Trận lũ gây hoài nghi về ‘thành phố bọt biển’ Trung Quốc

18

Trịnh Châu tự hào đầu tư hơn 8 tỷ USD xây dựng thành phố bọt biển chống lụt, nhưng vẫn bị nhấn chìm trong trận lũ thảm khốc.

“Mưa lũ ở Trịnh Châu như một cái tát vào dự án thành phố bọt biển và cho thấy con người khó có thể chiến thắng thiên nhiên”, một người Trung Quốc viết trên mạng xã hội Weibo, đề cập đến trận lũ lụt “nghìn năm có một” tàn phá thủ phủ tỉnh Hà Nam, miền trung nước này.

Ít nhất 33 người chết và 8 người mất tích kể từ khi mưa bão trút xuống thành phố Trịnh Châu và các khu vực lân cận ở tỉnh Hà Nam cuối tuần trước. Mưa lũ đã ảnh hưởng tới hơn ba triệu người trên khắp tỉnh này, buộc hàng nghìn người phải sơ tán, gây thiệt hại kinh tế khoảng 1,22 tỷ nhân dân tệ (188,6 triệu USD).

Là một trong những tỉnh đông dân và nghèo nhất Trung Quốc, Hà Nam có hơn 99 triệu dân và nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, công nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh này là một trong những địa phương ủng hộ nhiệt thành ý tưởng “thành phố bọt biển” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra trong bài phát biểu tháng 12/2013.

“Thành phố bọt biển” là khái niệm phát triển đô thị tập trung vào sử dụng cơ sở hạ tầng bền vững như không gian xanh và diện tích đất hấp thụ nước, giúp đối phó với mưa lớn, dự trữ nước và tái sử dụng cho mục đích khác. Trung Quốc đã triển khai các chương trình như vậy tại nhiều thành phố trên cả nước.

Tại Hà Nam, thủ phủ Trịnh Châu được đầu tư 53,4 tỷ nhân dân tệ (hơn 8,2 tỷ USD) trong một dự án thí điểm kéo dài từ 2017 tới 2030, nhằm biến đô thị hơn 12 triệu dân này thành một “thành phố bọt biển”.

Người dân đạp xe trên con phố ngập nước ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam hôm 20/7. Ảnh: AFP.

Theo quy hoạch tổng thể thành phố Trịnh Châu giai đoạn 2017-2030 được công bố vào tháng 1/2018, khu vực này sẽ được quy hoạch 191 kênh thoát nước lũ trong khu đô thị chính, xây dựng và cải tạo công viên bọt biển, cũng như tạo vùng đệm sinh thái ở hai bên bờ sông. Kế hoạch ước tính đến năm 2020, diện tích khu vực đô thị chính của Trịnh Châu đáp ứng yêu cầu xây dựng “thành phố bọt biển” sẽ chiếm 22,5% tổng diện tích của dự án.

Trong gần 5 năm qua, Trịnh Châu đã triển khai hàng loạt dự án xây dựng cảnh quan xanh, hệ thống bề mặt thấm hút nước cùng hệ thống tích trữ và tái sử dụng nước mưa. Thống kê cho thấy tổng cộng 5.162 km đường ống thoát nước đã được xây dựng thông qua dự án. Năm ngoái, lượng nước tái sử dụng lên tới 380 triệu tấn.

“Không còn tình trạng phải lội nước trong những ngày mưa và không có nước đọng trên mặt đường. Tôi là người thấy rõ sự thay đổi này”, truyền thông địa phương dẫn lời ông Li, một cư dân của Trịnh Châu, nói hồi tháng 5.

Cục Xây dựng Đô thị Trịnh Châu tuyên bố kể từ khi xây dựng thành phố bọt biển đến cuối tháng 5 năm nay, 125 điểm dễ bị lũ lụt đã được loại bỏ, chiếm 77%. Ngoài ra, Trịnh Châu cũng đã xử lý các vùng nước ô nhiễm, bốc mùi trong khu vực đô thị.

Tuy nhiên, trận lũ cuối tuần qua đã làm tê liệt mạng lưới giao thông và gián đoạn nguồn cung điện nước của Trịnh Châu, làm dấy lên tranh luận trên mạng xã hội, khi nhiều người đặt câu hỏi tại sao thành phố lại bị ngập lụt nghiêm trọng như vậy dù đã chi rất nhiều để cải thiện cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ.

He Guangwei, một cựu phóng viên, cũng chia sẻ một bài đăng về việc xây dựng thành phố bọt biển ở Hà Nam và đặt câu hỏi “tại sao 53,4 tỷ nhân dân tệ lại được đổ vào đây? Mọi người có muốn tôi tìm hiểu không?”

Nhiều người khác cho rằng trận lũ là một minh chứng cho thấy tham vọng “thành phố bọt biển” Trung Quốc không hiệu quả như nhiều người vẫn tưởng, thậm chí cho rằng đây chỉ là sự lãng phí tiền của.

Tuy nhiên, nhiều người dùng Weibo lại cho rằng cách chỉ trích như vậy là không công bằng, bởi Trịnh Châu cuối tuần qua phải hứng chịu lượng mưa lớn bất thường trong thời gian quá ngắn.

Theo truyền thông địa phương, dự án thành phố bọt biển của Trịnh Châu có khả năng ứng phó với các sự kiện thời tiết xuất hiện trong vòng 200 năm trở lại đây hoặc lũ lụt nghiêm trọng có xác suất xảy ra là 0,5% trong năm. Trong khi đó, dữ liệu của cơ quan khí tượng Trịnh Châu cho thấy đợt mưa lũ này là “nghìn năm có một”, đồng nghĩa xác suất là 0,1%.

“Quy kết lũ lụt ở Trịnh Châu cho vấn đề xây dựng thành phố bọt biển là một sự hiểu lầm về kiểu thành phố này”, China Science Daily dẫn lời giáo sư thủy văn Zuo Qiting của Đại học Trịnh Châu.

Tuyến phố ngập trong nước lũ ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam hôm 21/7. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao thành phố bọt biển “thất bại” trong đợt mưa lũ này?

Chen Qianhu, giám đốc Trung tâm nghiên cứu thành phố bọt biển của Đại học Công nghệ Chiết Giang, cho rằng đợt mưa lũ ở Hà Nam hiếm gặp và không thể giải quyết chỉ bằng cách xây dựng thành phố bọt biển.

Chen nói thêm dựa trên phân tích kỹ thuật, thành phố bọt biển có thể giải quyết các vấn đề nước mưa từ thấp tới trung bình, trong khi đợt mưa lớn ở Hà Nam vượt quá khả năng xử lý của hệ thống.

“Cơn mưa ở Trịnh Châu rất hiếm gặp và thảm họa xảy ra không liên quan gì đến việc xây dựng thành phố bọt biển”, ông nói.

Theo Cục Khí tượng Trịnh Châu, từ 20h ngày 17/7 đến 20h ngày 20/7, lượng mưa trong ba ngày ở thành phố này đạt mức 617,1 mm, gần bằng tổng lượng mưa trung bình của cả năm. Lượng mưa hàng giờ và lượng mưa một ngày cũng vượt kỷ lục lịch sử 60 năm kể từ khi Trịnh Châu được thành lập năm 1951.

Khi đối mặt với lượng mưa lớn trong thời gian ngắn như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần có các biện pháp bổ sung cho thành phố bọt biển, như xây dựng hệ thống ngầm sâu hơn để trữ nước khi trời mưa lớn và bơm trở lại nước vào sông hồ trong những khô hạn. Hệ thống thoát nước hoàn thiện hơn cũng là giải pháp cơ bản để tránh ngập úng.

SHARE