Bạn diễn cùng Thương Tín trong Biệt động Sài Gòn là nghệ sĩ Thanh Loan đã tiết lộ về quá khứ của anh.
Tối qua (7/12), tập 15 chương trình Ký ức vui vẻ đã lên sóng, với nhiều tiết mục hấp dẫn và xúc động. Trong đó, ấn tượng nhất là sự tái ngộ lần đầu trên truyền hình của dàn diễn viên phim Biệt động Sài Gòn sau 35 năm xa cách.
Các diễn viên trở lại lần này gồm có nghệ sĩ Hai Nhất, nghệ sĩ Thương Tín, nghệ sĩ Thanh Loan, nghệ sĩ Hà Xuyên.
Tại trường quay, nghệ sĩ Hai Nhất bồi hồi nhớ lại: “Điều tôi nhớ nhất khi quay Biệt động Sài Gòn là cảnh anh Thương Tín đá vào bộ hạ tôi một cái.
Nghệ sĩ Hai Nhất trong Biệt động Sài Gòn
Dù là diễn nhưng anh ấy diễn hơi quá nên thành đá thật, khiến tôi đau vô cùng. Hồi đó không có diễn viên đóng thế nên mọi thứ diễn viên chúng tôi phải tự đóng hết”.
Nghệ sĩ Hà Xuyên chia sẻ: “Tôi nhớ, đóng phim xong đi phỏng vấn mọi người mới biết tôi và chị Thanh Loan là người Bắc vào Nam. Phim lồng tiếng miền Nam và chúng tôi đã khiến mọi người đều nghĩ mình là người Sài Gòn thật.
Lúc đóng phim này, chúng tôi lo lắm vì mình sống ở chế độ xã hội chủ nghĩa từ nhỏ, chẳng biết tư sản mại bản ra sao mà lại vào cả vai tư sản mại bản.
Chúng tôi đã được các bạn diễn hỗ trợ rất nhiều để hoàn thành được vai của mình.
Nghệ sĩ Hà Xuyên trong Biệt động Sài Gòn
Chúng tôi đóng phim không có tiền nhiều nhưng lại có khán giả. Vai Ngọc Mai của tôi và vai ni cô Huyền Trang của chị Thanh Loan sau đó được đặt tên cho rất nhiều em bé. Chúng tôi rất vinh dự vì điều đó”.
Nghệ sĩ Thanh Loan thì lần đầu tiết lộ về thời gian đóng Biệt động Sài Gòn và mức cát xê ít ỏi mình nhận được:
“Ngày xưa chúng tôi đóng phim vất vả lắm. Đóng 4 năm trời mới xong 4 tập phim Biệt động Sài Gòn. Ngày đó quay phim nhựa mà cả nước mới chỉ có một cơ sở in tráng nhựa ngoài Hà Nội thôi. Cứ quay xong tập nào, cả đoàn lại phải gửi ra ngoài Hà Nội in rồi ngồi đợi kết quả.
Chúng tôi có nhiều kỉ niệm với nhau vì sống cùng 1 khu tập thể. Tôi đóng vai ni cô nên phải cắt trọc, trong khi tóc tôi rất dài. Đạo diễn phải động viên mãi tôi mới chịu cạo trọc.
Nghệ sĩ Thanh Loan trong Biệt động Sài Gòn
Tôi nhớ mãi cảnh quay bị tra tấn điện. Từ bé tới giờ có bị tra tấn điện bao giờ đâu mà biết nó như thế nào. Các anh phải chỉ cho tôi từng tí một, giật người, co quắp, há mồm ra sao. Cảnh đó phải quay đêm và tôi cứ bị dội nước vào mặt để giả ngất giả tỉnh như trong phim.
Sau phim đó tôi chuyển sang làm đạo diễn, quản lý nên không có cơ hội đi đóng phim cùng mọi người nữa.
Ngày xưa chúng tôi đóng phim không bao giờ nghĩ đến cát xê hay hợp đồng vì được đóng là vinh dự rồi. Như tôi đóng vai ni cô Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn cát xê 4 năm trời được có 18 triệu”.
MC Lại Văn Sâm nghe thấy 18 triệu tưởng nhiều liền thốt lên: “Chị mà có đầu óc kinh doanh như Hồng Vân thì chị giàu to rồi vì 18 triệu lúc đó mua được rất nhiều đất, vàng”.
Nghệ sĩ Thanh Loan phân trần: “Nhưng thưa anh là 18 triệu đó không được lĩnh luôn mà chỉ mỗi tháng rót ra một ít gọi là phụ cấp. Đến đúng năm 1985 đổi tiền nên thành ra tôi chỉ còn lại có 1 triệu 8″.
Nghệ sĩ Thương Tín cũng tiết lộ giá cát xê mình nhận được là rất thấp, dù đã có danh tiếng. Anh nói:
“Ở cuối phim Biệt động Sài Gòn có cảnh tôi bị bắn chết. Vì khán giả không muốn tôi chết lúc đó nên đạo diễn định làm tôi sống lại bằng cách lôi vào nhà xác, cho gặp bác sĩ giỏi để cứu sống.
Nhưng tôi xin đạo diễn cho tôi chết luôn vì còn rất nhiều phim khác đang chờ mình đóng. Tôi phải chạy show nhiều nhưng thu nhập vẫn nghèo nhất vì là thời bao cấp. Tiền cát xê cả bộ phim có 1 chỉ vàng đóng mấy tháng trời. Làm sao sống nổi với 1 chỉ vàng đó trong mấy tháng?
Ngày đó chúng tôi đóng phim không nghĩ đến cát xê, vì có được bao nhiêu đâu mà trông ngóng vào đó. Nhưng chỉ cần được mời đi đóng phim thôi là trách nhiệm và vinh dự vô cùng”.
Sau đó, Nghệ sĩ Thanh Loan còn kể thêm về quá khứ huy hoàng của nghệ sĩ Thương Tín: “Anh Thương Tín là người đầu tiên có mô tô bự, vây quanh là bóng hồng. Đúng là hồi đó có rất nhiều các bà, các cô và phụ nữ trẻ tới tận trường quay chăm sóc cho anh Thương Tín. Tôi cũng phải phát ghen lên”.