Chị Hoài Hương phải sống trong cảnh mất điện, không Internet và không có hệ thống sưởi giữa mùa đông lạnh giá khi bão lớn quét qua Melbourne tháng trước.
Một tuần ác mộng nhất đối với chị Hoài Hương trong gần bốn năm ở Australia bắt đầu từ tối 9/6, khi bão quét qua phía đông thành phố Melbourne, kèm mưa lớn và gió giật 60-100 km/h. Chỉ trong đêm cơn bão đi qua, hơn 6.500 cuộc gọi đến đường dây hỗ trợ khẩn cấp, 400 ngôi nhà bị hư hỏng, hơn 160.000 hộ gia đình không có điện ít nhất một tuần, hàng nghìn cây lớn nhỏ bị đổ và quá trình khắc phục dự kiến kéo dài cả năm.
“Đến trưa 10/6, bão dần tan, nhưng hậu quả mà nó để lại thì thực sự đến bây giờ tôi vẫn thấy mệt mỏi. Tôi đã trải qua những ngày sống trong cảnh thiếu thốn đủ thứ mà chồng tôi bảo 10 năm qua mới có một lần”, chị Hoài Hương chia sẻ với VnExpress.
Một trong những điều khiến chị Hương cảm thấy khó khăn nhất sau khi cơn bão quét qua là không có điện. Hệ thống điện lưới bị hỏng, nên nhà chị phải sử dụng máy phát điện. Nhưng vì công suất nhỏ, máy chỉ đủ cấp điện ở phòng khách, phòng bếp và không thể dùng cho tất cả thiết bị.
“Không có điện nên gia đình tôi cũng hạn chế nấu nướng, chủ yếu ăn đồ khô. Trước bão, gia đình thường ăn bánh mỳ nướng và các đồ nóng từ sữa. Nhưng cả tuần liền cả nhà phải ăn bánh mỳ nguội, sữa lạnh”, chị kể. “Buổi tối cả nhà cũng phải tranh thủ ăn sớm và đi ngủ sớm. Thường 6h tối, mọi người ai về phòng người đó”.
Cơn bão quét qua khi Australia đã bước sang mùa đông. Nhiệt độ ban đêm ở phía đông Melbourne có thể giảm xuống 0 độ C.
“Điều khổ nhất khi mất điện vào mùa đông là không có hệ thống sưởi vì nhiệt độ ban đêm chỉ dao động 0-2 độ C. Do đó, cả nhà phải dùng túi sưởi bằng nước nóng để chống chịu với cái lạnh. Giấc ngủ cứ chập chờn vì lạnh trong suốt tuần đó”, chị cho hay.
Không chỉ thiếu điện, cơn bão tối 9/6 còn gây lụt lội và khiến nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Tuy nhiên, may mắn là công ty nước đã có hai trạm cấp nước sạch miễn phí cho người dân. Woolworth, siêu thị lớn nhất của Australia, cũng giảm 50% giá bán các thùng nước 20 lít cho khách hàng.
“Gia đình tôi phải lái xe cách nhà 3 km để lấy nước về dùng”, chị nói.
Một tuần không có điện cũng là khoảng thời gian cả gia đình chị Hương sống trong cảnh không có Internet. Con trai đầu không thể hoàn thành bài tập ở trường, trong khi chị phải lái xe cách nhà khoảng 10 km để có thể vào mạng nếu muốn tra cứu thông tin.
“Lúc đầu, gia đình tôi định di tản tới Sydney, nhưng không đi được vì thời điểm đó Melbourne đang phong tỏa ngăn dịch. Không ai được đi ra ngoài bán kính 5 km. Một ngày sau khi bão tan, lệnh phong tỏa mới được nới lỏng và mọi người có thể đi lại trong bán kính 25 km”, chị cho hay.
Công ty điện lực vẫn gửi tin nhắn hàng ngày về tình hình sửa chữa lưới điện và dự kiến thời điểm cấp lại. Tuy nhiên, thời gian dự kiến lùi dần từ ba ngày, năm ngày, sau đó là một tuần và cuối cùng thông báo sẽ cấp lại điện sau ba tuần.
“Thông báo là một cú sốc cho người dân sống trong vùng bởi mùa đông rất cần điện để sưởi ấm và nấu ăn. Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau khi nhận tin nhắn từ công ty điện lực, báo chí đã đưa tin về sự việc. Điều bất ngờ là ngay hôm sau gia đình tôi và nhiều nhà khác đã đã có điện thay vì chờ thêm ba tuần”, chị nói. “Lâu lắm tôi mới có cảm giác mừng rơi nước mắt bởi những điều tưởng chừng như quá đơn giản”.
Chị Hoài Hương cho hay chính quyền địa phương đã yêu cầu công ty điện lực phải bồi thường 1.500 đô la/ngày/người nếu không có phương án xử lý sớm. Điều này buộc công ty điện lực phải điều máy phát điện cỡ lớn dành cho quân đội đến khu vực bị ảnh hưởng sau bão, trong khi chờ xử lý sự cố từ lưới điện quốc gia.
Cơn ác mộng kéo dài một tuần sau bão của chị Hương cuối cùng cũng kết thúc, dù việc khắc phục tất cả hậu quả của nó ở nơi chị sống sẽ cần thêm rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, cũng chính trong khoảng thời gian khó khăn vừa qua, chị lại thấy yêu thêm cuộc sống và con người ở Melbourne.
“Trên mạng xã hội, rất nhiều người chia sẻ đồ ăn, cho mượn máy phát điện, giặt là quần áo miễn phí cho người dân bị ảnh hưởng. Hai tuần sau bão, hội Chữ thập Đỏ và quân đội vẫn đến thăm hỏi xem mọi người có cần giúp đỡ hoặc thiếu thốn gì không. Những điều đó khiến tôi thực sự cảm thấy ấm lòng dù đang sống xa quê hương”, chị chia sẻ.