“Mình nghĩ, nếu cha mẹ “chồng lấn” phần việc của con, lúc nào cũng “hữu sự” với con thì không gian tự do của con bị xâm phạm”.
Cách đây hơn 3 năm, Nguyễn Đình Tôn Nữ, nữ sinh trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã được ĐH Harvard trao học bổng toàn phần cho 4 năm học. Trong một buổi chia sẻ ấm cúng với chủ đề “Hãy để con bay!” với sự tham gia của đông đảo học sinh và các phụ huynh, anh Nguyễn Vũ Cân – bố của Nguyễn Đình Tôn Nữ – đã nói rằng, “đây không phải là một buổi truyền bá kinh nghiệm nuôi dạy con của mình”. Sau 3 năm, anh vẫn bảo lưu câu nói đó trong một cuộc trò chuyện gần đây với PV báo VietNamNet.
Cũng trong buổi trò chuyện ấy, anh Nguyễn Vũ Cân đã nói rằng, mỗi đứa trẻ được sinh ra làm người vốn đã là một thiên tài. Vấn đề là, để phát triển cần một môi trường chăm sóc, giáo dục phù hợp, phát huy các tố chất vốn có trong từng đứa trẻ. Bởi theo quan điểm của anh, mỗi đứa trẻ đều là một cá tính khác biệt, cần có một cách tiếp cận và ứng xử phù hợp để đứa trẻ tự tin tìm ra con đường đi cho riêng mình.
Anh Nguyễn Vũ Cân: Tôn Nữ đang học năm thứ 3. Về Việt Nam từ tháng 3-2020, hiện tại, bạn ấy đang ở Việt Nam học online vì Covid-19.
Thời gian đầu khi vào trường, bạn ấy cũng có “sốc”. Bởi vì, như các bạn đã biết, ngôi trường mà Tôn Nữ theo học là nơi tập hợp nhiều sự khác biệt, nhất là về văn hóa, lối sống, trong đó bạn bè đều là những cá nhân hàng đầu cả về gia thế lẫn trí tuệ. Nhưng Tôn Nữ cũng xác định ngay từ khi ở nhà là sẵn sàng chấp nhận các khác biệt để tìm ra những điểm tương đồng, để hòa nhập, để thu lượm kiến thức.
– Tôn Nữ có hay chia sẻ với bố mẹ những câu chuyện thường ngày ở Harvard không?
Bạn ấy rất kín tiếng. Thật cần thiết bạn ấy mới gọi điện, trao đổi. Cả hai vợ chồng mình cũng thống nhất với nhau là không gọi nhiều, không thể hiện quá nhiều sự lo lắng, khiến cho bạn ấy lại phải lo lắng cho những người ở nhà. Tuy nhiên, các sự kiện trong gia đình như sinh nhật, giỗ chạp…, bạn ấy vẫn tham gia online.Chỉ có việc học là nói thực đến gần đây, trong một cuộc trò chuyện, mình mới biết bạn ấy theo đuổi nghiên cứu ngành Nhân học. Cụ thể, chuyên ngành chính của bạn ấy là Lịch sử Đông Á, chuyên ngành phụ là Nghiên cứu hội họa, Phim và Nghệ thuật thị giác (Art, Film and Visual Studies). Thú thực là, đối với mình những thứ này rất mới lạ nhưng là người tôn trọng sự lựa chọn thiên hướng của con cái nên mình rất vui, tự tin, ủng hộ bạn ấy.
– Sau hơn 2 năm học tập ở Harvard, chắc hẳn Tôn Nữ bây giờ cũng đã có sự khác biệt, trưởng thành nhất định so với ngày xưa?
Đúng là có nhiều. Hết năm nhất, khi bạn ấy về nhà, đã thấy sự nhận thức về bản thân nâng lên. Ví dụ, trước kia bạn ấy từng trả lời báo chí rằng cách ăn mặc của bạn ấy lúc đó là ổn rồi, nhưng sau nửa năm sang đó, bạn ấy chia sẻ với mẹ rằng mình không thể xuềnh xoàng như thế được nữa, mà phải có sự hấp dẫn nhất định. Bởi vì ở đâu cũng vậy, trang phục không chỉ thể hiện tầm mức thẩm mỹ, sự tôn trọng những người xung quanh mà còn định vị giá trị văn hóa của con người. Ví dụ như đi dạ hội thì phải có váy dạ hội, chơi thể thao thì phải có đồ thể thao… Bạn ấy đã nhận thức trang phục lên mức tầm văn hóa, chứ không phải là đua đòi, diêm dúa, mà là ăn mặc lịch sự phù hợp với hoàn cảnh.
‘Mình không can thiệp quá nhiều, kể cả những va vấp của con’
– Rõ ràng, việc Tôn Nữ được ĐH Harvard nhận vào học có thể coi là một thành quả mà rất nhiều học sinh và phụ huynh Việt Nam ngưỡng mộ và lấy làm tấm gương. Nhiều phụ huynh sẽ tò mò cách dạy con của anh như thế nào để đạt được thành quả ấy?
Trước hết, mình mong các vị phụ huynh không nên lấy một mẫu hình nào đó để so sánh, để “làm gương”, làm “thần tượng” với chính các con của mình. Như vậy, vô tình chúng ta tạo ra áp lực không cần thiết cho các con. Câu nói nằm lòng là “hãy cố gắng được là chính mình” và câu thứ hai là “Hãy cố gắng khai thác bản thân mình!”.
Mình từng đọc sách của ông Anton S.Makarenko – nhà tâm lý sư phạm nổi tiếng của Nga và rút ra 7 điểm bố mẹ nên tránh và 8 điểm bố mẹ nên làm mà mình tâm đắc. Ví dụ như, nếu suốt ngày bố mẹ cứ chỉ trích người khác, không phát hiện ra cái đẹp, cái hay của người khác, mà chỉ nhìn thấy đầy rẫy cái xấu thì đứa trẻ sống trong môi trường như thế sẽ có tâm lý phê bình, trách móc, buộc tội người khác. Nếu đứa trẻ luôn sống trong sự giận dữ của bố mẹ, nó sẽ dễ học cách làm tổn thương người khác. Hay là khi trẻ sống trong sự không hiểu biết lẫn nhau, trẻ sẽ không nghe lời bạn nói. Ngược lại, nếu đứa trẻ luôn được ủng hộ, động viên thì nó sẽ biết cách chia sẻ, giúp đỡ người khác và tự bảo vệ mình. Đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bình yên, nó sẽ học được tính kiên trì. Lối sống ấy sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ. Đứa trẻ nếu được sống trong một môi trường trung thực, thẳng thắn cũng sẽ trở thành người trung thực, cởi mở, không e sợ điều gì. Ví dụ như ở nhà mình, nhiều khi các con mình nói có gì đó “sai sai” nhưng mình lùi lại, mình không phản ứng lại ngay với cái sai đó. Mình cũng không hỏi lại. Mình chỉ bảo nếu con thấy đúng, con cứ thử đi nhưng hãy thử từng bước một. Nó giống như một khoản đầu tư phiêu lưu. Con thấy có lợi, con phải thử đã, rồi mới chơi lớn được. Mình cũng dạy con tự lập dựa theo cách đó.
(Cười) Tại sao mình không hỏi nhiều về chuyện bạn ấy học hành? Bởi vì mình biết rằng việc học đã tạo ra một áp lực rất lớn với bạn ấy rồi. Bây giờ nếu mình quan tâm, hỏi han nhiều quá, ít nhiều vô tình thể hiện sự lo lắng thì lại tạo ra một áp lực nữa, vì thế mình hoàn toàn tránh. Thỉnh thoảng mình chỉ hỏi con đọc sách gì hay, chỉ cho bố đọc, thế thôi. Mình nghĩ, nếu cha mẹ “chồng lấn” phần việc của con, lúc nào cũng “hữu sự” với con thì không gian tự do của con bị xâm phạm. Ai đó đã nói “tự do chắp cánh ước mơ, nâng bước sáng tạo” và mình thấy tính chân lý của ý này. Cái mà mình sùng bái nhất là dạy cho đứa trẻ phương pháp để nó tự tìm đường đi. Ai rồi cũng sẽ tìm được đường đi, nhưng câu nói nằm lòng của mình là phải có kiến thức thì mới tìm được con đường rộng rãi mà đi. Mình ưa phương pháp tạo cho con niềm say mê tìm tòi kiến thức. Khi bạn ấy đã có phông kiến thức rõ ràng, kết hợp với phương pháp nữa thì bạn sẽ tự tìm ra được đường đi cho mình. Cái “vô tích sự” của mình cũng phải dựa trên kiến thức, sự hiểu biết nhất định. Nhất là, phải tuyệt đối đặt lòng tin vào con.
Đặt niềm tin vào con khác với ‘buông lỏng’
– Thực tế là nhiều đứa trẻ nếu được buông lỏng như thế sẽ bị chệch hướng. Phải chăng Tôn Nữ có ý thức tự giác và khả năng tự học cao?
Mình nghĩ, “tuyệt đối đặt lòng tin vào con” khác biệt hoàn toàn với “buông lỏng”. Chính lòng tin là chất keo kết dính cha mẹ với con cái. Thương con, yêu con thì phải đặt lòng tin vào con và chính cái đó không những chắp cánh cho con mà còn nâng bố mẹ lên cùng với sự trưởng thành của con. Để được như thế, bố mẹ phải tập cho con tính tự lập, tự tin, tự giác từ những thứ nhỏ nhất ngay từ lúc con còn nhỏ. Từ lúc 3 tuổi, mình đã để cho con tự ăn, tự tìm áo mặc. Bốn tuổi, bạn ấy tự tắm. Con tắm đi ra còn nguyên xà phòng, mình bảo con vào tắm lại. Một vài lần như thế, thấy con tiến bộ thì khen. Đôi khi phải khen trước, rồi hướng dẫn sau. Nguyên tắc của mình là phải giáo dục con cái tự làm, bố mẹ không can thiệp quá nhiều. Thậm chí, con có những va vấp, mình cũng không quá gay gắt.
Ngày xưa, bạn ấy hay đi học muộn (bây giờ vẫn thế). Lý do thì nhiều, nhưng chủ yếu là do bạn ấy đọc linh tinh gì đó. Nhiều khi, mình cũng không biết bạn ấy làm gì nữa nhưng thấy đèn sáng trong phòng và không có biểu hiện gì “bất thường” nên mình cho rằng, bạn ấy nghiên cứu tài liệu hoặc trao đổi với bạn bè ở vùng lệch múi giờ nên ngủ muộn, dậy muộn. Mình rất ít khi gay gắt. Những thứ thuộc về bản năng của con người, mình không thể lái một cách đột ngột được. Nó phải từ từ, cần nhiều sự kiên trì.