Ryan Kaji có mẹ người Việt, bố người Nhật, kiếm được 30 triệu USD năm 2020 nhờ nghề “đập hộp” và đánh giá đồ chơi, trở thành YouTuber kiếm nhiều tiền nhất thế giới.
Theo tạp chí Forbes, Ryan Kaji cũng vượt kỷ lục của chính mình vào các năm 2019 (26 triệu USD) và 2018 (22 triệu USD). Đây là năm thứ ba liên tiếp Ryan đứng đầu danh sách những người kiếm được nhiều tiền nhất từ YouTube.
Kênh Ryan’s World bắt đầu hoạt động từ năm 2015, do cha mẹ Ryan quản lý, hiện thu hút 42 triệu người đăng ký và gần 13 tỷ lượt xem. Video nổi tiếng nhất của Ryan Kaji là “Huge Eggs Surprise Toys Challenge” (Bất ngờ với những quả trứng khổng lồ), với hơn 2 tỷ lượt xem. Đây cũng là một trong 60 video được xem nhiều nhất từ trước đến nay trên YouTube.
Bố mẹ cậu bé nói rằng, thành công của Ryan lúc đầu dựa vào may mắn, nhưng có thể trụ vững nhờ vào sự chăm chỉ và nỗ lực của toàn gia đình.
Gia đình Ryan có 5 người, hiện đang sống ở bang Texas. Anh Shion – bố cậu – là một kiến trúc sư người Nhật, còn chị Loann – mẹ cậu – là giáo viên trung học cơ sở người Việt Nam. Dưới cậu còn có hai em gái sinh đôi.
Theo bố của Ryan, nguyên nhân họ làm video trên YouTube là để chia sẻ cuộc sống hàng ngày của cậu với người thân. “Gia đình tôi sinh sống tại Mỹ, trong khi người thân hai bên lần lượt ở Nhật Bản và Việt Nam. Khi Ryan chào đời, mọi người không thể đến thăm thường xuyên nên tôi quay video và lập kênh YouTube riêng để họ theo dõi dễ dàng hơn”.
Nội dung của video sau đó do chính Ryan đề xuất. Mẹ cậu bé kể rằng khi mới 3 tuổi, xem các video đập hộp đồ chơi của trẻ em khác, Ryan hỏi liệu cậu có thể làm những video tương tự không. Các video của cậu bé mang dòng máu Việt Nhật bắt đầu định hướng rõ ràng từ đó.
Điều bố mẹ Ryan chưa bao giờ nghĩ tới là kênh YouTube của con trai sau đó thu hút 17,2 triệu lượt xem. Chỉ trong 4 tháng, số lượng người đăng ký kênh và số lần phát đã lọt top 20 thế giới. Tuy nhiên, sau đó họ phát hiện, dưới những video đăng tải luôn có những tin nhắn mang ký hiệu lạ, không rõ ràng. “Liệu Ryan đang bị theo dõi bởi tổ chức đen tối nào không?”, họ nói với nhau. Với tần suất xuất hiện “tin nhắn lạ” ngày càng nhiều, họ mất ngủ nhiều đêm, đồn đoán rằng đó là dấu hiệu của một tổ chức bí mật.
Cho đến một ngày, bố Ryan nhìn thấy con trai mình đang gõ bàn phím một cách hào hứng khi xem video trên YouTube. Ông chợt nhận ra những tin nhắn mang ký hiệu lạ rất có thể được gõ bởi những đứa trẻ không biết chữ đang xem video giống như con trai mình.
Lo lắng trong lòng dù sau đó được giải tỏa, nhưng sự việc khiến người lớn nhận ra những lo lắng như vậy có thể tăng lên cùng với sự nổi tiếng của cậu bé. Sau khi thảo luận, bố mẹ nói chuyện với Ryan, hỏi về việc có tiếp tục làm YouTube hay không. “Con vẫn thích làm”, cậu bé quả quyết. Với quyết tâm của con trai, hai vợ chồng vẫn tiếp tục thực hiện các video, nhưng bài bản hơn là trốn tránh nó.
Để cống hiến hết mình cho sự nghiệp của Ryan, cha mẹ cậu đã từ bỏ công việc riêng và thành lập công ty sản xuất phim Sunlight Entertainment, nhằm mục đích tách biệt cuộc sống và sự nghiệp. Công ty có tới 30 nhân viên chịu trách nhiệm quay video, chỉnh sửa hậu kỳ và tải các video của Ryan lên YouTube. Trung bình mỗi tuần có 30 video được tải lên kênh. “Đây là một kết quả đáng kinh ngạc”, bố Ryan nói.
Để duy trì lượng phát sóng, người của công ty cũng làm đủ việc. Theo khảo sát, họ nhận thấy các bậc cha mẹ thường cho con cái xem video khi bận nấu ăn. Vì vậy nhóm nghiên cứu sẽ tải các video lên trước bữa ăn hàng ngày. Ví dụ, khoảng 7 giờ sáng.
Vì video của Ryan được quay tại gia nên bố mẹ đã mua một ngôi nhà rộng gần 500 m2. Tất nhiên, việc thiết kế và trang trí đều do bố cậu, một kiến trúc sư đảm nhận. Trong nhà có một phòng khách lớn, một rạp chiếu phim riêng, một phòng vui chơi trẻ em. Phía ngoài còn có bể bơi ngoài trời và những đài phun nước nhỏ.
Bố Ryan cho biết, ban đầu họ chọn đồ chơi dựa theo các từ khóa phổ biến nhất trong các video khác. Họ đã mua đồ chơi dựa theo sở thích của Ryan nhưng sau đó, một số thương hiệu bắt đầu tài trợ cho video và cung cấp sản phẩm để quảng cáo. Theo mô tả trên kênh, phần lớn đồ chơi được đánh giá trong video của Ryan sẽ được quyên góp cho các tổ chức từ thiện địa phương. Người mẹ cho biết thêm: các món đồ không được tặng sẽ “tập kết” trong một phòng của gia đình và một phòng khác để quay phim.
Tuy nhiên việc kiếm tiền trên YouTube giờ đây có lẽ chỉ là “phụ” khi Ryan cũng kiếm được thêm 200 triệu USD từ đồ chơi và quần áo mang thương hiệu Ryan’s World, bao gồm cả đồ ngủ hợp tác với Marks & Spencer. Sao nhí này cũng đã ký một hợp đồng trị giá hàng triệu USD cho loạt phim truyền hình riêng của mình trên Nickelodeon.
Mới 10 tuổi nhưng Ryan đã đạt được những thành tựu mà cả đời nhiều người không thể đạt được. Ngoài sự ghen tị, nhiều người cũng lo lắng cho tuổi thơ của cậu bé.
Họ đặt câu hỏi, liệu với một đứa bé 10 tuổi, phải quay hơn 30 video mỗi tuần có phải quá cao? Đối diện với sự giàu có, liệu cha mẹ của Ryan có để cậu bé sống một tuổi thơ đúng nghĩa? Với bản thân Ryan, liệu cậu bé có thể sống tốt và học tập tốt?
Bố Ryan cho biết: “Con trai tôi quay tổng cộng 3 đến 4 giờ video mỗi tuần, thời gian còn lại không khác gì cuộc sống của những đứa trẻ bình thường. Ở trường, Ryan vẫn là một học sinh tiểu học, không có gì khác biệt”.
Thu nhập của Ryan do công ty quản lý tài chính trực tiếp quản lý, một khi tiền đã vào tài khoản, khó rút ra được. Ngay cả khi gia đình muốn lấy nó cũng phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Cha mẹ cậu bé cho biết: “Mục đích giao tài khoản của Ryan cho một công ty quản lý chuyên nghiệp không chỉ vì bản thân cậu bé mà còn vì con cái sau này của Ryan”.
Về số tiền, bố mẹ Ryan không tiết lộ con số cụ thể, tuy nhiên họ cũng nhấn mạnh, trong tương lai không muốn con mình tiếp tục làm YouTuber. “Nhưng nếu con trai vẫn thích công việc này, chúng tôi luôn ủng hộ cậu bé”. Cả hai cũng cho hay, bản thân cũng không biết trẻ có nhiều tiền tốt hay xấu, nhưng họ đang cố gắng bảo vệ tuổi thơ và cuộc sống của con trai hết mức có thể.
Ryan cho biết, cậu hy vọng vẫn tiếp tục làm YouTuber đến năm 26 tuổi. Sau đó sẽ học để trở thành nhà thiết kế trò chơi nhằm phát triển các trò chơi yêu thích: “Cháu hy vọng có thể chia sẻ những trò chơi đó với mọi người thông qua kênh YouTube của riêng mình”, cậu bé 10 tuổi nói.
Vy Trang (Theo cyzone)