Cầm trên tay tấm bằng cử nhân kinh tế, nhưng cô gái chẳng thể xin nổi việc làm, để gánh cháo mưu sinh trên vỉa hè của mẹ vơi bớt nhọc nhằn, em đi chạy xe ôm, ship hàng, làm công nhân… rồi gục ngã.
Trần Thị Quỳnh Anh (26 tuổi), đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, tạm thời qua cơn nguy kịch nhưng tính mạng vẫn đang ở lằn ranh của sự sống chết. Những trang thiết bị y tế hiện đại nhất cùng với máy ECMO (tim phổi nhân tạo), máy thở, máy lọc máu… đang giúp em cầm cự mạng sống.
Vừa tỉnh lại thời gian dài miên man chống chọi với tử thần, bởi căn bệnh viêm cơ tim. Cô gái đưa đôi mắt nhìn chúng tôi, ánh mắt đầy ám ảnh, khao khát sống sau những ngày dài đánh vật với tử thần.
Mới hôm nào, cô gái cầm trên tay tấm bằng cử nhân kinh tế, chuyên ngành Quản trị kinh doanh tất tưởi chạy đi xin việc. Nhưng số phận cô gái thật không may mắn, ngày em tốt nghiệp đúng vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên, nhiều công ty đóng cửa, cắt giảm nhân sự để giảm bớt khó khăn, vì thế cô gái cũng chẳng thể xin được việc làm ở đâu.
Sau những năm tháng vượt qua nghịch cảnh gia đình, cầm trên tay tấm bằng cử nhân kinh tế thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, cô gái không xin được việc làm, gia đình cũng chẳng có chỗ nào quen biết mà nhờ cậy.
Vì thế, để gánh cháo trên đôi vai mẹ vơi bớt nỗi nhọc nhằn mưu sinh nơi vỉa hè, nuôi các con ăn học, Quỳnh Anh đi làm xe ôm, bán hàng thuê, ship đồ… những công việc chính đáng kiếm ra tiền cô gái đều không từ chối, nhặt từng đồng bạc lẻ gửi về đỡ phần nào cho bố mẹ.
Mắc viêm cơ tim, sự sống của cô gái trẻ này đang hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc.
Quỳnh Anh phải liên tục chạy máy ECMO (tim phổi nhân tạo) và thở máy với chi phí vô cùng tốn kém, trong khi em lại không có Bảo hiểm y tế.
Đứng bên ngoài phòng Hồi sức tích cực, ông Trần Văn Vượng, bồn chồn, hết đứng lại ngồi, khuôn mặt ông tỏ rõ sự lo lắng, giọng run run đứt đoạn: “Cố lên Quỳnh Anh… đừng bỏ bố mẹ và các em con nhé”. Nói rồi, ông len lén quay mặt đi giấu vội những giọt nước mắt đang ứa ra trên khuôn mặt khắc khổ.
Ông bảo, đến giờ ông không thể nào quên cái buổi sáng ấy… buổi sáng ngày 22/6, như “thần giao cách cảm”, đột nhiên ông thấy trong người có cảm giác lo lắng, bất an, trong lòng nóng như lửa đốt. Bất chợt, chuông điện thoại đổ dồn, nghe điện mà ông bủn rủn chân tay, khi phía đầu dây bên kia thông báo, con gái đang cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.
Nghe xong điện thoại, ông tức tốc bắt xe về Hải Dương, nhưng đi được nửa đường thì ông lại nhận được điện thoại báo con gái đang được xe cấp cứu đưa lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Người cha tội nghiệp lại quay ngược trở về Hà Nội. Khi đến bệnh viện Bạch Mai, lúc này Quỳnh Anh đã được cấp cứu khẩn cấp ở Trung tâm Hồi sức Tim mạch, sau đó được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.
Người cha nghèo khó bất lực cầu xin sự sống cho con.
Theo lời người đàn ông tội nghiệp này kể, nhà ông ở phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội. Ông vốn là công nhân xây dựng, nhưng 9 năm trước ông bị tai nạn dẫn đến chấn thương cột sống.
Sau 2 lần phẫu thuật, ông may mắn không phải nằm liệt giường, nhưng căn bệnh để lại di chứng nặng nề khiến ông mất sức lao động phải nghỉ việc. Từ đó, ông chỉ quanh quẩn ở nhà, hiện vẫn phải đều đặn uống thuốc hàng ngày.
Người đàn ông trụ cột không còn khả năng lao động. Cuộc sống của gia đình trông cả vào gánh cháo vỉa hè của người vợ. Hôm bán hết hàng thì có tiền mua mớ rau bìa đậu, bắc bơ gạo lên bếp, hôm nào bán ế hàng thì cả nhà phải ăn cháo thay cơm. Từ khi dịch bệnh bùng phát, gánh cháo của chị cũng phải nghỉ bán.
Để đưa nữ cử nhân trở về với cuộc sống lao động bình thường, số tiền phải bỏ ra khoảng 700-800 triệu đồng, trong khi gia đình đã khánh kiệt.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Hồ Đức Triều – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Quỳnh Anh vào viện trong tình trạng viêm cơ tim cấp, sốc tim nặng, rối loạn nhịp rất nặng và đã ngừng tuần hoàn.
Do bệnh nhân không có Bảo hiểm y tế nên chi phí chữa trị rất tốn kém. Hiện gia đình đã đóng viện phí gần 500 triệu đồng, vẫn còn nợ bệnh viện hơn 100 triệu đồng. Gia đình họ thực sự đã khánh kiệt, trong khi đó số tiền điều trị cho bệnh nhân phải cần thêm 700-800 triệu đồng nữa.
“Hiện bệnh nhân đang sử dụng kỹ thuật ECMO, thở máy… sự sống phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc. Nếu được tiếp tục chữa trị tích cực, bệnh nhân có cơ hội khỏi bệnh rất cao, em hoàn toàn có thể quay trở lại cuộc sống bình thường mà không để lại bất cứ di chứng gì. Nên chúng tôi tha thiết mong được bạn đọc báo Dân trí hỗ trợ”, bác sĩ Triều chia sẻ trong sự lo lắng.
Xin hãy cho em thêm một lần được sống.
Chia sẻ thông tin về hoàn cảnh gia đình Quỳnh Anh, bà Đoàn Thị Kim Thoa, Tổ trưởng Tổ dân phố số 13, phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội, cho biết, gia đình ông Vượng có hoàn cảnh khó khăn nhiều năm qua, bản thân ông Vượng mắc bệnh không lao động được, cả nhà mưu sinh bằng gánh cháo của người vợ.
“Lao động chính trong nhà là cháu Quỳnh Anh nay đột ngột mắc bệnh hiểm nghèo, mấy hôm nay tôi thấy gia đình phải gõ cửa khắp mọi nơi để vay mượn tiền. Bà con tổ dân phố chúng tôi tha thiết mong bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ gia đình ông Vượng, giúp cháu Quỳnh Anh có cơ hội được tiếp tục sống để về với gia đình”, bà Thoa nói.
Theo dantri