‘Giấy thông hành vaccine’ của du học sinh Việt ở Mỹ

8

Du học sinh Việt tại Mỹ được tiêm chủng miễn phí trước khi bắt đầu năm học mới. Nhờ tỷ lệ người dân được tiêm chủng cao, cuộc sống đang dần trở lại bình thường.

Đường phố thủ đô Washington DC những ngày này đông đúc như ‘chưa từng có dấu vết của đại dịch’. Quay trở lại thủ đô Mỹ từ Việt Nam sau hơn một năm, Bùi Khánh Nam, sinh viên Đại học Georgetown, cho hay.

“Năm ngoái, tôi quyết định về Việt Nam vì thời điểm đó ở Mỹ rất buồn. Thủ đô bị phong toả. Đợt đó, ngồi trên taxi hay ra đường, nhiều người có giữ khoảng cách với nhau nhưng chưa đeo khẩu trang nhiều”, Khánh Nam nói với Zing.

Trở lại lần này, Khánh Nam vui mừng khi thấy mọi người từ làm việc trong các nhà hàng cho đến chú tài xế chạy taxi đều mang khẩu trang. Tuy nhiên, cuộc sống chỉ bình thường trở lại một phần.

Mỹ là một trong số những quốc gia có tỷ lệ người dân được chủng ngừa Covid-19 thuộc nhóm cao trên thế giới. Điều này tạo điều kiện cho khôi phục kinh tế, sớm trở lại cuộc sống thường nhật sau khi trải qua nhiều biến cố của đại dịch.

Không chỉ người địa phương, mà người nước ngoài sống và làm việc tại đây, bao gồm sinh viên quốc tế, cũng được tiêm chủng miễn phí.

Quá trình tiêm chủng nhanh chóng

Tại New York, Mỹ, Hứa Nhật Thạnh, sinh viên Đại học Columbia, đăng ký tiêm vaccine qua trường. Đại học Columbia gửi email thông báo rằng sinh viên có thể đến tiêm vaccine tại một tòa nhà trong trường.

Người tiêm chủng sẽ nhận được một mẩu giấy nhỏ dễ thương để ghi nhận đã tiêm vaccine. Ảnh: NVCC.

Nhật Thạnh tiêm vaccine Janssen (phát triển bởi công ty Johnson and Johnson). “Khi tôi đến thì mới biết rằng lúc đó ở trường chỉ có vaccine Janssen. Tôi không có lựa chọn khác. Tiêm Janssen chỉ cần một liều duy nhất”.

Theo quan sát của Thạnh, nhiều bạn sinh viên cũng đến tòa nhà tiêm vaccine của trường để tham gia tiêm chủng. Lý giải cho điều này, Nhật Thạnh cho rằng do trường yêu cầu toàn bộ sinh viên phải hoàn thiện tiêm vaccine trước năm học mới.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ thiết kế các trang website giúp người dân có thể tiếp cận thông tin về vaccine dễ dàng.

“Khi tra cứu trên Google, bạn có thể dễ dàng tìm được trang chuyên phục vụ người có nhu cầu tiêm vaccine. Tôi ở quận Arlington, bang Virginia nên tiêm ở đây luôn. Mỗi một quận sẽ có một trang riêng để kết nối người có nhu cầu tiêm. Các trang này chung một thiết kế của CDC”, Khánh Nam nói với Zing.

Ngoài ra, website sẽ cung cấp những loại vaccine hiện có để người dân lựa chọn.

Khu vực nơi Khánh Nam tiêm chủng trước đây là một nhà thể thao văn hóa. Chính quyền tận dụng cả nơi này để tiêm vaccine. Mỗi một tòa nhà sẽ được dùng vào các chức năng riêng. Từ sân đăng ký, cho đến sân tiêm đều nằm ở các khu vực khác nhau.

“Ngoài ra, Uber cũng sẽ miễn phí chở bạn đi từ nhà đến địa điểm tiêm vaccine. Việc này nhằm khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng”, Khánh Nam cho hay.

Nhà Trắng thông báo hôm 11/5 rằng người dân có nhu cầu tiêm vaccine sẽ được hỗ trợ miễn phí di chuyển đến địa điểm tiêm bằng Uber và Lyft. Hỗ trợ này sẽ được áp dụng đến hết 4/7, theo NPR.

Khánh Nam xếp hàng chờ đăng ký tiêm mũi tiêm đầu tiên. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, Khánh Nam chia sẻ nhân viên khu vực tiêm vaccine rất đa dạng sắc tộc. “Mọi người quan tâm và hỏi han lẫn nhau. Điều đó làm tôi cảm thấy vui hơn”, Khánh Nam nói.

Ngoài đường phố ở thủ đô Washington, các biển quảng cáo khuyến cáo người dân đi tiêm vaccine xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trên các phương tiện công cộng, các tấm hình quảng cáo các website hay ứng dụng người dân có thể sử dụng để tiếp cận thông tin về vaccine.

Giấy thông hành vaccine

Đỗ Nghĩa Hưng, sinh viên Đại học Toledo, Ohio đã tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer từ tháng 4. Sau khi tiêm xong, nhân viên y tế dặn Hưng giữ giấy chứng nhận thật cẩn thận.

“Chị y tá nói có tình trạng bán giấy chứng nhận đã tiêm vaccine. Người ta bán giấy giả để thông hành qua khu vực chỉ dành cho những người đã được tiêm”, Nghĩa Hưng nói.

Đại học Toledo cũng gửi email thông báo tất cả sinh viên đã tiêm vaccine không cần đeo khẩu trang đến trường nếu muốn.

Đối với Khánh Nam, việc tiêm vaccine góp phần giảm chi phí thuê nhà ở.

“Khi tôi mới qua, tôi phải thuê khách sạn để ở tạm. Thuê Airbnb sẽ tiết kiệm hơn nhưng chủ nhà yêu cầu tôi phải tiêm vaccine. Sau khi tiêm xong, tôi liền chuyển qua Airbnb để tiết kiệm chi phí”, Khánh Nam cho biết.

Ngoài ra, Khánh Nam làm thực tập tại một công ty đầu tư. Việc tiêm vaccine giúp anh có thể đến công ty làm việc trực tiếp.

Cuộc sống bình thường trở lại một phần

New York từng là một trong những thành phố ghi nhận số ca nhiễm cao nhất nước Mỹ. Giờ đây, cuộc sống đã dần bình thường trở lại. Dịch bệnh khiến nhiều nhà hàng đóng cửa. Các cửa hàng quen thuộc với nhiều người, nay được thay thế bằng những cái tên mới.

Đường phố New York bây giờ tấp nập, nhưng đại dịch để lại “thói quen mới” cho nhiều người dân ở đây.

Hết học kỳ, Nhật Thạnh đi xe buýt qua Boston chơi. Điều này giúp anh nhận ra một vài điểm khác biệt giữa hai thành phố.

“Xe buýt không đông lắm, chỉ khoảng 1/3 ghế được lấp đầy. Ở New York, nhiều người vẫn đeo khẩu trang. Nhưng tại Boston, nhiều người không như vậy”, Nhật Thạnh nói.

Nhật Thạnh vẫn đeo khẩu trang để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.

Nhật Thạnh (ngoài cùng bên trái) tham dự lễ tốt nghiệp của bạn bè vào tháng 5. Trong giai đoạn dịch hồi năm 2020, toàn bộ các trường đại học phải tổ chức lễ tốt nghiệp trực tuyến. Ảnh: NVCC.

Tại thủ đô Washington, vấn đề nhân công lao động hậu đại dịch trở nên nhức nhối hơn. “Tôi thấy rất nhiều chỗ treo bảng thuê thêm người. Họ muốn thuê thêm người, nhưng chưa được”, Khánh Nam nói.

Là sinh viên đại học, các cuộc trò chuyện của Khánh Nam với bạn bè trong thời gian đại dịch gắn liền với chủ đề Covid-19. Tuy nhiên, trở lại Mỹ lần này, Nam không còn nghe mọi người bàn tán nhiều về dịch bệnh.

Nam cho rằng tỷ lệ tiêm chủng cao mang lại cảm giác an toàn cho người dân, vì thế họ không còn quá lo lắng về đại dịch.

Du lịch hè hậu đại dịch

Hoàn thiện bài thi cuối cùng tại trường, Nghĩa Hưng sửa soạn đồ đạc bay thẳng tới Seatle, Washington để thăm chị. Đại dịch khiến Hưng không thể gặp chị gần hai năm.

Chuyến bay đông người, và không có thủ tục nào mới mẻ. Nhân viên chỉ hỏi thăm Nghĩa Hưng có mệt không, và cũng không kiểm tra hành khách đã tiêm vaccine hay chưa.

Nghĩa Hưng và chị gái đến thăm con hẻm gần chợ Pike Place Market ở Seatle. Con hẻm này trở thành địa điểm du lịch nhờ việc ‘quá nhiều người ăn kẹo cao su và dính luôn vào tường ở đây’. Ảnh: NVCC.

Đến Seatle, chị gái dẫn Nghĩa Hưng đi tham quan nhiều địa điểm trong thành phố. Hai chị em đi qua các khu chợ và khu thương mại. Hưng để ý chợ bày bán nhiều đồ, nhưng khách mua hàng lại thưa thớt.

Đến trung tâm thành phố, Nghĩa Hưng sững sờ vì ở đây có nhiều người vô gia cư. “Họ dựng chòi sống bên lề đường, và hầu như không đeo khẩu trang”, Nghĩa Hưng nói.

CDC công bố nhóm người vô gia cư nằm trong nhóm dễ chịu tổn thương nhất vì Covid-19. Họ không được tiếp cận y tế đầy đủ, vì vậy tỷ lệ tử vong của nhóm này cao hơn.

Nhật Thạnh đến thăm Đại học Harvard dịp hè. Trước đại dịch, Harvard lúc nào cũng tấp nập sinh viên và khách du lịch tới trường tham quan. Tuy nhiên, lần này đến, Nhật Thạnh lại thấy vắng vẻ.

Buổi tối, Thạnh ra quán bar cùng bạn. “Đại học Harvard như một thị trấn nhỏ vậy. Tất cả mọi dịch vụ đều có ở đây”, Thạnh nói.

Tỷ lệ tiêm chủng cao tại Mỹ đã mang cuộc sống bình thường trở lại với người dân. Theo CDC, tính đến ngày 15/6, Mỹ đã hoàn thành hai mũi tiêm chủng cho 43,7% dân số.

Theo CNN, Mỹ có thể khó đạt được mục tiêu hoàn thiện mũi tiêm chủng đầu tiên cho 70% tổng số người trưởng thành vào trước ngày 4/7 do Tổng thống Joe Biden đặt ra. Tỷ lệ tiêm chủng thấp đa số ở các bang “đỏ”, nơi quy tụ những đảng viên Cộng hòa truyền thống và bảo thủ.

SHARE