Ông Trump hoãn trừng phạt Trung Quốc vì “lợi ích Mỹ”

78

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các quan chức Trung Quốc về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ vì lo ngại động thái này can thiệp các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Khi được hỏi lý do không trừng phạt các quan chức Trung Quốc về vấn đề ở khu vực Tân Cương trong cuộc phỏng vấn của trang Axios, ông chủ Nhà Trắng hôm 20-6 cho rằng: “Chúng ta đang ở giữa một thỏa thuận thương mại lớn. Tôi đã đạt được một thỏa thuận lớn, với khoảng 250 tỉ USD hàng hóa”.

Ông Trump lý giải: “Tôi đã áp thuế lên Trung Quốc, mức thuế tồi tệ hơn bất kỳ lệnh trừng phạt nào mọi người có thể nghĩ tới cho đến thời điểm này”.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rằng không có nghị sĩ nào gây áp lực buộc ông phải áp lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu năm 2016, theo đó cho phép chính quyền Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân bị xem là vi phạm nhân quyền.

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được đàm phán vào năm 2019 có hiệu lực vào tháng 2, Trung Quốc đã đồng ý mua ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ bổ sung từ Mỹ trong hai năm.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc sẽ tìm cách xoa dịu căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 22-6, đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa hai bên kể từ khi châu Âu nhiều lần cáo buộc chính quyền Bắc Kinh tuyên truyền thông tin sai lệch về dịch Covid-19.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel sẽ có cuộc họp hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Một quan chức cấp cao chuẩn bị sự kiện cho hay: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng Trung Quốc sẽ đảm nhận trách nhiệm của mình với tư cách là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng lo ngại ở EU”.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Mỹ gây áp lực lên EU có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Các quan chức EU cho biết Trung Quốc đã tìm cách gây sức ép lên các nước EU chỉ trích cách xử lý dịch Covid-19 của chính quyền Bắc Kinh, sử dụng phương tiện truyền thông để truyền bá các thông tin giả về việc châu Âu phớt lờ bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phủ nhận có hành vi sai trái. Ngay trước khi xảy ra đại dịch, hai đối tác thương mại này cũng đã có những bất đồng, bao gồm vấn đề Hồng Kông và một hiệp ước đầu tư đang được đàm phán.


Xuân Mai
(Theo Reuters, The Hill)

SHARE