Du học sinh Việt tại Mỹ chia sẻ: ‘Nếu nghĩ nước Mỹ vượt trội hơn Việt Nam, bạn đã nhầm!‘

9

 

Theo đánh giá của Siêu, mỗi một nền văn hóa có những mặt sáng – tối khác nhau và không thể đặt lên bàn cân so sánh. Thay vì chê bai Việt Nam hay soi mói những góc khuất của nước Mỹ, du học sinh nên tìm hiểu và học cách thích nghi.

Nguyễn Siêu (SN 1995) – chàng trai Việt từng gây sốt khi nhận được học bổng tại 7 trường đại học hàng đầu của Mỹ.Ngoài thành tích học tập khủng, Siêu còn khiến dân mạng chú ý bởi những phát ngôn sốc, chẳng hạn như: quan điểm người Việt cuồng hoa hậu năm 2015, 5 lời khuyên gửi tân sinh viên Việt tại Mỹ…

Siêu vừa tốt nghiệp bằng Cử nhân Điện ảnh và Truyền thông tại đại học Vassar, New York (top 12 nước Mỹ) loại xuất sắc (GPA: 3.9/4.0). Hiện tại, cậu đang làm việc tại Paramount Network dưới vị trí Junior Associate Producer-Editor sau khi trải qua một thời gian thực tập tại các công ty: Walt Disney, MTV, Blumhouse.

Những ngày gần đây, Nguyễn Siêu đang là cái tên khiến nhiều người chú ý khi ra mắt cuốn sách: “Cô đơn để trưởng thành – Nhật ký từ nước Mỹ”. Nội dung của nó đề cập tới đất nước, con người và văn hóa Mỹ dưới góc nhìn của Siêu – chàng trai đã có ít nhất 4 năm sinh sống, học tập tại đây.

Tất cả mọi thứ từ cách cư xử, ăn uống, đi lại, học tập, yêu đương, đấu tranh cho lý tưởng sống của thanh niên Mỹ đều được Siêu ghi chép tỉ mẩn.

Ra mắt không lâu nhưng tác phẩm nhanh chóng nhận được sự chú ý của nhiều người, nhất là những ai quan tâm về mảng du học và khám phá các đất nước khác trên thế giới. Để tìm hiểu kỹ hơn về quan điểm của tác giả cùng những trải nghiệm đã giúp Siêu làm nên tác phẩm thành công, Saostar đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện cùng anh bạn SN 1995.

Cuốn sách đầu tay của Nguyễn Siêu là bộc bạch của chàng trai 23 tuổi và 4 năm làm du học sinh ở Mỹ.

Xin chào Siêu, được biết “Cô đơn để trưởng thành – Nhật ký từ nước Mỹ” chính là trải nghiệm của Siêu trong quá trình du học và làm việc tại đất nước này? Không biết điều gì thôi thúc Siêu viết về trải nghiệm của mình tại đây?

Bốn năm du học Mỹ đã mang tới cho mình rất nhiều cách nhìn mới về cuộc sống, con người. Trong suốt quãng thời gian ấy, mình hay chia sẻ những trải nghiệm, quan sát của mình về nước Mỹ, hoặc đưa ra nhận định về những vấn đề xã hội nóng hổi trên Facebook cá nhân.

Tuy nhiên, viết trên Facebook vẫn chưa bao giờ là đủ đối với tất cả những gì mình trông thấy, học được. Mình luôn muốn viết nhiều hơn để miêu tả được cụ thể trải nghiệm của mình với tư cách một du học sinh, giải thích rõ hơn tại sao xã hội Mỹ như thế này mà xã hội Việt Nam mình lại như thế khác.

Mình mong cuốn sách này sẽ mang đến một cái nhìn chân thực hơn, gần gũi hơn về nước Mỹ cho tất cả những ai ấp ủ một “giấc mơ Mỹ,” vì nước Mỹ của một du học sinh không hoàn toàn giống như nước Mỹ trên phim ảnh, báo chí. Nước Mỹ trên phim ảnh, báo chí có thể hào nhoáng, nhưng cái “đất khách quê người ấy” với một du học sinh thì đầy cam go, thách thức và có cả cạm bẫy.

Mình cũng mong cuốn sách sẽ là một cuốn sổ tay hữu ích cho những du học sinh sắp sang Mỹ, có thể chuẩn bị hành trang cho mình kỹ càng hơn, ví dụ như hiểu được một lớp học ở Mỹ hoạt động thế nào, ăn uống ở Mỹ như thế nào thì đỡ hại sức khỏe, làm thế nào để kết bạn trong một xã hội mà ai ai cũng đề cao cái tôi cá nhân lên trước hết…

Quan trọng hơn, mình nghĩ “Cô đơn để trưởng thành” không hẳn là một cuốn cẩm nang, và cũng không đơn giản chỉ là một cuốn sách cho những ai quan tâm tới vấn đề du học. Bản chất của “Cô đơn để trưởng thành” là một cuốn sách về văn hóa. Hầu hết 192 trang của cuốn sách là sự so sánh, đối chiếu giữa văn hóa Việt và văn hóa Mỹ qua một loạt các khía cạnh: cách xưng hô, cách chào hỏi, cách ăn uống, cách học tập, cách đi đứng,…

Là một du học sinh có 18 năm sống ở Việt Nam và 5 năm sống ở Mỹ, mình có con mắt của một người trung gian, một kẻ đứng giữa có thể quan sát cả hai nền văn hoá, từ đó có những so sánh, đối chiếu, nhận xét của riêng mình.

Qua những so sánh, đối chiếu ấy, mình kỳ vọng độc giả của “Cô đơn để trưởng thành” hiểu được rằng: Không có nền văn hoá nào là hơn nền văn hoá nào. Mỗi bên Đông – Tây đều có những điều đặc trưng như nhau. Nếu nghĩ nước Mỹ vượt trội hơn Việt Nam, bạn đã nhầm!

Cuốn sách này vì thế còn dành cho tất cả những ai quan tâm tới văn hoá, đời sống, con người, dù có liên quan trực tiếp tới nước Mỹ hay lĩnh vực du học hay không.

Nước Mỹ trong “Cô đơn để trưởng thành” không hẳn là màu hồng như người ta vẫn nói, mình đã phải đánh đổi và đã nhận được những gì trong suốt 4 năm du học vừa qua,…

Quan điểm của Siêu về nước Mỹ, về Việt Nam. Tại sao nói Việt Nam không kém Mỹ nhưng sau khi du học lại chọn cách ở lại Mỹ làm việc thay vì trở về quê hương?

Trong “Cô đơn để trưởng thành”, mình đã so sánh và đối chiếu rất nhiều khía cạnh giữa văn hoá Việt và văn hoá Mỹ. Qua những so sánh, đối chiếu này, mình muốn đưa tới kết luận là hai nền văn hoá rất “khác nhau”, “mỗi người một vẻ”. Ví dụ, văn hoá Việt thiên về tính cộng đồng, còn văn hoá Mỹ thiên về cá nhân, cái tôi là trên hết.

Văn hoá cộng đồng ở Việt Nam nhiều khi khuyến khích mọi người để ý đến cuộc sống của người khác một cách thái quá, ví dụ như tọc mạch vào đời sống gia đình hoặc đánh giá về ngoại hình của họ; tuy nhiên, ngược lại, văn hoá cộng đồng lại khiến chúng ta khăng khít hơn trong một tập thể, quan tâm tới nhau hơn.

Nói vậy để thấy, vấn đề nào cũng có hai mặt, cái gì cũng có nửa tốt, nửa xấu. Bởi vậy, chúng ta chỉ nên dừng ở kết luận là mỗi bên Đông – Tây đều có những điều tích cực và tiêu cực riêng, thay vì chi ly so sánh cái nào hơn, cái nào kém.

Mình hiện đang ở lại Mỹ làm việc một phần vì ngành truyền thông – giải trí ở Mỹ rất mạnh, nên mình muốn học hỏi từ những người làm phim, làm truyền hình ở đây.

Những tác phẩm điện ảnh – truyền hình ở Mỹ có sức ảnh hưởng tới khắp nơi trên thế giới, nên học hỏi từ họ là một điều tốt, kể cả sau này mình có về Việt Nam (điều này thì mình chưa quyết định). Một lý do nữa là mình mới chỉ ở Mỹ 4 năm, chắc chắn chưa hiểu hết về đất nước này, nên mình muốn học hỏi thêm, để biết đâu có thể viết một cuốn “Cô đơn để trưởng thành” thứ hai sâu sắc hơn thì sao.

Việc ở lại Mỹ làm việc trong thời điểm này không có nghĩa là mình “cắt đứt” mọi mối quan hệ ở Việt Nam. Mình vẫn làm việc với nhà xuất bản ở Việt Nam để cho ra mắt cuốn “Cô đơn để trưởng thành,” và bên cạnh đó vẫn viết về nhiều vấn đề xã hội trên Facebook để kết nối với cộng đồng giới trẻ ở Việt Nam.

Ngoài ra, mình vẫn đang trong quá trình dựng một bộ phim Việt Nam mà mình đã quay một vài năm trước. Địa điểm sống thì chỉ có một, nhưng mình vẫn nói cả hai ngôn ngữ, có hai cộng đồng bạn bè, và sống song song trong hai nền văn hoá mà mình trân trọng như nhau.

Nói thêm về văn hóa Mỹ, phải chăng những điều bình dị, nhỏ nhặt nhất từ cách cư xử, ăn uống, đi lại, học tập, yêu đương,… mà Siêu nhắc đến trong cuốn sách cũng chính là những điều mà những người đặt chân đến miền đất hứa này, đặc biệt là du học sinh phải nỗ lực làm quen để hòa nhập?

Có người gọi sự thay đổi môi trường văn hóa đối với du học sinh là “sốc văn hóa”.

Mình thì không thấy như vậy. Mình đón nhận sự thay đổi một cách dần dần, từ tốn, và thay vì “sốc” thì mình dành thời gian để suy ngẫm xem tại sao văn hóa ở đây lại khác ở nhà tới vậy. Suy ngẫm để hiểu, và khi hiểu thì mình mới tìm được đúng phương hướng để thích nghi.

Thích nghi ở đây không phải là người Mỹ làm gì thì mình làm như thế, mà là làm chủ được hoàn cảnh: làm thế nào để vừa hòa nhập được vào văn hóa Mỹ nhưng vẫn không mất đi cái gốc Việt Nam của mình. Đó là phương châm hàng đầu của mình trong suốt những năm ở Mỹ vừa qua.

Trong chuyến bay đầu tiên từ Hà Nội qua Mỹ vào ngày 24/8/2013, mình đã cảm nhận sự khác biệt trong cách xưng hô giữa người với người. Tại sao người Mỹ chỉ sử dụng hai đại từ nhân xưng cho người nói và người nghe, còn trong tiếng Việt chúng ta có rất nhiều?

Bên cạnh đại từ nhân xưng, trong năm đầu tiên, mình còn dần hiểu thêm về cách ăn uống khác biệt của người Mỹ so với người Việt Nam, từ đó tự thiết kế chế độ dinh dưỡng cho riêng mình để giữ sức khỏe.

Mình nhận thấy cách học mình hay áp dụng trong trường phổ thông ở Việt Nam, như ôn thi dồn, học thuộc lòng,… không nên áp dụng trong lớp học Mỹ. Người Mỹ học kiểu khác, và dần dần mình cũng học được cách thích nghi để có thể gặt hái kết quả tốt.

Bên cạnh những điều cơ bản như cách chào hỏi, học tập, ăn uống, trong những năm tiếp theo ở đại học Mỹ, mình còn nhận thức được về những vấn đề xã hội nóng bỏng nhất mà mọi người đều quan tâm. Đó là bình đẳng giới và bình đẳng chủng tộc.

Quãng thời gian du học, mình phải thật sự quan sát, đọc tài liệu, nói chuyện với người bản xứ cũng như theo dõi tin tức thường xuyên để tự bổ sung kiến thức cho mình về vấn đề chủng tộc.

Cùng nói thêm về kinh nghiệm du học Mỹ của Siêu đến các bạn trẻ nhé. Siêu cảm nhận những khó khó khăn, về mặt trái du học sau 4 năm học tập tại đây?

Khi tới Mỹ, điều đầu tiên khiến mình cảm thấy khác biệt so với ở Việt Nam là mọi người mỗi khi gặp nhau đều chào hỏi một câu “How are you?” (bạn khoẻ không?), kể cả mới chỉ gặp nhau hai tiếng trước. Văn hoá chào hỏi ở Việt Nam ít khi bắt gặp thói quen này. Điều này tạo nên một ấn tượng cho mình là người Mỹ thật lịch sự và tốt tính.

Tuy nhiên, theo thời gian mình nhận ra đây chỉ là một câu cửa miệng, một phản xạ có điều kiện thay vì một câu chào hỏi thật sự quan tâm. Người Việt Nam đối với mình thì khác, không nói nhiều những câu “How are you” nhưng làm nhiều, quan tâm thật, sẵn sàng cưu mang bạn bè, người thân.

Chính vì văn hoá chào hỏi rất lịch sự trên bề mặt nhưng xa cách ở bên trong như vậy, việc kết bạn cũng trở nên khó khăn. Đa số những người bạn Mỹ mình gặp trong năm đầu tiên đều lịch sự, cười nói ở bên ngoài, nhưng khi mình buồn, mình cô đơn, thì các bạn ấy không hẳn là những người để tâm sự lý tưởng.

Các bạn ấy không thật sự muốn hy sinh thời gian của mình để dành cho những kể lể của người khác. Văn hoá cá nhân đề cao những ưu tiên của bản thân trước nhất, nên không nhiều người sẵn sàng bỏ thời gian để lắng nghe và an ủi những vấn đề của người khác. Các bạn ấy thường phàn nàn về những người hay nói chuyện, tâm sự với mình là “Tôi không phải là bác sĩ tâm lý của họ”.

Về cuối ngày, không có nền văn hóa nào là hơn nền văn hóa nào. Mỗi bên Đông – Tây đều có những điều đặc trưng như nhau.

Điều này rất khác biệt so với trải nghiệm của mình với bạn bè Việt Nam, đặc biệt là những người bạn thân ở trường Amsterdam. Tụi mình khi chơi với nhau luôn quan tâm tới nhau một cách chân thành.

Mỗi khi ai có chuyện buồn là sẵn sàng hy sinh thời gian cá nhân của mình để lắng nghe và giúp đỡ. Chính vì thế, kết bạn ở Việt Nam đối với mình dễ dàng bao nhiêu thì kết bạn ở Mỹ lại khó khăn bấy nhiêu. Bạn thân thì có nhưng bạn tri kỷ thì không.

Siêu từng nhận được học bổng tại 7 trường đại học hàng đầu của Mỹ và theo học ngành Điện ảnh và Truyền thông, đại học Vassar, New York. Chia sẻ đến các bạn có dự định du học kinh nghiệm viết CV, apply học bổng của bạn nhé.

Mình vốn thích điện ảnh và truyền thông từ nhỏ, nên trước khi apply vào đại học Mỹ cũng đã có kha khá những hoạt động, kinh nghiệm liên quan tới lĩnh vực này.

Mình bắt đầu viết báo từ lớp 5, từng quay một số phim ngắn và làm phóng viên thường kỳ cho website trường Amsterdam hồi cấp ba, nên khi apply đại học, mình tập trung xây dựng hồ sơ của mình theo một hướng nhất định, làm nổi bật mình là một học sinh mạnh về viết lách, truyền thông, thay vì tràn lan biết mỗi thứ một ít.

Mình nghĩ một bộ hồ sơ có phương hướng, màu sắc rõ ràng sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển sinh rằng mình biết mình muốn gì, cần gì, và hiểu rõ ngôi trường mình apply sẽ mang tới những kỹ năng cần thiết. Mìnhcũng chỉ apply những trường mạnh về điện ảnh – truyền thông, vì khi ấy mình xác định mình muốn sang Mỹ để học ngành này chứ không phải chọn trường lung tung để đơn giản là được đi du học.

Mình biết thế mạnh của mình là viết lách, nên mình tập trung khá nhiều vào bài luận. Khi ấy mình có suy nghĩ, làm thế nào để hồ sơ của một học sinh quốc tế có thể nổi bật so với hồ sơ của hàng ngàn sinh viên bản xứ, và đi đến quyết định sẽ viết về yếu tố văn hoá mà mình lớn lên cùng, hiểu rõ nhất: tiếng Việt.

Mình hoàn thành bài luận chỉ trong một đêm, viết về những đặc trưng của chữ viết dân tộc mình mà không phải đất nước nào cũng có. Sau này, khi đã nhập học tại Đại học Vassar, khi em gặp lại cô tuyển sinh, cô vẫn nhớ nội dung bài luận của mình. Mình thấy đó là một điều rất đáng quý.

Cảm ơn những chia sẻ của Siêu!

PV

SHARE