Mọi người đều muốn ở bên những người tử tế vì họ toát ra năng lượng tích cực. Nhưng tại sao những người tử tế chưa chắc đã hạnh phúc, may mắn hơn người khác?
Theo nghiên cứu của Filip Fors Connolly và Ingemar Johansson Sevä của Đại học Umeå, Thụy Điển, có những lý do vững chắc về mặt lý thuyết cho sự khó thăng tiến của những người quá tử tế, tốt bụng.
Theo mô hình tính cách 5 yếu tố (OCEAN) tạo nên một người tử tế gồm: O là sự cởi mở (Openness) – C là sự tận tâm (Coscientiouness) – E là sự hướng ngoại (Extraversion) – A là sự tử tế, dễ chịu (Agreeableness) – N là sự nhạy cảm (Neuroticism)… Điều đáng nói là những yếu tố này lại có thể cản trở khả năng của một cá nhân đạt được vị trí đứng đầu. Ví dụ, người khác có thể thích sự dễ chịu, nhưng họ không chọn người có tính cách dễ chịu làm lãnh đạo. Từ đó, người tử tế có thể chỉ trở thành một người thân thiết, đáng tin cậy khi ai đó cần động viên tinh thần.
Connolly và Sevä nhận xét: “Tính cách dễ chịu và địa vị ít khi có sự tỷ lệ thuận. Người ta có thể nể trọng người mà họ không thích (ví dụ một đối thủ đã thành công), và thích một người mà người ta không nể trọng”.
Sự thiệt thòi về địa vị xã hội khiến những người tử tế thường không nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ, điều này khiến họ thiếu đi một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên cảm giác hạnh phúc. Thậm chí, họ có thể dễ dàng bị biến thành “tấm thảm chùi chân” cho người khác. Sự tử tế quá mức có thể khiến một người dễ bị bóc lột, trong trường hợp đó, người khác có thể mất đi sự tôn trọng đối với họ.
Những người tử tế, như các nhà nghiên cứu lưu ý, có nguy cơ bị lợi dụng trong các tình huống xã hội, khiến họ ít có khả năng thực hiện các mục tiêu cá nhân hơn.
Các chuyên gia tổng kết những vấn đề mà một người tử tế quá mức có thể gặp phải:
Nếu bạn luôn cống hiến, mọi người sẽ luôn mong đợi điều đó ở bạn.
Bạn sẽ góp phần phát triển những kỳ vọng không thực tế của người khác. Mọi người sẽ đến với bạn chỉ khi họ cần điều gì đó.
Bạn sẽ quên đi việc cần phải đối xử tốt với chính mình.
Bạn bị coi là yếu đuối. Điều này không chỉ có thể dẫn đến việc người khác lợi dụng bạn mà còn có thể khiến mọi người không coi bạn là một người mạnh mẽ hoặc có quyền lực.
Mọi người sẽ không tin tưởng bạn. “Rất ít người thực sự tốt, thế nên khi bạn quá tốt, mọi người sẽ tự hỏi liệu bạn có động cơ thầm kín hay không?. Bạn sẽ dễ gặp sự ngờ vực, dẫn đến khó thiết lập các mối quan hệ”, Jessica Stillman, tác giả cuốn “5 Ways Being Too Nice Can Hurt You” viết.
Thùy Linh (Theo Life Hack,Psychology Today)