phủ của tiểu bang.

Mình may mắn nên trên chặng đường đi dù có nhiều thử thách và vấp ngã, đã nhận được sự giúp đỡ của những người thầy, bạn bè, đồng nghiệp hay đôi khi chỉ là lời động viên của những người không quen biết.

Có không ít lần nhận chỉ trích, chê bai và cả ganh ghét nhưng mình vẫn bình tâm tập trung vào “tấm bảng trắng” hơn là để “cái chấm đen” chi phối tinh thần và gây ảnh hưởng tiêu cực.

Từ một con bé nhút nhát, đầy nỗi sợ, tự cô lập bản thân vì rào cản ngôn ngữ năm nào, mình giờ đây đã tự tin và can đảm hơn để làm những điều mình yêu thích và truyền năng lượng tích cực đến cho nhiều người.

Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ chờ đợi ta phía trước nên thay vì chờ đợi mong nỗi sợ qua đi mình chọn cách đối mặt và vượt qua những nỗi sợ hãi không tên ấy cùng những người thân, người bạn đồng hành, và những người mentor đi trước.

SHARE