Khi những người Việt đến định cư tại Mỹ đã mang theo tô phở đậm chất Sài Gòn sang tận bên này. Để rồi mấy mươi năm sau đó, phở bò, phở Việt đã có mặt khắp 50 bang nước Mỹ.
Phở Sài Gòn phủ khắp nước Mỹ
Những năm tháng khó khăn ở quê nhà, phở là một món vô cùng xa xỉ. Tôi chỉ được nhìn ngắm từ xa, hít hà từng làn khói thơm ngào ngạt rồi thèm thuồng chứ không được hiên ngang ngồi ăn cho đã. Đôi lúc lại thèm… bị bệnh để được có phở ăn cho đã mới ghê. Để “trả công” đi mua, tôi được thưởng cho một ít nước phở với vài miếng nạm mỏng như giấy quyến, trộn cơm nguội ăn ngon thấy mấy ông trời.
Hai mươi năm thiên di xứ người, tôi đã đi dọc chiều dài Nam – Bắc quê hương, đã đặt chân đến 47 bang nước Mỹ và gần 80 nước trên thế giới. Tôi làm đủ tiền để ăn những gì mình thích mà không phải mong… bệnh như xưa. Hầu như đi đến mỗi tỉnh bên nhà, các bang ở Mỹ hay bất kì đất nước nào, tôi cũng tìm đến khu shopping của người Việt hay châu Á, để ăn tô phở nóng hổi thơm dịu vị ngọt quê hương, ổ bánh mì giòn, cây chả giò mọng mỡ, hay một ly chè ngọt mát.
Nếu như người Bắc ăn phở với thịt tái lăn giữa tô nước lèo thơm nồng, ngọt lịm vị xương bò lẫn hồi, quế với sợi bánh mỏng, mềm ắp đầy hành lá; nhiều nơi miền Trung thích ăn phở bò móng giò heo nồng thơm vị sả; người Nam thì phải có tái, nạm, gầu, bò viên thoang thoảng vị quế, hồi, kèm tương ớt, tương đen, giá, quế, ngò gai hay ngổ (ngò om).
Ai cũng biết người Trung và Nam không ăn cọng phở Bắc, mà thay vào cọng bánh phở gần như hủ tiếu của người Hoa nhưng dai hơn do giao thoa văn hóa. Đây có thể coi là điểm khác biệt đậm nét nhất của tô phở ba miền.
Khi những người Việt đến định cư tại Mỹ (bắt đầu từ thủ phủ quận Cam, California) đã mang theo tô phở đậm chất Sài Gòn sang tận bên này. Để rồi mấy mươi năm sau đó, theo bước chân di cư của mình, người Việt cùng với phở bò đi khắp năm mươi bang Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.
Từ miền biển Florida tới hoang mạc nóng cháy Arizona, New Mexico; lên các tiểu bang ven Đại Tây Dương Virginia, Maryland, Delaware; hay đô thị rộn ràng ở New York, Pennsylvania; tới vùng New England xa xôi ở Massachusetts, Vermont, Maine; sang Midwest đầy lốc xoáy ở Illinois, Kansas, Ohio; Missouri, Arkansas chạy dọc theo dòng Mississippi trù phú; băng qua đỉnh núi đá Rocky Mountain đến Utah, Oklahoma, Colorado; ngược lên xứ gió mưa, sương mù Washington, Oregon… đâu đâu cũng thấy những nhà hàng phở đậm chất Sài Gòn hào sảng.
Có lần đi Ecuador tôi được ăn tô phở có kèm trứng gà hồng đào xắt đôi như ramen của Nhật nữa cơ. Tới xứ băng hỏa đảo Iceland, quế, ngò các kiểu được thay bằng mấy cọng thì là. Hay ở Aachen bên Đức, vô tiệm chỉ có một loại phở tái xắt cục nào cục nấy to đùng bằng lóng tay. Ở Colombia thì có cả hành phi và giấm.
Phở có rau giá ăn vào ‘healthy’ (khỏe mạnh)
Phở Bắc bên này rất hiếm, thậm chí nhiều nơi không có ai bán. Do bao nhiêu năm nay người ta đã quen ăn kiểu phở Nam rồi. Với lại với nhiều người Việt lẫn Mỹ, khi ăn tô phở bò, họ lại muốn có đa dạng nhiều loại thịt kèm thêm rau tươi mát. Người nước ngoài thử phở và đâm ra ghiền một phần do bạn bè giới thiệu, thứ hai là rẻ và thứ ba là vì nó healthy (khỏe mạnh). Mà vấn đề healthy này hiện nay đang là mốt. Nhiều nơi bà con điên cuồng vì rau củ, đồ ăn organic (hữu cơ), Non-GMO (không biến đổi gen) dù giá mắc quá trời
Buổi trưa, thay vì vô nhà hàng bữa ăn trưa dài cả tiếng đồng hồ gồm khai vị, món chính, tráng miệng kèm nước uống lẫn tiền bo tốn mấy chục bạc; hay ghé qua McDonalds, Burger King, Chipotle, Pizza Hut, Popeyes, ăn hamburger, cánh gà chiên, pizza, đồ Mễ mặn chát, béo ngậy, đậm đặc đường và muối, nốc soda ngọt như chè để rồi tích tiểu thành đại, mang đủ thứ loại bệnh từ tiểu đường, tim mạch, tới béo phì núc ních đi không nổi, thì việc ghé tiệm phở, ăn tô đầy nhóc, nóng hổi, giá rẻ òm lại nhanh gọn, không sợ trễ giờ làm có vẻ hợp lý hơn.
Phở ở khu vực Washington D.C. khoảng 10 đô/tô, xuống khu Bellaire ở Houston hay lên vùng Dorchester ở Boston thì chừng 8 đến 10 đô, tới Denver (Colorado) lên tới 13 đô, qua California ở Little Saigon hay San Jose thì giá cả vô chừng hơn. Đi vài bước thấy một tiệm phở, cạnh tranh sát rạt. Bạn tôi bảo ở đó có tô phở giá 6,30 đô la (mấy năm trước còn 4,99 đô thôi nhen). Cạnh tranh kiểu này thấy cũng ớn thiệt.
Tôi nghĩ chẳng một người ngoại quốc nào có thể cưỡng lại khi ngồi đối diện tô phở to đùng đủ các loại thịt, giá, rau, bốc khói ngùn ngụt thơm không thể tả. Rau đơn giản chỉ có hai thứ, é quế và ngò gai. Đặc biệt, không thể nào thiếu miếng chanh và một ít ớt jalapeno cay xè (đặc sản của dân Mễ – Mexico), kèm hành ta, hành tây với ngò thơm lựng.
Cảm ơn miền Nam California và Florida nắng ấm quanh năm, đất đai lại tươi tốt, bạt ngàn nên hầu như chẳng bao giờ thiếu rau để cung cấp cho các nhà hàng phở Việt. Mùa hè rau giá phủ phê. Đông thì dĩa rau “thảm” hơn với lèo tèo một vài lá nhỏ. Người Mỹ mê é quế (basil) Việt Nam lắm, vì lá nhỏ và mùi thơm rất dịu chứ không hăng và hôi rình với to đùng như quế Mỹ.
Hầu như chợ nào cũng có bánh phở tươi bịch nhỏ bỏ lạnh, hay bịch mấy chục pound bự chà bá cho nhà hàng. Tôi ít thấy người ta ăn bánh phở sấy khô, dù vẫn bán. Tương đen, tương ớt đỏ con gà là hai thứ không thể thiếu trên bàn phở rồi. Ngoài ra trên bàn còn có hũ mắm lẫn muối với đường dành cho dân Mễ trùm ăn mặn hay dân Mỹ mê vị ngọt.
Phải nói thịt bên này đa dạng và trưng bày trong tô rất đẹp. Nhà hàng nào cũng có hai size lớn và nhỏ. Tô đặc biệt (hay tô số 1) tổng hợp nhiều loại tái (sống hoặc chín), nạm, gầu, gân, sách, bò viên được xắt mỏng một cách cẩn thận, đều như máy. Tiếp đến là tô số 2, số 3, số 4, số 5 hay tên gọi gì khác gồm hai, ba loại thịt kể trên kiểu nạm với gầu, nạm với gân, gân với tái… Còn không thích tô sẵn, cứ gọi bất cứ loại thịt nào mình muốn hoặc gọi thêm chén nhỏ (side) kèm theo. Muốn ăn thêm hành giấm, nước béo, hành chần gì cũng có.
Phở Việt ở Texas
THỦY NGUYỄN
Thỉnh thoảng bạn bè từ nơi khác hay bên Việt Nam ghé tới chơi, bảo thèm ăn tô phở. Tôi chở ra tiệm phở gần nhà để cho họ thưởng thức hương vị quê hương sau những ngày đi từ nơi này đến nơi khác. Từ sáng tới chiều, tiệm lúc nào cũng đông. Mấy anh Mễ trùng trục, khỏe như trâu lúc nào cũng ăn tô lớn nhất, đầy bánh phở để có sức làm việc. Mỹ trắng thì nhẹ nhàng hơn, nhiều rau với thịt.
Tô của châu Á lúc nào cũng ít bánh, kèm tái với bò viên, trên bàn lúc nào cũng có thêm mấy chén thịt kêu thêm (dù nhiều khi ăn hổng hết). Tôi liếc quanh, chỉ ít người sử dụng nĩa, còn nhiêu cầm đũa chuyên nghiệp lắm nhen. Có nghĩa là họ đã ăn quen lắm rồi. Và chủ cũng biết tánh nết của từng kiểu thực khách mà làm vừa lòng họ nhất.
PV
Nguồn: Thanh Niên