Cặp vợ chồng trẻ Đồng Thị Hương Linh và Sas Péter sẽ tạm nghỉ việc, bán hết tài sản hiện có để lên đường phượt xe đạp trong khoảng 1 năm, xuyên qua 11 quốc gia và vùng lãnh thổ từ Hungary về Việt Nam.
“Say” trà Việt, yêu gái “đất Chè”
Chàng trai Hungary – Sas Péter (30 tuổi) “say” trà Việt, yêu gái “đất Chè” Thái Nguyên, để rồi khi “rước nàng về dinh” đã nảy ra ý tưởng phượt xe đạp xuyên biên giới từ quê chồng về quê vợ để thực hiện ước mơ đi qua những miền đất trồng trà nổi tiếng nhất.
Đồng Thị Hương Linh (27 tuổi) tâm sự, chính trà Việt đã se duyên vợ chồng cho cô và chàng Tây Sas Péter. Năm 2011, Péter và Linh gặp nhau trong một cuộc họp thường niên của IAESTE – tổ chức trao đổi sinh viên các ngành kỹ thuật mà họ đều là thành viên.
Tình yêu ngọt ngào xuyên biên giới của Linh và Péter “kết trái” bằng đám cưới.
Cô gái Việt lúc này vừa trở về quê hương sau chuyến thực tập 2 tháng tại Phần Lan và Péterlúc đó đang có chuyến thực tập dài 5 tháng tại Thái Nguyên. Sau này, người đàn ông Hungary tiết lộ rằng, lý do anh đến Thái Nguyên – mảnh đất quê hương của Linh là vì rất yêu trà và sau đó, phải lòng luôn cô gái đất trà duyên dáng.
“Tôi được mời lên thuyết trình về chuyến thực tập vừa qua và anh Peter là một trong những khán giả chăm chú lắng nghe tôi nhất. Sau đó, anh chủ động tiến lại nói chuyện vì ấn tượng với phong thái tự tin và trình độ tiếng Anh của tôi.
Tôi thì lại ấn tượng vì một chàng trai có đôi mắt xám xanh rất hiền và nụ cười chân thành”, Linh kể.
Sau lần gặp gỡ đầu tiên, “chàng trai mắt xám” thường lấy cớ muốn thăm quan Hà Nội và nhờ Linh làm hướng dẫn viên để được gặp gỡ. Thông qua những cuộc trò chuyện, cô gái Việt nảy sinh cảm tình vì tính cách chân thật, gần gũi và tương đồng trong quan điểm sống với Sas Péter. Một lần, khi đang đi dạo trên cầu Long Biên, Péter bất ngờ tỏ tình và họ bí mật hẹn hò từ đó.
Lễ ăn hỏi thuần Việt.
Thời gian thực tập sắp kết thúc, Péter sắp phải trở về Hungary và Linh thì ở lại Việt Nam, họ không biết ngày nào sẽ được gặp lại. Đôi tình nhân cứ cách xa hai châu lục như vậy trong 6 tháng cho đến khi Linh nhận được giấy báo trúng tuyển thạc sỹ tại Phần Lan.
“Dù cùng châu Âu nhưng vẫn là yêu xa, suốt 3 năm yêu, chúng tôi chỉ gặp nhau mỗi năm 2-3 lần mà thôi. Thời gian còn lại, chỉ nói chuyện qua Skype hoặc viết thư tay”, Linh nói.
Khi Linh tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường tại ĐH Công Nghệ Lappeenranta (Phần Lan), chàng trai Hungary cầu hôn cô và một đám cưới hạnh phúc được tổ chức ở cả hai nước.
Hiện, Linh là giáo viên tiếng Anh còn Sas Péter là thư ký dự án của tập đoàn Audi Hungary. Hai vợ chồng hiện đang sinh sống tại thành phố Gyor, Hungary.
Lúc đầu, điều mà Linh không thích nhất ở chồng là anh rất lý trí, nguyên tắc và khá nghiêm khắc. Nhưng dần dần, cô lại yêu phần tính cách này vì anh luôn giữ lời hứa và đúng hẹn.
Chàng trai Tây thì hé lộ, không thích vợ ở điểm thường bắt anh phải đoán ý – có lẽ đó là điểm chung của nhiều người Việt Nam mà người phương Tây cảm thấy khó hiểu.
Linh cho rằng, bản thân may mắn khi “lấy chồng nhưng không phải làm dâu” và có gia đình nhà chồng rất tình cảm, thương yêu hết mực. Cặp vợ chồng trẻ ở riêng, đến cuối tuần thì xuống ăn trưa cùng bố mẹ chồng.
Dù độc lập nhưng Linh luôn đặt gia đình lên hàng đầu, coi bố mẹ chồng như bố mẹ ruột của mình. Và chính nét văn hóa “làm dâu” đó vô hình chung làm gia đình chồng càng yêu quý và gắn bó với cô dâu Việt hơn.
Đám cưới ở Việt Nam, tháng 2 năm 2015.
Chinh phục những “con đường trồng trà”
Ý tưởng về một chuyến đạp xe từ Hungary về Việt Nam của cặp vợ chồng này có từ hơn 2 năm trước và sẽ bắt đầu vào tháng 8 tới. Chuyến đi sẽ dài gần 20.000 km trong khoảng 1 năm, xuyên qua 11 quốc gia và vùng lãnh thổ (Hungary – Serbia – Bulgaria – Thổ Nhĩ Kỳ – Iran – Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất – Sri Lanka – Ấn Độ – Myanmar – Trung Quốc – Việt Nam) đi qua những miền đất trồng trà nổi tiếng nhất.
Lý do đơn giản bởi cả hai là những người rất yêu thích đi phượt và không muốn chờ đợi cho đến khi già hơn hoặc mệt mỏi vì quá nhiều trách nhiệm, ràng buộc trong cuộc sống thì mới nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi và lên đường.
“Xe đạp là phương tiện di chuyển vừa thân thiện với môi trường vừa rèn luyện sức khỏe; chúng tôi cũng muốn cùng nhau trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương và hiểu về một quốc gia dưới con mắt của “người trong cuộc” chứ không chỉ như một khách du lịch.
Tôi là một người rất thích trà và văn hóa phương Đông nên chinh phục “con đường trồng trà” là ước mơ từ nhiều năm nay của tôi”, Sas Péter hào hứng.
Péter rất thích trà Việt. Anh và vợ đi thăm đồi chè Tân Cương, Thái Nguyên
Từ nhiều tháng nay, PétervàLinh đã liên lạc với rất nhiều phượt thủ để học hỏi những kinh nghiệm, đọc hàng chục cuốn sách và hàng trăm trang web về phượt xe đạp để mong chuẩn bị thật tốt cho chuyến đi.
Chuyến đi này đòi hỏi rất nhiều trang thiết bị chuyên dụng như: xe đạp chuyên dụng, lều trại, dụng cụ nấu nướng, túi hành lý dành cho tua phượt, quần áo, giày đặc chủng chống nhiệt và chống khuẩn. Họ được được các bác sỹ chỉ định tiêm 6 loại vắc-xin trước khi lên đường để chuyến đi được an toàn nhất.
Tài chính cũng là một vấn đề đau đầu vì cả hai còn khá trẻ và làm việc chưa lâu. Phần nhiều chi phí của chuyến đi là tiền lương tiết kiệm của hai vợ chồng, ngoài ra, họ cũng tìm kiếm các nhà tài trợ để giảm thiểu chi phí.
Một năm đạp xe xuyên biên giới, Péter và Linh đều mang nỗi lo riêng. “Mỗi chúng tôi đều có những nỗi sợ mà hy vọng sẽ không thành sự thật trong chuyến đi. Chồng tôi thì lo lắng về việc sẽ phải đạp xe hàng ngày dù đang ốm hay chấn thương vì thời hạn của visa không cho phép chúng tôi dừng chân.
Bản thân tôi thì lo sợ rằng sẽ bị kẹt lại ở một quốc gia nào đó vì biến động chính trường dẫn đến đóng cửa biên giới”, Linh cho biết.
Tuần trăng mật ở Đà Nẵng
Còn Péter thì đã sẵn sàng cho những lựa chọn sau chuyến đi: Hoặc sẽ quay trở về với cuộc sống thường ngày, làm việc, sinh con và gây dựng cho tương lai giống như những cặp vợ chồng khác; hoặc sẽ tìm ra niềm đam mê thực sự của mình thông qua những tháng ngày rong ruổi trên đường.
Cô gái 8X Việt mong muốn xây dựng một mô hình trang trại, tự mình sản xuất nguồn thức ăn và đồ uống cho gia đình. Ngoài ra, cặp chồng Hung – vợ Việt cũng muốn mở một tiệm trà nhỏ để có thể giới thiệu với mọi người những hương vị trà ngon nhất ở những quốc gia mà họ đã đi qua, từ đó khuyến khích mọi người lên đường đi du lịch, khám phá những vẻ đẹp của tự nhiên và con người ở khắp nơi.
“Trong tiệm trà sẽ treo những bức ảnh, những câu chuyện, những bài viết về những tháng ngày khám phá thế giới của vợ chồng tôi”, Péter cười tươi rói.
Vợ chồng trẻ quyết định sẽ đi qua 11 quốc gia – các vùng đất trồng trà nổi tiếng từ Hungary về Việt Nam bằng xe đạp trong 1 năm tới.