Alo Úc – Chiếc xe dừng lại trước cổng trường mẫu giáo. Duy mở cửa bước xuống đi thẳng vào trong. Một lát sau, Duy trở ra với mớ đồ đạc lỉnh kỉnh. Hai đứa trẻ tung tăng cạnh Duy.
Mở cửa sau, 2 bé nhanh nhẹn leo lên vào đúng vị trí ghế ngồi, cài dây an toàn. Duy lên xe tiếp tục hành trình…
Tình đồng hương
“Thú thật với chú, khi rời nhà cậu, con không nghĩ nó khó khăn đến thế. Bởi quen chịu khổ rồi nhưng cái khổ trong nước sao bằng cái khổ khi tha hương hả chú?”, Phạm Thúy Duy (35 tuổi, Việt kiều ở Úc) nói.
Phạm Thúy Duy tốt nghiệp ngành y tá của đại học Queensland sau nhiều nỗ lực ở Úc. |
Đúng như Duy nói, những người tha hương sống nơi đất khách rất cô đơn. Không người thân thích, không được ai quan tâm. Tất cả sống bằng chính sức lực của mình cộng với một chút may mắn. Chút may mắn mà Duy có được chính là tình người trên đất khách. Những người Việt sống xa nhà, xa quê thường thường hay cưu mang, giúp đỡ đồng hương hoạn nạn.
Nói đến đây, Duy như nghẹn lời. Con mà không nhờ chị ấy chắc là không có ngày hôm nay đâu. Duy dịu giọng đi tiếp vào câu chuyện …
Tối hôm ấy, Duy đi làm nhà hàng về. Phòng trọ cách nơi Duy làm việc mất 20 phút đi bộ. Duy đi cùng một chị lớn tuổi. Chị ấy và Duy cùng làm chung nhà hàng và hôm nay, lần đầu tiên đi chung. Nhà chị ấy không xa hơn phòng trọ Duy bao nhiêu.
Lễ cưới Trent Andrew Abel và Phạm Thúy Duy 29/7/2011 |
Hai chị em lững thững ra về. Những câu chuyện vặt trao đổi nhau. Chị người Sài Gòn, có chồng người Úc, chưa có con. Chị ấy hỏi Duy về gia cảnh. Duy cũng thành thật kể hết hoàn cảnh khó khăn của mình.
“Số tiền 3000$ cho khóa tiếng Anh chưa đóng và kỳ hạn cũng sắp hết, em chưa biết phải làm sao. Bấy lâu nay em làm chỉ đủ giải quyết những khoản sinh hoạt bình thường thôi. Bây giờ không biết làm sao…”, Duy than thở.
Chị dừng bước, nhìn thẳng vào mắt Duy và nói, ngày mai chị sẽ cho em mượn. Em đóng ngay để tiếp tục học. Đường tương lai em còn dài lắm, phải cố gắng lên…
Về Việt Nam lần đầu. Hai vợ chồng Thúy Duy đi chơi ở Thanh Đa. |
Duy đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chị hoàn toàn không biết gì về Duy, chưa hề tiếp xúc với Duy một lần nào. Vậy mà mới gặp nhau lần đầu chị đã có những ưu ái không ngờ.
Từ đó, chị luôn quan tâm đến Duy giúp đỡ những lúc Duy cần và cũng nhờ vậy mà hết khó khăn này đến khó khăn khác Duy đều vượt qua. Điều đáng quí là nhà chị không giàu. Cả hai vợ chồng đều phải làm đêm làm ngày và vẫn còn ở nhà thuê… Vậy nhưng, chị vẫn dang tay giúp đỡ Duy.
Rồi tiếp đến là những người bạn Việt. Những người có điều kiện hơn, có hoàn cảnh tốt hơn cũng đã giúp Duy trong những lúc khốn cùng. Duy đặc biệt ghi ơn các anh chị đã đến với Duy…
Năm 2008, Duy hoàn tất chương trình tiếng Anh và ghi danh vào đại học. 4 năm ở trường với khoản chi phí khá cao, Duy cũng đã vượt qua nhờ vào ý chí và quyết tâm. Bên cạnh đó, các bạn bè, anh chị thương mến giúp đỡ Duy.
Nhóm bạn Việt của Duy hình thành. Mỗi lần bất cứ ai có chuyện vui buồn đều có sự góp mặt của cả nhóm. Một tiệc vui, cùng tập trung, người nấu kẻ nướng. Ăn xong vui đùa cười giỡn, cả nhóm cùng nhau rửa toàn bộ chén bát. Không một giọt rượu, bia. Không một chút nề hà …
Cũng nhờ vậy mà Duy có được ngày hôm nay. Có chồng hết lòng yêu thương và 2 đứa con ngoan, thử hỏi còn mong muốn gì hơn.
Cuộc tình “tạ ba”
Nhìn 2 đứa con của Duy, một trai một gái bất chợt chúng tôi hỏi, “chuyện tình của con với cha chúng như thế nào?”. Duy bật cười, “vui lắm chú ơi. Trước khi gặp chồng con bây giờ con có một mối tình với một du học sinh Việt. Anh này con nhà giàu và thân nhân định cư tại Úc khá nhiều”, Duy kể.
Cùng gia đình bên vợ đi Hội An |
Duy kể, gần nhà hàng Duy làm việc cũng có một nhà hàng khác. Hàng ngày Duy thường ngang qua mà không hề biết mình lọt vào mắt xanh một thanh niên. Sau nhiều ngày như thế, anh ta làm quen. Ban đầu Duy kết bạn trò chuyện. Sau đó, Duy nhận thấy anh chàng có nhiều điểm không phù hợp với mình. Vì thế, Duy chia tay sau hơn một năm tìm hiểu.
Chàng rể “tạ ba” cùng mẹ vợ và anh vợ tại lễ hội Dừa ở Bến Tre năm 2012 |
Thế rồi trong một lần làm việc trên mạng, Duy tình cờ quen được một người đàn ông… Duy chưa biết người này ra sao, ngoại hình thế nào và tính tình có tốt không. Chỉ biết anh ta tên Trent Andrew Abel, quốc tịch Úc, sinh năm 1975, đang làm nghề xây dựng.
. Mẹ vợ và chàng rể “tạ ba”. |
Duy trao cho Trent 20 câu hỏi, trong đó nhấn mạnh đến cuộc sống tương lai và cô được trả lời thỏa đáng. Duy đồng ý gặp mặt. Duy nói, ngay lần đầu tiên gặp Trent, con đã có trộm nghĩ, đây cố thể chính là chồng mình.
Cuộc tình cứ thế khéo dài và nảy nở. Nhà của 2 người cách nhau khá xa nhưng họ vẫn tìm đến nhau mỗi khi rảnh rỗi. Có lần Duy bị bệnh, Trent vào thăm và chăm sóc cô. Trent túc trực bên giường bệnh lo cho Duy từng chút.
Trước giờ sinh – 2015, chồng Thúy Duy luôn túc trực bên vợ. |
Ho đến với nhau bằng tấm lòng chân thật. Trent rủ Duy đi Sydney chơi. Di chuyển bằng máy bay, nhiều ngày tốn kém, Duy chủ động đề nghị cùng nhau chia chi phí. Trent không bằng lòng nhưng trước sự kiên quyết của Duy, anh đã phải chấp nhận.
Năm 2011, Brisbane xảy ra trận lụt lớn. Điện bị cúp. Cả hai đều đi tìm những nơi có điện để sạc điện thoại trò chuyện. Trent đòi cưới. Duy vẫn ngập ngừng. Bạn bè chung quanh ai cũng ủng hộ.
Cha nuôi của Duy người Úc tên Biloela ở cách xa 6 giờ lái xe cũng đã tìm đến xem mắt. Gặp được Trent, ông rất vui, khuyên Duy nên tiến hành gấp.
Đám cưới diễn ra. Trent được đưa đến giới thiệu với bạn bè. Nhìn chú rể quá khổ, ai cũng cười chúc mừng cho mối tình “tạ ba” (130kg). Trent vui tươi đáp lễ.
Cưới xong cả hai lao vào cuộc mưu sinh. Trent hàng ngày tiếp cận các công trình. Duy làm việc trong viện dưỡng lão. Ngoài giờ rảnh Duy còn giúp việc thêm cho các gia đình với thù lao 23$/giờ. Duy lau nhà, quét dọn, hút bụi, rửa chén, ủi quần áo v.v… bất cứ việc gì khi có yêu cầu.
Kinh tế 2 vợ chồng tương đối vững nên lần lượt 2 đứa con chào đời. Trent cũng đã về Việt Nam 2 lần thăm quê vợ. Một chặng đường dài đã qua với bao cố gắng đã được đền đáp. Duy nở nụ cười thật tươi nói: “Vợ chồng con còn phải cố gắng nhiều hơn nữa cho tương lai 2 đứa con của con”.
Theo Vietnamnet