Đi camping hay du lịch nhất định phải thuộc lòng những kỹ năng sơ cứu này

13

Nhiều người chỉ quan tâm đến chuyện đi camping mang gì, đi camping ăn gì, đi camping mặc gì… mà quên mất một số kỹ năng sơ cứu quan trọng thường phải dùng đến khi đi cắm trại.

Khi đi camping, chúng ta thường chọn những khu vực rừng núi thanh vắng, có sông suối, có hồ sâu… Do đó có thể xảy ra hiện tượng đuối nước đối với những ai muốn bơi lội, tắm táp ở những khu vực này. Chưa kể, trẻ nhỏ khi đi camping cùng bố mẹ có thể tò mò, nghịch ngợm, dẫn đến nguy cơ trượt chân rơi xuống nước.

Cắm trại cũng là hoạt động sôi nổi trong mùa hè, nguy cơ say nắng say nóng cũng là điều khó tránh. Còn chuyện bị rắn cắn khi đi dã ngoại rõ là chuyện như cơm bữa rồi. Nhưng bạn đã nắm rõ được cách sơ cứu đúng trong những trường hợp này?

Sơ cứu đuối nước

Với trẻ nhỏ

– Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách, đặt nạn nhân ở nơi thoáng khí và được giữ ấm.

– Lay gọi trẻ. Nếu trẻ không đáp ứng hoặc quan sát lồng ngực thấy không di động thì có nghĩa là trẻ đã ngừng thở. Lúc này, bạn cần nhanh chóng hô hấp nhân tạo cho trẻ.

Cách hô hấp nhân tạo thực hiện như sau: Đặt trẻ nằm ưỡn cổ, nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hoặc khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở mũi, miệng. Tiếp đó, người cấp cứu thực hiện hà hơi, thổi ngạt.

– Thực hiện ép tim ngoài lồng ngực trong trường hợp nếu sau 5 lần hà hơi, thổi ngạt mà tim trẻ vẫn ngừng đập. Ép tim, thổi ngạt nên làm 5-10 phút. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, mỗi lần 3 giây.

Cách thực hiện ép tim ngoài lồng ngực như sau: Ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa xương dưới ức phối hợp thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2, tức là sau 30 lần ấn tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Nếu cùng lúc có 2 người cấp cứu thì thực hiện theo tỉ lệ 15:1.

– Sau khi tỉnh, trẻ sẽ nôn ra nhiều nước, lúc này bạn cần đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối 2 bên vai, nới rộng quần áo để tránh ngạt thở.

– Chuyển đến cơ sở y tế để thăm khám lại ngay cả khi trẻ có vẻ hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu. Trong quá trình vận chuyển cần tiếp tục các biện pháp sơ cứu nếu cần và đảm bảo sưởi ấm hoặc ủ ấm cho trẻ.

Với người lớn

– Đánh giá đường thở, hô hấp và tuần hoàn: Yêu cầu một người gọi 911 và kiểm tra ABC. Xác định xem người đó vẫn đang thở bình thường và không có vật gì cản trở đường thở. Nếu họ không thở, bắt mạch cổ tay hoặc ở phía bên cổ trong 10 giây.

– Tiến hành hồi sức tim phổi: Nếu không bắt được mạch, tiến hành hồi sức tim phổi. Đặt gót tay lên ngực nạn nhân hoặc đặt chồng hai tay. Ép tim 30 lần với tần số 100 lần/phút. Ấn sâu khoảng 5cm. Kiểm tra xem nạn nhân đã bắt đầu thở chưa. Lưu ý là không được ấn vào xương sườn.

– Hỗ trợ hô hấp nếu nạn nhân không tự thở được: Bạn có thể hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân như sau: Để cổ nạn nhân ngửa và nâng cằm lên. Kẹp mũi lại, áp miệng vào miệng của nạn nhân và thực hiện 2 lần, mỗi lần 1 giây. Theo dõi để đảm bảo ngực nạn nhân vẫn nở ra bình thường. Hô hấp nhân tạo 2 lần sau 30 lần ép tim.

– Tiếp tục thực hiện việc đó đến khi nạn nhân tự thở hoặc được cấp cứu.

Chuyên gia đặc biệt khuyến cáo, sau khi cấp cứu ban đầu do đuối nước, kể cả thở được, dứt khoát phải đưa đến cơ sở y tế vì phù phổi cấp tổn thương sẽ xảy ra ngay sau đó khoảng vài giờ.

Sơ cứu say nắng say nóng

Đi camping là hoạt động trải nghiệm hoàn toàn ngoài trời. Cắm trại ngoài trời nên khi nằm nghỉ, tấm bạt che chắn lều trại là thứ duy nhất chống lại ánh nắng mặt trời cùng các tác nhân bên ngoài trời hiệu quả nhất. Hoạt động hầu như ngoài trời lại vào tiết trời mùa hè đâu đâu cũng nắng nóng, chúng ta có thể dễ bị say nắng say nóng hơn.

Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (nguyên Chủ tịch Hội đồng y Ba Đình, Hà Nội), những biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian. Có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút… và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.

Ngay khi phát hiện một người có biểu hiện say nắng say nóng cần nhanh chóng sơ cứu theo các bước sau:

– Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.

– Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

– Tại các trung tâm y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác.

Sơ cứu khi bị rắn cắn

Trong thế giới bên ngoài muôn màu hoa lá chim muông khi đi camping, rắn là động vật khiến nhiều người cảm thấy e dè nhất. Không còn gì kinh hãi hơn nếu bị rắn cắn khi đi cắm trại. Rắn nước đã thấy sợ, chẳng may là rắn độc cắn thì còn đáng sợ gấp bội phần vì liên quan đến tính mạng của bạn.

Sơ cứu đúng cách khi bị rắn cắn là điều bạn cần nhanh chóng thực hiện ngay lúc này, theo PGS.TS Phạm Duệ (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai):

– Ngay khi phát hiện có người bị rắn độc cắn, bạn cần bình tĩnh để trấn an người bệnh, giúp người bệnh bình tĩnh nhất có thể.

– Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

– Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).

– Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

– Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,…) cố định chân, tay bị cắn. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

– Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới vòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.

– Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay…). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.

– Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế, đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân…

Chú ý: Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24 – 48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

SHARE