Trung Quốc “khuấy đảo” các vùng biển khi thế giới bận đối phó Covid-19

67

Trung Quốc đã tăng cường hoạt động tại các vùng biển trong khu vực khi các nước vẫn đang mải miết đối phó với đại dịch toàn cầu.

Các tàu thuộc Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt đi qua Biển Đông ngày 15/3/2020. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Ba tàu sân bay Mỹ, gồm Theodore Roosevelt, Ronald Reagan và Nimitz, đồng loạt tiến hành cuộc tuần tra tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tuần này. Đây là lần đầu tiên bộ 3 nhóm tàu sân bay uy lực của Mỹ cùng hiện diện trong một sứ mệnh chung tại khu vực trong vài năm gần đây.

Theo Viện Hải quân Mỹ, lần gần đây nhất cả 3 tàu sân bay Mỹ cũng được triển khai đồng thời tới khu vực vào năm 2017, khi Triều Tiên tăng cường mối đe dọa tên lửa. Lần này, 3 tàu sân bay Mỹ tiến vào khu vực khi Trung Quốc có những động thái tích cực bất thường trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền hàng hải.

Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, ngày 17/6 là ngày thứ 65 liên tiếp các tàu Trung Quốc bị phát hiện hoạt động tại vùng biển tiếp giáp ở ngoài khơi quần đảo Senkaku – khu vực hiện do Nhật Bản quản lý nhưng cũng là nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Sự hiện diện của 4 tàu chính phủ Trung Quốc trong ngày 17/6 đã đánh dấu đợt triển khai kéo dài nhất của Bắc Kinh kể từ khi Tokyo tuyên bố các đảo thuộc quần đảo này thuộc sở hữu của Nhật Bản hồi năm 2012.

Kỷ lục được thiết lập trước đó là đợt triển khai kéo dài 64 ngày từ tháng 4 tới tháng 6 năm ngoái. Vào ngày 8/5 vừa qua, một tàu chính phủ Trung Quốc đi vào vùng biển nơi Nhật Bản tuyên bố chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư), đồng thời bám đuôi một tàu cá Nhật Bản.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga mô tả tình hình “cực kỳ nghiêm trọng” khi trao đổi với các phóng viên hôm 17/6.

“Chúng tôi sẽ theo dõi thận trọng tình hình”, ông Suga cho biết.

Theo Nikkei Asia Review, trong khi phần lớn thế giới vẫn đang bị xao nhãng và mải miết ứng phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện tại các vùng biển tranh chấp gần nước này.

Trung Quốc đã đặt lực lượng cảnh sát biển dưới sự quản lý trực tiếp của Quân ủy Trung ương, cơ quan do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu. Các tàu lớn hơn đã được bổ sung thêm vào hạm đội của Trung Quốc, đồng thời các tàu cũng được trang bị vũ khí hiện đại hơn.

“Nhiều tàu (Trung Quốc) được trang bị pháo tự động liên tục tiến vào vùng tiếp giáp ở Senkaku”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho biết.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh các hoạt động bành trướng ở Biển Đông. Một tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của Việt Nam hồi tháng 4. Trung Quốc cũng ngang nhiên thành lập “quận đảo” Tây Sa và Nam Sa để “quản lý” trái phép quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, quân đội Trung Quốc đã triển khai trái phép các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và tên lửa tới Hoàng Sa. Ngoài ra, các tháp kiểm soát và thiết bị radar cũng được Trung Quốc triển khai phi pháp tại Trường Sa. Các đá Chữ Thập, đá Xubi, đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa đều có các cảng do Trung Quốc ngang nhiên xây dựng để tiếp nhận các tàu hải quân.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hồi tháng 4 đã đi qua khu vực đảo Okinawa và Miyakojima của Nhật Bản. Tàu này đã đi vào phía bắc biển Hoa Đông sau khi tham gia cuộc diễn tập hải quân ở Biển Đông.

“Khu vực này tạm thời ở trong bối cảnh nằm dưới tầm ảnh hưởng của một tàu sân bay Trung Quốc”, Toshiyuki Ito, giáo sư tại Viện Công nghệ Kanazawa và là cựu phó đô đốc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, nhận định.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng thực thi chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập nhằm đối phó với các tàu sân bay Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan hoặc Biển Đông.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh

Tàu hải cảnh tuần tra của Nhật Bản chạm trán tàu cá Trung Quốc tại vùng biển phía bắc đảo Uotsurijima thuộc quần đảo Senkaku. (Ảnh: Stripes)
Chiến lược của Mỹ nhằm duy trì quyền đi lại tự do trong khu vực gần đạt đến giới hạn. Trong khi đó, Patrick Cronin, chủ tịch phụ trách an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Hudson, cho rằng tham vọng của Trung Quốc đang tiến gần đến ngưỡng không thể quay đầu.

Trung Quốc bị cáo buộc lợi dụng tình hình dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu như một cơ hội để tăng cường các hoạt động khẳng định chủ quyền. Tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ phải neo đậu ở đảo Guam suốt 2 tháng cho tới khi quay trở lại khu vực vào cuối tháng 5, sau khi hơn 1.000 trong số gần 4.900 thành viên thủy thủ đoàn bị phát hiện dương tính với Covid-19.

Trong báo cáo gửi Quốc hội Mỹ hồi tháng 5, Nhà Trắng chỉ trích Trung Quốc đi ngược lại những tuyên bố và coi thường những cam kết của nước này với các quốc gia láng giềng khi thực hiện các hoạt động “quân sự và bán quân sự mang tính khiêu khích và cưỡng ép tại biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Biển Đông, Đài Loan và các vùng biển tiếp giáp Trung Quốc – Ấn Độ”.

Mỹ và Australia đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung tại Biển Đông hồi tháng 4 trong một nỗ lực nhằm ủng hộ Malaysia. Trước đó, các tàu Trung Quốc đã đi qua khu vực này và phô diễn sức mạnh trước các tàu thăm dò của Malaysia để gây sức ép.

Nhật Bản và Ấn Độ cũng lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên có sự tham gia của máy bay chiến đấu.

Tập trận đa phương RIMPAC thường niên do Mỹ dẫn đầu sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới, mặc dù có một số lo ngại rằng sự kiện này sẽ bị hủy do dịch Covid-19. Cuộc tập trận này sẽ là chìa khóa để lôi kéo Philippines và Indonesia – hai nước đang xích lại gần hơn về phía Trung Quốc.

Các hành động khiêu khích của Trung Quốc cũng là phép thử cho mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh.

Reuters dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 15/6 cho biết nước này đã quyết định dừng kế hoạch triển khai 2 hệ thống phòng thủ tên lửa phiên bản mặt đất Aegis của Mỹ. Nhật Bản đã đầu tư 1,7 tỷ USD vào dự án vũ khí đắt đỏ này, nhưng vẫn dừng triển khai vì lo ngại vấn đề an toàn cho cộng đồng dân cư ở gần nơi lắp đặt các hệ thống.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể coi động thái trên của Nhật Bản là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ giữa hai đồng minh lâu năm.

Thành Đạt

Tổng hợp

SHARE