Liệu có phải chỉ có Singapore mới kỳ thị và gây khó dễ cho người Việt? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhiều người Việt đang sống ở các nước trên thế giới để hiểu rõ hơn về câu chuyện này.
Lời Tòa soạn:
Bấy lâu nay, câu chuyện “Người Việt xấu xí ở nước ngoài” vốn đã âm ỉ và tạo ra những luồng quan điểm khá trái ngược nhau. Tuy nhiên, có một thực trạng là chuyện “hình ảnh người Việt” ngày càng trở nên quan trọng hơn, có ý nghĩa hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Có thể nói, hình ảnh, hành động, cách cư xử… của mỗi cá nhân người Việt khi ra nước ngoài có phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
Báo điện tử Infonet bắt đầu cho đăng tải loạt bài “Người Việt xấu xí ở nước ngoài” không nhằm mục đích gì khác ngoài việc tạo ra cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại “điểm xấu” của chính mình và cùng nhau tìm ra giải pháp hạn chế, thay đổi, với tinh thần xây dựng hình ảnh chung.
Các siêu thị có ghi tiếng Việt “Chỗ này có camera theo dõi”
Chị Đặng Mỹ Hạnh – một học viên đang theo học một khóa đào tạo thạc sỹ tại Canberra-thủ đô của Úc cho biết, nơi chị ở là thành phố chính trị của Úc nên không tập trung nhiều người Việt lưu vong hay kinh doanh cá thể, chủ yếu là quan chức và sinh viên nên chị và cộng đồng người Việt tại đây không gặp nhiều khó khăn và cũng không bị phân biệt nhiều lắm. Thậm chí, ngược lại, sinh viên Việt Nam rất được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ vì học giỏi. Các thầy cô trong trường cũng hay nhắc đến Việt Nam như 1 tấm gương sáng về thành tích học tập.
Mặc dù nơi chị Hạnh sinh sống không có nhiều mặt trái của cộng đồng người Việt nhưng chị Hạnh cũng cho rằng, người Việt tại Úc vẫn có một số thói quen xấu như khạc nhổ ngoài đường, chen lấn khi lên xe bus, không qua đường đúng vạch dành cho người đi bộ mà thường đợi không có xe là chạy vọt qua đường. Tuy nhiên, nhiều người sau khi sang đây sinh sống một thời gian thì cũng buộc phải thay đổi vì những hành vi đó đều khiến những người bản địa có những cái nhìn không thiện cảm.
Tuy nhiên, theo chị Hạnh thì người Việt nói riêng và châu Á nói chung không được coi trọng trong tuyển dụng. Xin việc vào các cơ quan hành chinh hay làm công nhân “cổ trắng” rất khó. Bản thân chị Hạnh, đang học thạc sỹ nhưng công việc làm thêm hiện nay của chị cũng chỉ xin được bán hàng thêm ở tiệm bánh. Chị Hạnh cho biết: “Ở đây xin việc làm thêm bằng các công việc hành chính rất khó. Bên này sinh viên chỉ làm thêm kiếm tiền bằng các công việc chân tay như chạy bàn, dọn phòng khách sạn hay làm bánh pizza…
Chị Hạnh chia sẻ thêm: “Ở Canberra thì như vậy nhưng bạn tôi ở Melbourne và Sydney kể rằng, trong các siêu thị, họ hay gắn chữ: “chỗ này có camera theo dõi” bằng 3 thứ tiếng Anh – Việt và Trung Quốc. Điều đó cho thấy, họ lịch sự nhắc nhở một số đối tượng riêng biệt”.
Theo chị Hạnh, các quy định về chống phân biệt chủng tộc ở Úc được thực thi khá nghiêm khắc và thường không có người dám vi phạm rõ ràng. Tuy nhiên, là người Việt, chị vẫn cảm nhận được những sự kỳ thị âm ỉ, không bộc lộ thường xuyên. Ví dụ như, có lần, một người bạn Việt Nam của chị đi trên xe bus, có một người bản địa trước khi xuống xe đã nhổ một bãi nước miếng ngay trước mặt cô và nhanh chóng xuống xe.
Hay có lần, chính chị Hạnh khi gọi điện cho nhà chức trách đề nghị sửa khu nhà nơi chị đang sống, kết thúc cuộc gọi, đầu dây bên kia làu nhàu chửi thề, chị Hạnh liền hỏi lại “Anh nói gì vậy?” thì người kia liền chối. Theo chị Hạnh thì họ không muốn có những đối đầu trực tiếp vì có thể họ sợ bị kiện.
Theo chị Hạnh, họ vẫn có những sự phân biệt ngấm ngầm bởi nhiều người Việt có những thói quen khá xấu như nói rất to nơi công cộng, gọi nhau í ới trong thư viện, gác chân lên ghế….
Cười nói ầm ĩ, đi đâu cũng vác theo một cục tiền
Chị Nguyễn Việt Hoa đang sinh sống tại Houston, Texas cho biết: “Một phần không nhỏ người Việt qua đây là không được học hành, gia đình lại nghèo và ở các vùng nông thôn tới. Vì vậy, có những người dù chuyển đến Mỹ rất lâu nhưng vẫn giữ nhiều thói quen xấu ví dụ như ăn uống tham lam, chỉ muốn nhanh được việc của mình mà không muốn xếp hàng hay cười đùa, nói chuyện rất lớn”
Anh Tuấn Anh kể: “Có lần tôi dẫn mộtđoàn khách thuộc một Viện từ Việt Nam đi thăm Tượng Nữ thần tự do. Trên tàu mấy người trong đoàn nhìn phụ nữ cười rất khả ố, suýt dẫn tới sinh chuyện. Tôi đã phải xin lỗi người phụ nữ kia hết lời. Ở đây, có những trường hợp cười cợt người béo cũng có thể bị báo cảnh sát vì tội kỳ thị”.Anh Lê Tuấn Anh – ở tại Thành phố New York – Mỹ cũng cho rằng, người Việt tại Mỹ có nhiều tật xấu như nói rất to, ồn ào, thậm chí ở những nơi trang nghiêm như Khu tưởng niệm Quốc gia, trên tàu xe họ cũng không giữ ý… Nhiều người đi lại, đứng ngồi không theo quy tắc khách xuống tàu trước rồi mới lên mà thường chen lấn…
Theo anh Tuấn Anh, người Mỹ đã rất quen với việc dùng thẻ đi mua bán và dù có mua gì họ cũng không thể hiện mình là người có bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, người Việt đến Mỹ thường đi mua bán với một tập tiền dày nhìn khá giống kiểu “trọc phú”.
Tuy nhiên, anh Tuấn Anh cho rằng, những thói xấu chỉ tập trung vào một số đối tượng còn một bộ phận trí thức và con cái thế hệ thứ 2 của nguời Việt tại Mỹ thì họ sống rất ổn vì hòa nhập tốt và có thời gian thích nghi.
Nhập cư bất hợp pháp, làm người Việt xấu đi trong mắt nước Nga
Chị Trần Vân Anh – một người có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Moscow cho biết, người Việt sang Nga để làm kinh tế khá nhiều. Vì vậy, người Việt ở đây có nhừng điều khiến nhiều người Nga và cả nhiều người Việt cũng biết đó là hạn chế. Đó là việc đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu nên không mấy coi trọng việc học hành của con cái. Họ có thể gửi con ở Việt Nam để an tâm công việc. Điều đó dẫn tới con cái thiếu sự giáo dục, chăm lo của cha mẹ.
Tại Nga, có rất nhiều lao động sống trong các công trình xây dựng, xưởng may chui, bất hợp pháp, không có chỗ ăn ở đàng hoàng, tạm bợ, ồn ào, mất an ninh trật tự. Điều này khiến người Nga phản ứng rất dữ dội, họ khó chịu và không ít lần tố giác với chính quyền sở tại. Chuyện tố cáo của người dân địa phương, khiến cho bà con làm việc trong các chợ hoặc các xưởng may chui bị công an địa phương nhũng nhiễu, như: xin đểu tiền, hoặc bắt bớ đưa về nước.
Theo chị Vân Anh, đa số người dân sang đây là lao động bất hợp đã gây khó khăn cho việc quản lý nhân sự của chính quyền địa phương, nên chính sách với người nhập cư càng ngày càng bị thắt chặt. Có những trường hợp người nhập cư từ Việt Nam bị hải quan chặn kiểm tra giấy tờ hàng giờ đồng hồ để kiểm tra tính xác thực của các công ty, xí nghiệp mời người lao động sang Nga làm việc. Trong trường hợp các công ty đó không có thực hoặc phá sản, người lai động sẽ không được vào Nga và sẽ chờ chuyến bay để quay về Việt Nam lập tức. Có rất nhiều người đã phải quay về ngay tại sân bay.