Các chuyên gia dịch tễ, các nhà kinh tế và chính trị gia đang lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ 2 ở Mỹ có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới.
Nhưng một số người, trong đó có Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của chính phủ Mỹ, cho rằng còn quá sớm để thảo luận về làn sóng thứ 2 khi Mỹ còn chưa kết thúc làn sóng thứ nhất. Đến nay Mỹ đã có hơn 2,4 triệu người mắc Covid-19 và hơn 123.000 người tử vong vì dịch bệnh này.
Tại sao mô tả sự bùng phát dịch bệnh như làn sóng?
Trong cách nói về bệnh truyền nhiễm, từ “làn sóng” mô tả đường cong của dịch bệnh, phản ánh sự tăng-giảm số lượng các ca bệnh. Với các bệnh nhiễm virus như cúm hoặc cảm lạnh thông thường, đỉnh dịch thường rơi vào những tháng mùa đông lạnh và giảm dần khi thời tiết ấm áp hơn.
Những lo ngại về một đợt bùng phát Covid-19 thứ 2, một phần xuất phát từ quỹ đạo của đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1919 đã lây nhiễm 500 triệu người trên toàn thế giới và khiến khoảng 20 đến 50 triệu người tử vong. Chủng virus này xuất hiện lần đầu tiên vào mùa xuân năm 1918, nhưng dường như đã biến đổi khi dịch bùng phát trở lại vào mùa thu, tạo ra làn sóng thứ 2 nguy hiểm hơn.
“Dịch bệnh tái phát và tồi tệ hơn rất nhiều”, nhà dịch tễ học- Tiến sĩ William Hanage của Đại học Harvard nhận định.
Các nhà dịch tễ học cho biết không có định nghĩa chính thức về làn sóng thứ 2, nhưng họ biết điều đó khi nó xảy ra.
“Điều đó thường khá rõ ràng. Bạn sẽ thấy sự gia tăng liên quan đến một nhóm người thứ 2 sau khi sự lây lan trong nhóm đầu tiên đã giảm bớt”, nhà dịch tễ học-Tiến sĩ Jessica Justman ở trường Y tế Công cộng Mailman, Đại học Columbia, Trường Y tế Công cộng cho biết.
Các ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Mỹ đã tăng vọt hồi tháng 3, tháng 4, và sau đó giảm dần nhờ các chính sách giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn lây nhiễm virus từ người sang người. Nhưng không giống như một số quốc gia ở châu Âu và châu Á, Mỹ chưa từng có mức giảm lây nhiễm đáng kể để coi như kết thúc làn sóng thư nhất. Hiện tại mức lây nhiễm vẫn là khoảng 20.000 ca một ngày.
“Chưa thể có một làn sóng thứ 2 vào mùa hè này bởi vì chúng ta vẫn đang ở làn sóng thứ nhất. Chúng ta muốn hạ được làn sóng đầu tiên xuống. Sau đó, chúng ta sẽ thấy nếu chúng ta có thể giữ nó ở đó”, Tiến sĩ Fauci nói khi trả lời phỏng vấn Washington Post vào tuần trước.
Việc nới lỏng các hạn chế trong những tuần gần đây ở nhiều tiểu bang của Mỹ khi mở cửa nền kinh tế trở lại đã gây gia tăng lây lan dịch bệnh.
Các nhân viên y tế xét nghiệm mẫu tại một trung tâm y tế ở Houston, Texas (Ảnh: Reuters).
“Làn sóng”, phải chăng chỉ là vấn đề ngữ nghĩa?
Đối với nhiều nhà dịch tễ học, đó là vấn đề ngữ nghĩa.
“Bạn muốn gọi nó là phần mở rộng của sóng thứ nhất hay sóng thứ hai xô chồng lên trên sóng thứ nhất không? Bạn có thể gọi cách nào cũng được”, Tiến sĩ Justman nói.
Tiến sĩ Eric Toner, một nhà khoa học tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết ông không thấy từ “làn sóng” là một thuật ngữ đặc biệt hữu ích trong việc mô tả một đại dịch.
“Khi bạn ở dưới nước, rất khó để biết có bao nhiêu làn sóng đang lướt qua đầu bạn”, Tiến sĩ Toner nói.
Tiến sĩ Toner cho rằng, các ca nhiễm gia tăng ở Mỹ ít liên quan đến virus, mà liên quan nhiều hơn đến hành vi của mọi người.
“Virus không biến mất và quay trở lại. Virus vẫn còn ở đây. Nó nổi lên ở một số nơi và chìm xuống ở những nơi khác”, ông Toner nói.
Dự báo cho những tháng tới như thế nào?
Phó Tổng thống Mike Pence tuần trước đã viết một ý kiến trên Tạp chí Phố Wall cố gắng làm dịu những lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ 2 ở Mỹ. Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, cho biết hôm 22/6 (giờ Mỹ) rằng làn sóng thứ 2 chưa đến.
Tiến sĩ Theo Vos thuộc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe của Đại học Washington, đã gọi những lời lẽ đó là “ý nghĩ mơ ước”.
Dựa trên các mô hình toàn cầu, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Vos dự đoán rằng virus SARS-CoV-2 sẽ tăng mạnh vào mùa thu khi nhiệt độ lạnh hơn ở Mỹ.
“Dịch có thể tăng tốc vào tháng 10”, Tiến sĩ Vos cho biết, với số lượng các ca nhiễm gia tăng vào tháng 11, tháng 12 và tháng Giêng tới./.
Bích Đào/VOV.VN (Dịch và biên tập)
Nguồn: Reuters