Thời tiết thuận lợi, hoạt động giám sát mùa màng lỏng lẻo, đặc biệt là ở các vùng chiến sự và những thách thức do đại dịch COVID đã gây ra cuộc khủng hoảng châu chấu.
Covid “giúp” châu chấu sinh sôi chưa từng gặp từ trước đến nay
Bỗng nhiên bầu trời lại tối sầm tại trang trại rộng hơn 4 hecta của ông Michael Gatiba ở Nakuru, Kenya, ông sững sờ nhận ra sự xuất hiện hàng triệu con châu châu. “Nó giống như một cơn bão”, ông Gatiba, 45 tuổi, nói qua điện thoại. “Chúng bao phủ mọi vật”.
Đó là những gì đã diễn ra 3 tháng trước đây. Mặc dù ông Gatiba nói rằng ông rất may mắn vì thiệt hại từ loại côn trùng là rất nhỏ, nhưng ông lo ngại rằng nạn châu chấu đang hoành hành khắp châu Phi, Trung Đông và châu Á trong 2 năm qua sẽ quay trở lại tàn phá vụ mùa của mình.
Khi châu chấu bắt đầu trở lại vào nửa cuối tháng 6, các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu các nước không tiếp tục nhận được sự trợ giúp để ngăn chặn loài gây hại này thì hàng triệu người ở ít nhất 23 quốc gia rơi vào tình trạng thiếu ăn vào cuối năm nay. “Chúng tôi không thể làm gì được. Châu chấu không sinh sản ở đây nhưng chúng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào” ông Gatiba nói. Mất mùa có thể khiến vợ chồng Gatiba và bốn đứa con lâm vào cảnh túng thiếu.
Theo Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), châu chấu sa mạc là một loài côn trùng gây hại thuộc họ châu chấu. Với tuổi đời chỉ có 3 tháng nhưng trong môi trường thích hợp, loài gây hại này thậm chí có thể tăng dân số gấp tới 20 lần và di chuyển theo những đàn khổng lồ tàn phá các loại cây trồng.
Theo cách chuyên gia, thời tiết thuận lợi, hoạt động giám sát mùa màng lỏng lẻo – đặc biệt là ở các vùng xung đột – và những thách thức trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên do đại dịch COVID đã gây ra cuộc khủng hoảng châu chấu khi loài côn trùng này đạt đến quy mô chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. “Ngay cả ông tôi cũng chưa chứng kiến những việc như thế này bao giờ”, Gatiba nói.
450 tỷ con châu chấu bị diệt
Những con châu chấu đang phá hoại mùa màng và sinh sôi nảy nở ở Kenya, Ethiopia, Somalia và Djibouti. Người ta dự kiến chúng sẽ bắt đầu di chuyển địa bàn hoạt động khi gió đổi chiều vào cuối tháng này và một số con sẽ bay đến Sudan. Bà Melissa Williams, chuyên gia cao cấp về phát triển nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới cho biết, có những lo ngại rằng côn trùng có thể thâm nhập sâu hơn vào Tây Phi và gây hại tại một số quốc gia nghèo nhất thế giới.
Cùng thời điểm, những đàn châu chấu khác trong những tuần gần đây đang tàn phá mùa màng ở Ấn Độ và Pakistan, đặc biệt tại các tỉnh Punjab và Sindh và các khu vực xung quanh.
Tuy nhiên, các cơ quan quốc tế và chính quyền địa phương đang đạt được tiến bộ đáng kể. ” Từ đầu năm nay, chúng tôi đã tiêu diệt khoảng 450 tỷ con châu chấu”, Cyril Ferrand, người đứng đầu nhóm phục hồi của FAO ở Đông Phi nói.
Thu Ngọc(theo tổ quốc)