Là quản lý của một công ty tại Irvine với mức lương $82,000 một năm, là cha của hai đứa bé kháu khỉnh 5 tuổi và 2 tuổi, là chồng của người vợ đang làm việc cho một ngân hàng, và là người đang chuẩn bị mở một công ty cho riêng mình vào tuần tới đây, cuộc sống của anh có thể gọi là “thành đạt.” Nhưng. Đùng một cái. Anh sắp bị_trục_xuất về Việt Nam.
Anh_chết_lặng. Vợ anh bàng hoàng. Hai đứa con anh còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đã xảy ra, ngoài câu hỏi được lặp đi lặp lại “Sao ba không về chở con đi học bơi, học võ, đi ăn?”
Anh là L. Hồ, một trong khoảng 8,000 người gốc Việt có thể_bị_trục xuất theo chính sách di trú cứng rắn của chính quyền Donald Trump, nhắm vào di dân có thẻ xanh nhưng chưa là công dân và từng vi phạm luật pháp Mỹ.
Anh bị giữ lại khi lên trình diện tại Cơ Quan Cảnh Sát Di Trú ICE (Immigration and Customs Enforcement) hôm cuối Tháng Ba với thông báo: đã có giấy tờ trục xuất anh về Việt Nam, nơi anh rời khỏi từ năm 13 tuổi.
Nơi tạm giam người bị trục xuất
Nơi anh L. đang bị giam giữ chờ ngày trục xuất là một trung tâm của ICE nằm ở Adelanto, thuộc San Bernardino County, miền Nam California, cách Little Saigon khoảng 90 dặm.
Dù gọi là nơi “tạm giữ” nhưng cách thức tổ chức sinh hoạt cho những người bị_tạm_giữ nơi đây cũng không khác_nhà_tù là mấy. Người bị tạm giữ vẫn phải mặc đồng phục_tù_nhân, vẫn bị quản lý giờ giấc ăn ngủ với thời khóa biểu khá bất thường: ăn sáng lúc 4 giờ, ăn trưa lúc 10 giờ sáng và ăn tối lúc 4 giờ chiều. Được gọi điện thoại về nhà thoải mái, nhưng cứ 1 phút phải trả 7 cent. Mỗi tuần được “đi chợ” một lần bằng cách nhân viên trại tạm giam đưa cho nguyên tờ “list,” muốn mua gì để dành ăn uống khi đói, hay vật dụng cá nhân để xài thì đánh dấu vô, dĩ nhiên cũng với giá đắt hơn bên ngoài rất nhiều.
Thân nhân vào thăm cũng phải theo quy định khắt khe của nơi đây về trang phục, như không được mặc quần short, không mặc áo hở vai, hở ngực, những chiếc áo vừa chấm lưng quần cũng bị cấm. Những chiếc áo thun bó chẽn cũng không được. Quần jean với những lỗ rách thời trang cũng bị mời ra. Dĩ nhiên, tất cả điện thoại, túi xách, tiền bạc… đều phải để bên ngoài. Chỉ đi vào tay không sau khi qua kiểm tra an ninh kỹ lưỡng, bắt buộc phải moi móc hết những gì có trong túi áo túi quần ra.
Quy định nơi này mỗi tuần có ba ngày được thăm viếng. Vào ngày thăm viếng, người đang bị_tạm_giam chỉ được một lượt người tới thăm nói chuyện trong vòng 1 giờ đồng hồ, và một lượt như vậy tối đa là ba người. Tuy nhiên, có những gia đình có đông con nhỏ, đứa nào cũng muốn được gặp mẹ, gặp cha. Thế nên, nhân viên làm việc nơi đây đã hành xử đầy tình người bằng cách cho họ đi thành hai lượt, mỗi lượt 30 phút.
Phòng chờ vào thăm người sắp bị_trục_xuất khỏi Mỹ khác hẳn phòng chờ nơi những_nhà_tù bình thường ở chỗ: có rất nhiều con nít, có đứa còn ẵm ngửa, có đứa mới lẫm đẫm biết đi, có đứa đã vào tuổi “teenage.” Đó là những đứa bé trong phút chốc_bị_bứt_lìa khỏi vòng tay của mẹ, của cha, những đứa bé bỗng dưng trở thành “mồ côi” cha hoặc mẹ trong tức_tưởi.
Và, những cái ôm chầm không muốn rời, những giọt nước mắt lập tức tuôn xuống ngay khi gặp người thân trong bộ quần áo màu cam của nhà tù sau nhiều tiếng ngồi chờ đợi là điều đầu tiên ai cũng có thể nhìn thấy khi chứng kiến cảnh thăm viếng diễn ra nơi đây.
Bị_trục_xuất sau 10 năm trả xong bản_án cho một lỗi lầm nhỏ thời tuổi trẻ
L. có vẻ mặt sáng sủa, và nụ cười ấm áp, chân thành, dễ gây thiện cảm với người lần đầu gặp gỡ.
“Tôi bị giữ lại đây từ ngày 29 Tháng Ba, sau khi đi trình diện ở cơ quan di trú hôm 29 Tháng Ba. Đây là việc tôi phải làm từ 10 năm nay, kể từ khi hoàn thành bản án của mình vào năm 2009,” L. bắt đầu câu chuyện.
L. sang Mỹ năm 1998, lúc 13 tuổi, cùng cha và mẹ kế. “Ba mẹ cũng phải lo hòa nhập cuộc sống, tôi cũng vậy, ai cũng phải vậy mà. Ba tôi có quốc tịch khi tôi đã 18 tuổi, nên tôi không được hưởng theo, mà khi đó còn trẻ quá, đâu biết cần phải làm gì, đâu ai hướng dẫn cho mình biết cần phải lo giấy tờ như thế nào,” L. nói.
Năm 19 tuổi, khi đang học Đại Học Riverside, L. đã phạm tội vì muốn giúp bạn.
“Một người bạn bị đụng xe, cần tiền để lo nhiều thứ. Để giúp bạn, tôi đã làm trung gian cho người mua và người bán_‘thuốc_lắc,’ nhưng bị cảnh sát chìm_bắt, kêu_án 70_tháng_tù vào năm 2004,” L. nhớ lại.
Theo lời L. sau gần 5 năm ở tù, L. được thả ra vì “hạnh kiểm tốt” vào Tháng Tám, 2009.
Tuy nhiên, như phần lớn người phạm pháp khi chưa có quốc tịch Mỹ, L. bị cơ quan Di Trú ICE đưa vào trại giam của cơ quan này ở New Mexico ngay khi trả xong bản án của mình.
“Tôi nhận được lệnh_trục_xuất cuối cùng của tòa án vào Tháng Chín, 2009. Tuy nhiên, có thể do không có giấy tờ từ phía Việt Nam, và do có sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, nên Cơ Quan Di Trú ICE đã thả tôi ra vào Tháng Mười Hai, 2009, với yêu cầu mỗi năm phải đi trình diện,” L. tiếp tục kể về hoàn cảnh của mình.
L. nói như tâm sự, “Nếu ngay thời điểm đó họ trục_xuất tôi về Việt Nam, tôi nghĩ mình cũng ok, vì tôi không có gì trong tay, không có trách nhiệm với ai hết, tôi chỉ nghĩ đơn giản mình đã phạm tội, thì mình phải trả thôi.”
“Nhưng ở thời điểm này, mười mấy năm sau những sai lầm của thời tuổi trẻ, tôi_bị_bắt giữ để chờ trục xuất, tôi cảm thấy đau đớn quá, bởi vì tôi đã có một gia đình phải gánh vác, với trách nhiệm của một người chồng, người cha của hai đứa con còn quá nhỏ. Mỹ có luật một_tội_không phạt hai lần. Nhưng rõ ràng, tôi cảm giác họ đang bắt tôi tiếp tục hình phạt cho lỗi lầm tôi gây ra thời còn nhỏ. Tôi cảm thấy đau lắm,” L. nói với nụ cười gượng gạo cố che đi phần nào cảm xúc của mình.
Cố gắng làm lại cuộc đời bằng học vấn, bằng thái độ sống có trách nhiệm
L. cho biết, “Kể từ 10 năm qua, tôi chưa từng một lần_phạm thêm một lỗi lầm nào, dù là nhỏ như giấy phạt lái xe chẳng hạn. Tôi đã cố gắng bằng hết sức mình để làm lại một cuộc đời khác, sống có trách nhiệm, có ích hơn.”
Theo lời L., trong thời gian bị_giam_giữ, L. đã kịp học để lấy được bằng AA về Quản Trị Kinh Doanh (Business Administration). Sau khi được tha, anh tiếp tục học để lấy bằng cử nhân ngành Quản Lý Thương Mại vào năm 2012. Cũng trong thời gian này, L. bắt đầu việc đi làm cho một hãng chuyên làm dụng cụ y tế trong suốt sáu năm.
“Khi mới vô tôi chỉ làm một nhân viên bán hàng, nhưng chỉ một thời gian ngắn, tôi được đưa lên làm quản lý sản xuất. Sau đó, tôi chuyển sang làm quản lý ‘logistic’ cho một công ty lớn chuyên về thiết bị gia dụng ở Irvine với mức lương $82,000 một năm, thêm ‘bonus’ nữa là gần $90,000. Tôi làm ở vị trí này suốt ba năm, cho đến ngày 29 Tháng Ba, khi tôi đi trình diện rồi bị giữ lại, tôi phải gọi điện thoại về cho ông chủ xin từ chức vì tình trạng của mình,” L. chia sẻ.
Trước đó, để phát triển thêm nghề nghiệp của mình, L. tiếp tục học là lấy bằng chứng nhận về “Project Management Professional” (Chuyên Gia Quản Lý Dự Án) vào năm 2017, và bằng “Green Belt Lean Six Sigma” vào năm 2018.
Gia đình bị chia cắt, tương lai bất định
Chị H., vợ của L., tâm sự, “Chúng tôi quen nhau từ năm 2010 và kết hôn năm 2013. Anh L. là người trụ cột của gia đình, người lo tài chánh cũng như phụ tôi chăm sóc hai con. Chuyện xảy ra tôi thực sự bị sốc. Trong phút chốc mọi thứ như đảo lộn hết. Tôi vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa phải đi làm full time.”
“Bình thường tôi đi làm ngày Thứ Bảy, anh L. ở nhà đưa con đi học bơi, học võ, chở nó đi ăn cơm tấm. Hai tuần nay nó hỏi, ‘Ba đâu, sao ba không chở con?’ Tôi chở nó lên thăm ba nó, nó hỏi sao ba không về nhà với con, chỉ còn biết nói dối với nó là ba bận làm ở đây không về nhà được,” người phụ nữ thật gầy với đôi mắt buồn, cho biết.
Chị kể thêm, “Năm trước cả nhà đi Hawaii chơi. Thằng lớn mấy hổm rày lại nhắc là ba hứa năm nay sẽ cho con đi nữa mà sao ba không về dẫn con đi.” Câu hỏi của đứa con làm tê tái bất cứ người cha, người mẹ nào khi họ không có được quyền thực hiện điều đó bởi những điều luật nghiệt ngã.
Chị H. sang Mỹ từ nhỏ, đã có quốc tịch Mỹ, tuy nhiên, như chị cho biết, “Không thể nào làm giấy tờ để bảo lãnh anh L. được vì họ không cho.”
Anh L. nói thêm, “Năm ngoái tôi đã tốn $70,000 mướn luật sư lo về tình trạng di trú của tôi, nhưng không được. Tôi biết luật nào cũng có xét về mặt nhân đạo. Tôi biết một người cũng có hoàn cảnh giống tôi, hiện ở Florida. Tuy nhiên, anh được phía Việt Nam mời lên phỏng vấn liên quan đến chuyện trục xuất. Khi nghe nói anh có con nhỏ, họ đã gạt lại hồ sơ của anh để anh tiếp tục ở Mỹ, vì nếu phía Việt Nam không cấp giấy thông hành thì phía Mỹ không thể nào trục xuất được.”
“Còn tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào trước để mình có sự thu xếp chuyện nhà cửa. Khi tôi lên trình diện, nhân viên Di Trú chỉ chìa cho tôi xem tờ giấy, mà tôi cũng không biết rõ là passport hay là visa của Việt Nam, vì họ không cho mình cầm, chỉ đưa coi thôi, trong đó có tên tuổi tôi và ghi thời hạn là từ Tháng Hai đến Tháng Tám, 2019. Tôi có xin bản copy nhưng đến giờ cũng chưa thấy họ gửi,” L. nói tiếp.
Anh cho biết anh chưa có chuẩn bị hay kế hoạch gì cho vấn đề này, ngoài nỗi bận tâm cho vợ con.
“Buổi tối rất khó ngủ, vì cứ nhắm mắt là suy nghĩ đến những ngày tới. Đầu óc tôi cảm thấy rất căng thẳng. Vợ tôi sẽ phải lo tiền nhà, lo chăm sóc con như thế nào đây. Tôi cũng không biết họ sẽ đưa tôi đi đâu, chỉ nói là về Việt Nam. Tôi cũng không có họ hàng gì thân thiết ở đó. Ngày đi tôi chỉ mới 13 tuổi thôi,” anh bày tỏ nỗi lo lắng.
Chị H. cũng cho biết tinh thần chị rất căng thẳng. “Tôi cảm thấy cuộc đời không công bằng. Ai cũng có được một cơ hội để làm lại sau những sai lầm. Nhưng sao chồng tôi lại không có được cơ hội đó, trong khi anh là một người rất tốt, không chỉ lo cho gia đình, mỗi năm anh còn gửi tiền cho một tổ chức từ thiện ở Việt Nam để cho trẻ em nghèo được đi học, anh đi cung cấp mền, thức ăn cho người vô gia cư ở Los Angeles.”
Anh L. cho rằng đến giờ này anh cũng không biết lúc nào sẽ bị đưa đi, bởi vì, “Họ chỉ nói là từ cuối Tháng Tư này thì bất cứ lúc nào có vé máy bay là họ đưa về, kêu gia đình chuẩn bị hành lý mang vô đây sẵn.”
Một tiếng đồng hồ thăm viếng trôi qua trong tích tắc. Những giọt nước mắt lại rơi bởi cảnh phân ly. Những ánh mắt rười rượi của người thân lẫn người mặc áo cam lại cố nhìn nhau qua tấm kính khi cánh cửa phòng thăm đóng lại.
Nước Mỹ nhân đạo vô cùng. Nhưng. Nước Mỹ cũng_tàn_nhẫn vô cùng với những gì đang diễn ra cho các gia đình như L.. (Ngọc Lan)