Thành phố Sydney, Úc ngày 3.5 đã bị bao trùm bởi một màn khói cháy dày đặc do hoạt động đốt rừng dọn dẹp.
AFP đưa tin, chính quyền thành phố Sydney lớn nhất Úc đã ra thông báo yêu cầu 5 triệu cư dân thành phố ở yên trong nhà nếu cần thiết do mức độ ô nhiễm không khí tăng vọt. Các chuyến phà phục vụ việc đi lại đã bị tạm dừng.
Mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 nguy hiểm đo tại Sydney đứng ở mức 190 – một trong những mức tồi tệ nhất trên thế giới về chỉ số chất lượng không khí.
Cơ quan cứu hỏa dọn dẹp, đốt rừng có kiểm soát để chuẩn bị cho mùa cháy sắp tới gần. Ảnh: NSW Rural Fire Service
Các cơ quan cứu hỏa của Úc thường xuyên thực hiện các hoạt động dọn dẹp mảnh vỡ, cây bụi ở các tầng rừng và đốt bỏ có kiểm soát nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy rừng trước khi bước vào mùa cháy, thường diễn ra vào hè. Hoạt động này chính là nguyên nhân gây ra khói phủ ở thành phố Sydney.
Cơ quan chức năng buộc phải thu hẹp kế hoạch đốt rừng có kiểm soát vào ngày 3.5 khi ô nhiễm đã đạt mức nguy hiểm. Một số tổ chức công đoàn đã yêu cầu công nhân ngừng làm việc nếu tình trạng khói quá nhiều.
Cơ quan cứu hỏa cho biết: “Gió nhẹ và gió ngược trong đêm đã khiến khói đọng lại ở các khu dân cư trũng thấp. Dự báo khói sẽ tan dần trong ngày”.
Khói cháy rừng khiến ô nhiễm không khí ở thành phố Sydney đạt đến mức nguy hại. Ảnh: NSW Rural Fire Service
Vào năm 2019 và 2020, trận hỏa hoạn lớn trên diện rộng đã tàn phá phần lớn miền đông Úc, khiến 33 người chết, phá hủy hơn 3.000 ngôi nhà và bao phủ thành phố Sydney cùng các thành phố khác trong một màn khói đen và tro bụi trong nhiều tháng liên tục.
Biến đổi khí hậu được cho là đang làm cho mùa cháy kéo dài hơn và nguy hiểm hơn, khiến cho khoảng thời gian tiến hành các hoạt động đốt rừng có kiểm soát để dọn dẹp, ngăn ngừa cháy lớn cũng trở nên hạn chế hơn.
Theo Lao động