Nàng du học xinh đẹp trở thành lãnh đạo thành công tại Mỹ: “Nếu học xong mà về Việt Nam luôn, thứ cầm theo chỉ là một tấm bằng”

8

 

Võ Vũ Thùy My (Maggie Vo) cho rằng, với tấm bằng đó sẽ chẳng làm được gì nhiều ngoại trừ giúp cho bản thân có được một công việc tốt.

Thùy My là một trong hai thành viên góp vốn chính và hiện nắm toàn quyền điều hành quỹ Fuel VC. Cô từng tốt nghiệp trường Centre College ở Kentucky (Mỹ) với hai bằng toán học và tài chính, sau này giành được chứng chỉ CFA (một chứng chỉ 3 cấp độ do Hiệp hội quốc tế dành cho các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp). Trước đó, My từng tham gia nhóm nhạc Tymyty cùng Thùy Trang, Thùy Lâm – Hoa hậu Hoàn vũ Việt Năm năm 2008.

Người Việt muốn thành công ở Mỹ?

Người ta nói, người Việt Nam muốn thành công ở Mỹ đều phải nỗ lực hơn người bản xứ nhiều lần?

Theo cảm nhận của tôi, những người sinh ra ở đây, nói tiếng Anh chuẩn, có gia đình, bạn bè, có kiến thức văn hoá xã hội, và sự tiếp cận với công nghệ thông tin từ rất sớm… thì họ đã có bàn đạp cao hơn My mấy bậc rồi. Giống như trong một cuộc đua, họ đã chạy trước 17 năm rồi mình mới bắt đầu chạy.

Do đó mình không những phải nỗ lực chạy lâu hơn, mà còn phải học cách chạy nhanh hơn để đuổi kịp. Và quan trọng hết khi cạnh tranh với người bản xứ, người Việt Nam mình cần vận dụng những điểm thế mạnh của bản thân và điểm khác biệt của một người Á Châu để có thể tạo ấn tượng riêng và định ra những chiến lược mới mẻ khác. Vì nếu mình làm y như người bản xứ thì cơ hội thắng sẽ thấp hơn bởi họ đã có lợi thế do bắt đầu từ sớm.

Đối với chị thì sao?

My tốt nghiệp năm 2009, đúng vào lúc xảy ra khủng hoảng tài chính nên rất khó kiếm việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư tài chính.

Năm đó, những sinh viên nước ngoài như My chỉ có vỏn vẹn 90 ngày để tìm kiếm việc làm, nếu không tìm được, sẽ phải rời khỏi xứ cờ hoa. Trong 90 ngày đó, My nhận một công việc phân tích tài chính ở Kentucky.

Vô tình trên chuyến bay từ New York về Kentucky, My ngồi cạnh một vị Giám đốc quỹ đầu tư tại Florida. My xin contact của ông ấy và giữ liên lạc với ông mỗi tuần. Sau đó không lâu, ông ấy khuyến khích My nên đi thi bằng CFA vì đó là điều kiện để được làm việc ở các quỹ đầu tư.

My quyết định đi làm ban ngày và học thi CFA buổi tối. Sau 6 tháng ròng rã, My đỗ level 1 với điểm số cao trong mỗi hạng mục. Lúc đó, công ty của vị giám đốc nọ không hề có vị trí dành cho My, nhưng ông ấy đã thuyết phục mọi người mở ra một vị trí mới cho My làm việc. My rời Kentucky, bỏ lại mọi thứ để tới Florida bắt đầu công việc mới và thi tiếp level 2, level 3 của bằng CFA.

Sau khi thấy My đậu 3 level liên tiếp, không rớt lần nào và đảm nhận được mọi công việc của quỹ, ông đã cất nhắc cho My lên làm giám đốc quản lí một quỹ riêng và dần dần trở thành cánh tay đắc lực của ông.

Nhiều người nghe như vậy thường nói My may mắn, nhưng My nghĩ, ai cũng có một cơ hội như thế, gặp một người có khả năng thay đổi vận mệnh của mình, nhưng nếu mình không biết nắm bắt thì mình cũng dễ dàng để cơ hội vụt khỏi tầm tay.

Hai yếu tố đầu quyết định 99% của sự thành công. Do đó mỗi năm, My đều hoạch định kế hoạch cho bản thân và nhìn lại xem mình đã làm và học hỏi được gì mới. Nếu đến tháng 12 mà chưa làm được gì, My cảm thấy mình đã thua chính mình của năm ngoái. Mặc dù sống vậy cũng hơi áp lực, nhưng nhưng My nghĩ cuộc sống luôn có mục tiêu, luôn phát triển bản thân như vậy rất thú vị.

Sự may mắn là yếu tố duy nhất không nằm trong tầm kiểm soát của bản thân. Và điều duy nhất mình có thể làm là phải nỗ lực, không ngừng trau dồi hai yếu tố đầu để có thể nhận ra, sẵn sàng đón nhận và phát huy một cách tốt nhất khi cơ hội may mắn đến.

Học xong mà về ngay, thứ mang về chỉ là một tấm bằng

Trong suốt 15 năm ở xứ người, chị thấy giai đoạn nào là khó khăn nhất ?

Năm 2009, ngoài khó khăn về việc làm thì My còn bị tai nạn xe khá nặng. Rất may mắn, lúc My bị tai nạn thì ba mẹ cũng có mặt và đã ở lại Mỹ để chăm sóc My suốt khoảng thời gian đó. Lúc đó khi nằm tịnh dưỡng và có nhiều thời gian suy nghĩ, My đã tự hỏi không biết việc mình cương quyết ở lại để tìm việc làm là đúng hay sai vì các bạn cùng lứa đều đã đi về hết.

Tới bây giờ, những vết thương của My vẫn không thể hồi phục hoàn toàn. Có lẽ, nhiều người sau tai nạn khá nặng như vậy sẽ nghĩ tới chuyện về nước, để khi ốm đau có người thân ở bên, nhưng My vẫn cứng đầu muốn ở lại vì My thực sự thấy rằng kiến thức 4 năm đại học là chưa đủ.

Vì sao vậy?

Vì My nghĩ rằng, lúc đó My chỉ mới học xong thôi, chưa có kinh nghiệm gì, nếu có về Việt Nam cũng chỉ là mang theo một tấm bằng ở Mỹ và chưa làm được gì nhiều ngoại trừ giúp cho bản thân lấy được một công việc tốt.

Do đó My đã xác định phải tạo dựng được một sự nghiệp vững chắc bên này và phải làm chủ được một quỹ đầu tư của riêng mình, để sau đó có thể dùng vị trí và mối quan hệ mà mình có để trở về Việt Nam giúp ích cho những bạn trẻ ở Việt Nam mà cũng như My ngày đó, có hoài bão muốn tiến ra biển lớn và cạnh tranh trong thị trường thế giới.

My nghĩ với khả năng của mình hiện tại nếu về Việt Nam thì sẽ giúp được điều gì cho quê hương?

Trước mắt với kinh nghiệm làm việc với nhiều founders từ Mỹ đến Châu Âu, My muốn được chia sẻ thêm với founders Việt Nam về kinh nghiệm khởi nghiệp, vận hành công ty, thu hút vốn của nhà đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn đầu. My thấy ở Việt Nam có rất nhiều nhà khởi nghiệp làm điều đó nhưng chưa có nhiều bài báo viết về quan điểm đó dưới góc nhìn của nhà đầu tư.

Sau đó, My muốn vận dụng những mối quan hệ với nhà đầu tư từ Fuel VC để giúp những startups ở Việt Nam có thể huy động vốn từ Mỹ vì My thấy hiện giờ hầu hết vốn đầu tư vào startup công nghệ ở Việt Nam vẫn từ những nước châu Á xung quanh.

Bên cạnh đó, ngoài việc tìm nhà đầu tư, My có thể giúp các startup kết nối với những tập đoàn ở Mỹ để có thể giúp họ có cơ hội sát nhập với những công ty Mỹ muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam hoặc ngược lại, giúp những startup đó tiến ra thị trường Bắc Mỹ. Và để làm được những chuyện đó, My nghĩ sẽ thích hợp hơn nếu My vẫn giữ vị trí là người lãnh đạo ở quỹ Fuel VC và chỉ đi đi về về với Việt Nam thay vì về hẳn.

Tôi muốn đưa những công nghệ hàng đầu thế giới về Việt Nam

Quỹ đầu tư Fuel VC mà chị đang điều hành ở Mỹ có vị trí như thế nào nếu so sánh với các quỹ khác tại đây?

Ở Mỹ có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và người ta thường phân thành 3 loại: những quỹ lớn có vốn khoảng từ 500 triệu đô trở lên, quỹ tầm trung từ 100 tới dưới 500 triệu đô và dưới 100 triệu đô được coi là quỹ nhỏ. Từ lúc mới thành lập, Fuel VC đã xác định chỉ tập trung vào quỹ tầm trung và chỉ rót vốn vào các công ty công nghệ thời đại mới từ trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thực tế ảo, robot, và công nghệ tài chính…

Một điều thú vị là 50% thành viên của quỹ xuất phát từ thị trường niêm yết và My là một trong số đó. Do đó quỹ có nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong việc quản lí quỹ, gọi vốn đầu tư, phân bố tài sản, và quản trị rủi ro. Ngoài ra, thay vì đặt trụ sở tại Thung lũng Silicon như nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm khác, quỹ chọn Miami – một thành phố rất phát triển, hội tụ nhiều founder và thuận lợi khi kết nối với châu Âu và Nam Mỹ.

Là một người phụ nữ nhập cư, chị đã bắt đầu với công việc này thế nào?

Trước khi làm ở Fuel VC, My từng làm nhiều năm ở các quỹ quản lý tài sản trong thị trường niêm yết. Nhưng từ sau khủng hoảng tài chính năm 2009, My chú ý rằng các kênh đầu tư như cổ phiếu hay trái phiếu ở Mỹ dần mất hấp dẫn. Mọi người chú ý nhiều hơn tới thị trường tư và thấy rằng, các công ty công nghệ ngày càng lớn mạnh với tốc độ quá nhanh. Và quan trọng hơn hết những công ty công nghệ này chọn ở lại thị trường tư lâu hơn để phát triển thay vì tham gia thị trường niêm yết từ sớm để gọi vốn

Ví dụ, Amazon năm 1997 bước vào thị trường niêm yết khi mới 3 tuổi và định giá công ty chỉ khoảng 460 triệu đô. Nhưng sau này, những công ty như Facebook, Google hay Uber tới lúc chào bán chứng khoán công khai (IPO) đã có tuổi đời 10 năm và đạt giá trị tới cả tỷ đô.

Các nhà đầu tư hiểu rằng, muốn thu được lợi nhuận cao, phải đầu tư vào startup từ rất sớm, chứ nếu đợi các công ty này IPO thì đã quá trễ. Vì thế, lĩnh vực đầu tư mạo hiểm dần thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong đó có khách hàng của My. Họ rất mong muốn My đi tìm giúp những cơ hội mới hấp dẫn như thế.

Chính điều đó thúc đẩy My rời thị trường niêm yết và tìm tới quỹ Fuel VC, nơi My bắt đầu với vị trí chỉ là chuyên viên phân tích tài chính.

Nhưng bằng sự nỗ lực, kinh nghiệm đã có, chỉ trong vòng 2,5 năm, My trở thành người điều hành quỹ và chịu trách nhiệm chính về mặt đầu tư. My cảm thấy tự hào mình là người trẻ tuổi nhất đồng thời là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này tại đây.

Những kinh nghiệm gì đã giúp chị nhận được sự tín nhiệm và thăng tiến nhanh như vậy?

Kinh nghiệm làm việc ở thị trường niêm yết trước khi gia nhập thị trường đầu tư mạo hiểm cho My cái nhìn tổng quát về mọi phương thức và kênh đầu tư. Do đó My đã rất thành công trong việc giúp Fuel VC huy động vốn.

Về mặt đánh giá cơ hội đầu tư, My phân loại startups theo nhiều dạng khác nhau tuỳ theo tiềm năng phát triển của công ty và khả năng sinh lời cho nhà đầu tư chứ không chỉ tập trung vào việc công ty có trở thành unicorn (kỳ lân) hay không. Bởi vì không phải công ty nào cũng có khả năng đó. Tấm bằng CFA giúp My nhiều trong việc định giá công ty, xây dựng mô hình tài chính, chiến lược phát triển và exit (lối thoát) cho những công ty startup.

Sau khi quyết định đầu tư, để giảm thiểu rủi ro, My không bao giờ chọn rót vốn một khoản quá lớn. Bởi vì My coi khoản vốn ban đầu chỉ là cơ hội giúp quỹ đầu tư và founder được làm việc sâu với nhau. Chỉ khi được đứng ở góc nhìn bên trong như thế, mình mới có cơ hội hiểu rõ nội tình hoặc những rắc rối mà doanh nghiệp đang vướng phải.

Cách làm này đồng thời giúp founder có động lực hoàn thành mục tiêu do quỹ đề ra để có thể nhận được những khoản vốn tiếp theo từ quỹ

Cuối cùng khi công ty startup tìm kiếm cơ hội exit, mối quan hệ với những ngân hàng đầu tư giúp My dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những đối tác có thể mua lại hoặc giúp công ty chuẩn bị cho việc lên sàn niêm yết.

Có những công nghệ nào khiến chị đặc biệt ấn tượng?

Có rất nhiều startup có công nghệ lõi rất hay mà My rất muốn đưa về Việt Nam. Ví dụ, Fuel VC vừa đầu tư vào Curve, một công ty fintech ở UK đang tăng trưởng rất nhanh ở 32 nước châu Âu và chuẩn bị xâm nhập vào thị trường Mỹ. Công ty này sở hữu platform (nền tảng) cho phép người dùng đưa nhiều tài khoản ngân hàng của mình lên trên đó. Khi quẹt thẻ, họ có thể chọn lựa tài khoản ngân hàng mình muốn thông qua ứng dụng trên điện thoại.

Võ Thùy My: Từ ‘người vô hình’ trên đất Mỹ thành nữ lãnh đạo quỹ đầu tư mạo  hiểm

Một trong những chức năng My thích nhất của Curve là time travel (du hành thời gian). Với time travel, bạn có thể thay đổi cách bạn thanh toán ngay cả khi giao dịch đó đã xảy ra từ trước đó. Ví dụ, nếu bạn mời đối tác đi ăn trưa bằng tiền của cơ quan, nhưng lại quẹt nhầm bằng thẻ cá nhân, thì chỉ cần thao tác trên app này để điều chỉnh. Hoặc khi bạn đi mua những vật dụng lớn và đã thanh toán trả hết tiền ở cửa hàng, nhưng sau đó vài ngày lại đổi ý, muốn trả góp hàng tháng thì ứng dụng cũng có thể trả tiền lại tiền cho bạn và hàng tháng sẽ đều đặn trừ đi khoản phải trả góp.

Hoặc một công nghệ khác mà My chỉ ước giá như có thể sớm đưa về Việt Nam. Đó là công ty Ubicquia, chuyên về lĩnh vực smart city (thành phố thông minh) và mạng 5G ở Florida. Công ty này phát triển một thiết bị mà khi gắn vào đèn đường, có thể điều khiển đèn từ xa, giúp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, nó còn giúp đèn đường phát wifi, quay video, thu audio… Điều đó có thể giúp ích rất nhiều cho các nhà quản lý đô thị để giải quyết những sự vụ trên đường, đảm bảo an ninh. Hơn nữa, wifi cũng hỗ trợ xe không người lái và xây dựng thành phố thông minh.

Khi chị nói muốn đưa những công nghệ hiện đại đó về Việt Nam, chị đã có hành động gì cụ thể hay chưa?

My luôn ấp ủ mong muốn một ngày nào đó có thể xây dựng một hệ thống sinh thái giữa Việt Nam và Mỹ để giúp đỡ những startup ở Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Ở bên này, My đang đầu tư cho công ty của anh Vũ Duy Thức (Thức Vũ – founder & CEO người Việt tại công ty Ohmni Labs – một startup chuyên sản xuất robot). Khi đứng trên đất Mỹ mà My vẫn có thể rót vốn vào một công ty do người Việt làm founder & CEO như trường hợp đối với anh Thức thì đó là một dấu ấn rất đặc biệt.

My và anh Thức cũng đang nhen nhóm một kế hoạch dưới sự hỗ trợ của Fuel VC thành lập một quỹ đầu tư ở Việt Nam hoặc ở khu vực Đông Nam Á, giúp kết nối các nhà đầu tư, các chuyên gia ở Mỹ với các doanh nghiệp Việt Nam hoặc ngược lại.

Chuyện đưa nền tảng công nghệ từ Mỹ về Việt Nam, My nghĩ là điều rất khả thi, đặc biệt là những công nghệ phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng ở Việt Nam, đất nước hiện đang ngày có thu nhập cao hơn và muốn chất lượng cuộc sống cao hơn.

Ở chiều ngược lại, My nghĩ rằng rất nhiều startup Việt đang rất cần vốn cũng như một hệ sinh thái tốt để phát triển. Vì thế, My rất muốn xây dựng hệ sinh thái đó ở Việt Nam, để có thể hỗ trợ các nhà khở nghiệp về mọi mặt từ xây dựng sản phẩm, phát triển công nghệ, định hướng chiến lược kinh doanh và huy động vốn.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

SHARE