PV Dân trí có cuộc trò chuyện với hai học giả Việt tại Mỹ, Châu Thanh Vũ và Jenny Tuệ Anh về đặc thù nghề nghiên cứu giúp các bạn trẻ có cái nhìn gần, chính xác hơn để định hướng lựa chọn nghề nghiệp.
Anh Châu Thanh Vũ hiện đang là nghiên cứu Tiến sĩ tại khoa Kinh tế, ĐH Harvard. Chị Jenny Tuệ Anh hiện là nghiên cứu viên tại Trường Chính sách Blavatnik School of Government, ĐH Oxford và chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tư Duy Kinh tế mới, New York.
Châu Thanh Vũ.
PV: Vì sao anh chị đã lựa chọn đi theo con đường nghiên cứu học thuật?
Châu Thanh Vũ: Mình bắt đầu nhen nhóm ý tưởng theo con đường học thuật từ lúc bắt đầu đi học cấp 3 ở Mỹ, vì xã hội ở đây khiến mình đặt ra nhiều câu hỏi, ví dụ như về bất bình đẳng thu nhập. Khi lên năm 1 ở ĐH Princeton, mình vẫn đi những sự kiện “networking” để tìm hiểu về công việc tài chính trên Phố Wall.
Tuy nhiên, sau khi được học tập với nhiều giáo sư kinh tế nổi tiếng ở Princeton, ví dụ như giáo sư Nobuhiro Kiyotaki, người nghiên cứu về tiền tệ và về vai trò của hệ thống tài chính, đi trước mọi người 3 thập kỉ để dự đoán tác động kinh tế vĩ mô của một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2008-2009, thì mình hoàn toàn bị cuốn hút vào con đường nghiên cứu kinh tế.
Điều hấp dẫn nhất về con đường nghiên cứu của mình lúc đó là sự tự do: mình có thể tập trung trả lời những câu hỏi mà mình yêu thích và nghĩ là có ý nghĩa. Điển hình như vào năm 2013-2014, dòng chảy vốn vào các thị trường mới nổi biến động rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của những nước như Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Brazil.
Xuất thân từ một thị trường mới nổi như Việt Nam, mình rất quan tâm và nghiên cứu ngay về chủ đề này dưới sự hướng dẫn của thầy Kiyotaki. (Bài nghiên cứu cuối cùng được trao giải luận văn tốt nghiệp về kinh tế quốc tế xuất sắc nhất ĐH Princeton.)
Jenny Tuệ Anh: Mình đã có thời gian đi thực tập trong cơ quan chính phủ và ngân hàng trong thời gian đi học nhưng cảm thấy là chính mình nhất trong môi trường nghiên cứu tại trường đại học và viện nghiên cứu.
Tuy nhiên, công việc nghiên cứu của mình luôn có sự trao đổi và gắn kết với những người làm chính sách và doanh nghiệp nên cũng khá năng động hơn những công việc nghiên cứu chỉ trong phòng thí nghiệm.
Theo hai anh chị, những kiểu người nào sẽ phù hợp để theo đuổi công việc nghiên cứu?
Châu Thanh Vũ: Bản thân mình nghĩ rằng bạn sẽ phù hợp với công việc nghiên cứu nếu (1) bạn tò mò và có nhiều câu hỏi về các chủ đề trong cuộc sống, (2) bạn muốn có sự tự do để trả lời những câu hỏi ấy, và (3) bạn có thể làm việc với những dự án có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm. Nếu đi làm ở khu vực tư nhân, thông thường bạn sẽ phải làm việc được giao, làm với tốc độ nhanh và độ dài dự án sẽ ngắn hơn.
Một vấn đề khác nữa là tài chính. Chế độ đãi ngộ cho các chức danh phó giáo sư, giáo sư ở nước ngoài nhìn chung khá tốt, dù có sự khác biệt khá lớn giữa các ngành nghiên cứu (thậm chí giữa các mảng khác nhau trong kinh tế cũng sẽ có chế độ lương bổng khác nhau).
Tuy nhiên, nếu đi theo con đường nghiên cứu, bạn có thể sẽ thấy bạn bè của mình, cùng giỏi ngang nhau, có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi làm tài chính, ngân hàng, tư vấn, hoặc các công ty công nghệ. Khi quyết định đi làm nghiên cứu, bạn phải tự hỏi mình rằng việc kiếm tiền quan trọng tới bản thân đến mức nào.
Jenny Tuệ Anh.
Jenny Tuệ Anh: Mình cũng không hẳn tự tin là một người nghiên cứu giỏi giang nên khó đánh giá lắm. Cá nhân mình quan sát xung quanh thì thấy rằng các giáo sư của mình là những người rất kỷ luật, chăm chỉ, ham học hỏi, đọc nhiều và họ rất thích tìm tòi một điều gì đó và có thể ngồi rất lâu để làm việc đó.
Anh Vũ có nói về yếu tố tài chính của ngành nghiên cứu. Anh có thể nói rõ hơn về thu nhập nếu đi theo con đường nghiên cứu, và nếu đi học tiến sĩ thì có những cơ hội nghề nghiệp nào sau khi tốt nghiệp?
Châu Thanh Vũ: Ở Mỹ, đi theo con đường học thuật có thể không trả cao bằng những ngành “hot” như tài chính, tư vấn, hoặc làm cho các công ty công nghệ hàng đầu, nhưng vẫn là một trong những ngành với mức thu nhập trên trung bình. Sau khi học tiến sĩ (PhD) mức lương cho sau tiến sĩ (post-doc) vào khoảng 50-60 nghìn USD mỗi năm.
Nếu làm ngành kinh tế, thường bạn sẽ nộp thẳng lên vị trí phó giáo sư (assistant professor) với mức lương dao động từ khoảng 90 nghìn – 250 nghìn USD mỗi năm, tuỳ vào ngành nghiên cứu (kinh tế thường trả tương đối cao hơn) và nơi làm việc (các trường top, business school thường trả cao hơn). Tất nhiên để được đến ngưỡng lương cao hơn cũng cạnh tranh khốc liệt hơn và đòi hỏi chất lượng nghiên cứu PhD rất cao.
Cơ hội nghề nghiệp sau khi học PhD, một lần nữa, phụ thuộc vào ngành bạn học. Làm nghiên cứu sinh bộ môn Kinh tế xong, thường bạn có thể kiếm vị trí phó giáo sư ở một trường đại học, ra làm ở khu vực tư nhân (như tài chính hoặc ở công ty tư vấn), hoặc các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tỉ lệ người tiếp tục nghiên cứu ở đại học so với đi làm ở khu vực tư nhân dao động theo ngành. Ví dụ như ngành kinh tế có tỉ lệ ở lại nghiên cứu hàn lâm cao hơn so với một số ngành kỹ thuật khác.
Covid-19 có ảnh hưởng tới cơ hội nghề nghiệp trong ngành nghiên cứu không?
Châu Thanh Vũ: Covid-19 có ảnh hưởng đến ngành nghiên cứu – cũng như các ngành khác. Quỹ đầu tư endowment của các trường đại học bị ảnh hưởng do thị trường chứng khoán đi xuống, ngoài ra tiền thu học phí cũng có thể giảm vì chưa chắc học sinh sẽ đi học nhiều như trước. Việc đẩy lớp học online cũng khiến các trường phải nghĩ lại về nhu cầu thuê thêm nhân sự.
Do đó, hiện nay hầu hết các trường đại học đã giảm hoặc dừng hẳn tuyển dụng nhân sự cho năm sau. Do đó Covid-19 nhất định ảnh hưởng lớn tới khoá các tiến sĩ tốt nghiệp vào năm nay hoặc năm tới.
Tuy nhiên, nếu bạn sẽ bắt đầu chương trình tiến sĩ vào năm nay hoặc năm tiếp theo, mình nghĩ các bạn có thể tạm an tâm là tình hình đã trở lại bình thường vào 5 năm sau.
Ngoài ra, mình nghĩ thời gian khủng hoảng là thời gian tốt nhất để đi học / làm nghiên cứu thay vì vật lộn ở khu vực tư nhân.
Nói đến nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu xã hội, người ta thường nghĩ đến lý thuyết và ít áp dụng được vào thực tế. Anh chị có thấy điều này là đúng không?
Châu Thanh Vũ: Mình nghĩ đây là một cái nhìn khá phiến diện. Bất cứ ngành nghiên cứu nào cũng có mảng lý thuyết và mảng ứng dụng. Thiếu ứng dụng thì lý thuyết sẽ vô ích, trong khi thiếu lý thuyết thì sẽ không có nền tảng cho ứng dụng.
Ví dụ trong nghiên cứu kinh tế vĩ mô, những nhà làm lý thuyết sẽ tạo ra các mô hình về các tác nhân trong xã hội – người dùng, ngân hàng, doanh nghiệp, nhà nước – và suy nghĩ về việc các tác nhân này tương tác với nhau như thế nào.
Người làm ứng dụng sẽ sử dụng những nền tảng trên để kiểm chứng lý thuyết bằng dữ liệu, hoặc dùng lý thuyết để đưa ra chính sách, áp dụng vào thực tiễn. Vậy nên nói nghiên cứu là chỉ làm lý thuyết và không có tính ứng dụng là một cái nhìn rất cực đoan.
Jenny Tuệ Anh: Mình nghĩ mỗi nhà nghiên cứu có một điểm mạnh riêng và một mảng nghiên cứu chuyên biệt. Có người sẽ tìm tòi các lý thuyết mới và sẽ có những người khác ủng hộ hay phản bác lý thuyết đó dựa trên các con số thực tế. Và để phát triển kiến thức ngành thì cần có cả 2 song hành.
Riêng kinh tế học thì mình thấy theo thời gian và các quan sát thực tế, nhiều lý thuyết lỗi thời hoặc không phù hợp sẽ bị loại bỏ. Và để áp dụng vào chính sách thì cần hiểu thực tế rồi mới áp dụng một lý thuyết cụ thể. Không có lý thuyết nào đúng cho mọi trường hợp cả.
Trung Tâm Phát triển quốc tế CID của Harvard Kennedy School nơi mình đã từng làm và hiện tại là trường Chính sách Nhà nước của Oxford đều là những đơn vị nghiên cứu khoa học xã hội có sự kết hợp chặt chẽ với nhiều quốc gia, lãnh đạo nhà nước và cả những tập đoàn lớn. Bọn mình được trao đổi thuờng xuyên với họ để hiểu tình hình các nước và cũng có những dự án cố vấn quốc gia mang tính kịp thời cho các vấn đề mà họ quan tâm.
Nói về mối liên hệ giữa việc nghiên cứu và làm chính sách, các anh chị có nghĩ rằng kết quả nghiên cứu được lắng nghe bởi những người làm chính sách hay không?
Jenny Tuệ Anh: Như mình có chia sẻ ở trên, để có những chính sách hữu hiệu thì cần cả hiểu về thực tế và lý thuyết. Hiện nay, nhiều nước rất chú trọng xây dựng một đội ngũ tư vấn chính sách gồm những nhà nghiên cứu và những nhà hoạch định chính sách, cùng ngồi chung và bàn bạc để thông tin đa chiều và đầy đủ hơn.
Mình nghĩ quan trọng là nhóm những nhà nghiên cứu đó có hiểu biết sâu rộng, thực tế và cởi mở với nhiều trường phái nghiên cứu khác cái họ làm.
Châu Thanh Vũ: Mình chưa có cơ hội làm việc ở Việt Nam nên sẽ không nhận định; nhưng mình biết ở Mỹ, các nước phát triển, và ngay cả ở một số nước đang phát triển mà mình có cơ hội đến làm nghiên cứu như Thái Lan hay Nam Phi thì các chính sách – đặc biệt là chính sách kinh tế – đều dựa vào kết quả từ các viện nghiên cứu trong nước.
Ví dụ như vào năm 2011, Thái Lan phải đối mặt với trận lũ lịch sử, và ngay sau đó phải xem xét lại hệ thống quản lý nước toàn quốc. Công việc này được giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, nơi mình đã có cơ hội làm việc vào đúng dự án quan trọng này.
Ví dụ khác là các giáo sư hướng dẫn của mình tại ĐH Harvard, thầy Kenneth Rogoff và cô Gita Gopinath, cả hai đều đã từng làm nhà Kinh tế trưởng cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vừa nghiên cứu trong trường đại học, vừa đóng vai trò lớn trong việc hoạch định chính sách của IMF.
Được biết, hai anh chị có lập ra chương trình Trường hè Nghiên cứu (VSSR) nhằm mục đích kết nối học giả trong nước với các nhà nghiên cứu đang làm việc ở nước ngoài. Anh chị có thể nói thêm về sự hình thành của VSSR?
Châu Thanh Vũ: Mình và chị Jenny quyết định lập ra VSSR vào mùa đông năm 2017 lúc hai chị em đang ngồi nói chuyện ở Trường Harvard Kennedy. Lúc đó cả hai đang bàn về việc thiếu sự gắn kết và hợp tác giữa các học giả trong nước và những người đang làm nghiên cứu ở nước ngoài.
Học giả trong nước thường có điểm mạnh là nắm tình hình, dữ liệu cụ thể của Việt Nam rõ hơn, trong khi những người làm nghiên cứu ở nước ngoài học được nhiều phương pháp mới có thể áp dụng cho Việt Nam. VSSR từ đó được thành lập ra nhằm mục đích tăng cường kết nối giữa hai nhóm học giả này.
Trong những năm qua, VSSR đã làm được gì?
Châu Thanh Vũ: Qua 2 năm, VSSR đã thu hút được hơn 200 học viên, bao gồm các sinh viên, nghiên cứu sinh thạc sĩ/tiến sĩ trong và ngoài nước, kể cả các anh chị đang làm việc ở khu vực tư nhân. Một số bạn học viên sau khi tham gia VSSR đã bắt đầu chương trình học tiến sĩ ở Mỹ, Anh, và các nước châu Âu khác.
Ngoài ra, toàn bộ lợi nhuận của VSSR qua 2 năm, trị giá 150 triệu đồng, đã được dùng để mua thiết bị y tế và hỗ trợ tiền mặt cho bệnh nhi ở Bện viện Nhi Trung ương.
Jenny Tuệ Anh: Ngay trong năm 2018, bọn mình tổ chức 3 khoá học với sự hỗ trợ từ ĐH Fulbright và ĐH Y Hà Nội. Đã có gần 120 bạn tham dự và VSSR đã đóng góp mua 3 máy bơm thuốc cho Bệnh viện Nhi Trung Ương và chi trả viện phí cho 6 gia đình.
Tiếp nối trong năm 2019, chúng mình được trường Kinh tế thuộc ĐHQG Hà Nội hỗ trợ, tổ chức 4 khoá học, có hơn 110 bạn tham dự và tiếp tục đóng góp mua thêm máy bơm thuốc cho Khoa Truyền Nhiễm tại Bện viện Nhi Trung ương.
Quy mô của VSSR tuy còn khiêm tốn nhưng bọn mình rất cảm kích sự hỗ trợ của các trường đại học, các anh chị – các nhà nghiên cứu trong nước, các bạn tình nguyện trong dự án và đặc biệt là các bạn học viên rất nhiệt tình và nghiêm túc.
Mỗi bạn tham gia VSSR cuối mùa đều thực hiện một dự án nhỏ trong một thời gian ngắn và chúng mình đều ấn tượng với những điều học viên làm được.
Năm nay VSSR 2020 lại được tổ chức với chủ đề “Trả lời câu hỏi thực tế”. Vì sao chủ đề này lại được chọn?
Châu Thanh Vũ: Các năm gần đây có rất nhiều chuyện xảy ra trên thế giới, từ chiến tranh thương mại đến đại dịch Covid-19. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh các vấn đề xã hội này, và chúng mình nghĩ rằng là người làm nghiên cứu thì nên dùng kiến thức của mình để đối diện, tìm hiểu, trả lời những câu hỏi đó.
Do đó, chủ đề được chọn là “Trả lời câu hỏi thực tế”, vì chúng mình mong muốn được truyền tải những kiến thức và phương pháp phân tích và trực quan hoá dữ liệu nhằm trả lời những câu hỏi quan trọng nhất vào thời điểm này, chứ không phải là những câu hỏi xa xôi.
Một điểm đặc biệt của VSSR 2020 là lớp học Khía cạnh Kinh tế của các cuộc Khủng hoảng. Đây là lớp học đầu tiên của VSSR được dạy bởi cả 4 giảng viên, mỗi người một chuyên đề. Chúng mình sẽ dạy về các cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch, các chính sách để đối phó với các cuộc khủng hoảng này, cũng như làm sao để trực quan, phân tích các dữ liệu liên quan.
Nếu các bạn quan tâm, VSSR 2020 sẽ nhận đơn đăng ký đến ngày 24/6/2020. Thông tin chi tiết về chương trình và các khoá học sẽ được đăng ở website chương trình http://www.vssr.vn. Như mọi năm, toàn bộ lợi nhuận của VSSR sẽ được dùng cho công tác từ thiện.
Nhiều độc giả của báo là người trẻ đang đứng giữa các con đường nghề nghiệp và phải đưa ra sự lựa chọn. Hai anh chị có nhắn gửi gì đến các bạn trẻ này không?
Châu Thanh Vũ: Mình chỉ muốn nhắn gửi là các bạn cần phải thử và sai nhiều hơn. Đưa ra một lựa chọn không nên là quá trình của một vài tuần, mà là một vài năm.
Để biết bạn có nên theo con đường nghiên cứu hay làm tư nhân, bạn nên dành một mùa hè ở đại học cho mỗi chương trình trên, rồi xem thử mình hợp với điều gì hơn. Tự mình thử và sai rất quan trọng vì những gì tốt và đúng cho một người có thể sẽ không tốt và không đúng cho một người khác.
Jenny Tuệ Anh: Mình nghĩ mỗi người có một khả năng. Khi hiểu được khả năng của bản thân, kèm theo cơ hội và sự may mắn thì nên chớp lấy. Nếu cảm thấy khó chọn, hãy đừng ngần ngại hỏi han, tìm hiểu và thử nghiệm. Nếu còn trẻ thì có thể thử nghiệm các môi trường khác nhau để biết mình phù hợp với nơi nào hơn.
Cảm ơn anh chị vì cuộc trò chuyện!
Lệ Thu – Dân Trí