Nhiều Nghị sĩ Úc cho rằng Chính phủ cần có những biện pháp khẩn trương để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do dịch Covid-19.
Trong phiên họp Quốc hội Úc hôm thứ Ba 15/9, một nhóm nghị sĩ đã khuyến nghị Chính phủ “khẩn trương” thiết lập một chương trình hỗ trợ cho các học sinh lớp 12 và sinh viên đại học, giúp họ có “một năm ở nhà” để tích lũy tài chính, nhằm đảm bảo việc học khi các lệnh giãn cách xã hội được bãi bỏ hoàn toàn, và sinh hoạt trở lại bình thường vào năm sau.
Biện pháp được các nghị sĩ đưa ra là chuyển những học sinh, sinh viên này về các trang trại ở vùng nông thôn. Nhiều thành viên Chính phủ ủng hộ đề xuất này, trong đó có Kristina Keneally – nghị sĩ Đảng Lao động. Bà còn khuyến nghị, chính sách hỗ trợ nên được mở rộng cho cả những người tị nạn. Họ sẽ được cấp thủ tục cư trú ngắn hạn để có thể làm việc thời vụ trong các trang trại. Một số nghị sĩ như Julian Hill (Đảng Lao động), Damian Drum (Đảng Quốc gia), John Alexander (Đảng Tự do) cũng ủng hộ ý tưởng này.
Các nghị sĩ Úc kêu gọi Chính phủ nước này tận dụng lực lượng lao động nhàn rỗi như học sinh, sinh viên, người tị nạn để sử dụng trong nông nghiệp. Ảnh: Getty.
Trước đó, Úc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lao động do hậu quả của dịch Covid-19. Số lượng người đi làm trong giai đoạn giãn cách xã hội ở đất nước này đã giảm một nửa, từ 140.000 xuống 70.000 trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2020.
Theo Nghị sĩ Đảng Tự do Julian Leeser, những người làm việc tại các nông trang có thể nhận hai nguồn hỗ trợ nếu đi làm giai đoạn này. Một là khoản thanh toán để trang trải lập tức sinh hoạt phí. Hai là được giảm các khoản nợ trong ngân hàng, với mức độ tùy thuộc vào hồ sơ tài chính cũng như khả năng thanh khoản của từng cá nhân.
“Người làm công cần cảm thấy họ nhận được khoản tiền xứng đáng với những gì đã bỏ ra”, Leeser nhấn mạnh.
Hội đồng Người tị nạn Úc cho biết, hiện có khoảng 17.000 người có visa bảo vệ tạm thời (TPV) hoặc visa doanh nghiệp trú ẩn an toàn (Shev), và bày tỏ, những lao động này – chủ yếu là giới học sinh, sinh viên – “có thể lấp đầy tình trạng thiếu hụt nhân lực trên khắp Úc”. Nghị sĩ Alexander tin đây là “ý tưởng hợp lý”. Còn Nghị sĩ Drum kêu gọi “một cái nhìn chân thực, khách quan” với đề xuất này.
Úc là quốc gia có nhiều học sinh, sinh viên du học nhờ chi phí dễ chịu so với mặt bằng chung của các nước phương Tây. Khi dịch hoàn hành hồi tháng 3, Chính phủ nước này đã tài trợ một phần ngân sách cho các du học sinh để họ yên tâm cách ly.
Tuy nhiên, phần đông du học sinh chọn cách về nước trước khi lệnh giãn cách xã hội được ban hành, khiến những ngành hàng như dịch vụ, bán hàng ở nước này bị đóng băng vì thiếu cả người làm lẫn sức mua.
Tỷ trọng nông nghiệp chỉ góp khoảng 4% GDP Úc, theo số liệu công bố năm 2016, nhưng đòi hỏi nhân công thường xuyên, nhất là khi vào vụ. Úc là nước xuất khẩu lớn các chế phẩm nông nghiệp, đặc biệt là mì và len. Ngành này cũng mang tới những công việc không đòi hỏi tay nghề nhưng thu nhập hấp dẫn như hái quả, đóng gói bao bì.
Bởi vậy, các nghị sĩ Úc cho rằng nếu giới học sinh, sinh viên chấp nhận đóng góp cho kinh tế quốc gia, họ được ưu tiên trên con đường cấp visa thường trú.
Nghị sĩ Keneally khẳng định, bà “đặc biệt quan tâm” tới lực lượng lao động mới này. Bà nói với Guardian: “Với các biện pháp bảo vệ phù hợp để ngăn chặn sự bóc lột mà chúng ta từng gặp trong các chương trình visa du lịch, cả nông dân lẫn người tị nạn đều hưởng lợi khi chính sách đi vào cuộc sống. Vấn đề giờ là cụ thể hóa những ý tưởng và đưa vào thực tế”.
Theo một cuộc khảo sát đang được thực hiện bởi Hội đồng Người tị nạn, 81% người có visa tạm thời cam kết sẵn sàng làm việc tại mọi khu vực ở Úc, kể cả trang trại hoặc việc đồng áng nặng nhọc, nếu được cam kết có visa vĩnh viễn trong vòng một năm.
Cũng theo tổ chức này, hàng nghìn người đang tị nạn thực sự tại Úc và có visa tạm thời. Tuy nhiên, họ chưa được cấm visa thường trú trong nhiều năm.
Những phản hồi tích cực từ giời chức Úc và người dân đang ở tại Úc khiến Nghị sĩ Hill vui mừng.
Ông đánh giá quan hệ hợp tác mới giúp “đôi bên cùng có lợi” và chia sẻ: “Với tư cách Nghị sĩ Đảng Lao động, tôi cho rằng những người đang có TPV và Shev nên được cấp visa thường trú. Trong lúc chờ quyết định chính thức từ Chính phủ, tôi tin ý tưởng này rất đáng để khám phá. Nó mang lại nhiều nguồn lợi cho nông nghiệp Úc”.
Thượng nghị sĩ Greens và phát ngôn viên phụ trách việc nhập cư Úc Nick McKim cho rằng môi trường làm việc tại các nông trang nên được giới hạn và “không quá nặng nhọc”.
McKim nói: “Chúng tôi lo ngại những người có visa bảo hộ sẽ lách vào kẽ hở của quy định mới. Nếu ai trong diện đó, họ nên hướng tới việc cấp visa vĩnh viễn. Tuy nhiên, quá trình ấy đòi hỏi thời gian. Trong ngắn hạn, Chính phủ cần có những bù đắp sau dịch, mà trước mắt là việc không ràng buộc thủ tục cấp visa với những công việc nặng nhọc. Lao động trong thời gian này cần được tận dụng tối đa”.
Hill, Alexander, Drum và McKim đều nằm trong ủy ban thường trực về di cư. Họ cùng viết báo cáo tạm thời về tình trạng thiếu hụt lao động ở Úc, nhưng chưa đưa ra khuyến nghị về đề xuất cấp visa tạm thời.
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Úc cho biết, sẽ “xem xét các đề xuất của cuộc điều tra” và nói thêm: “Chính phủ đã nỗ lực giúp người lao động làm việc trong thời gian giãn cách xã hội, và xem xét giúp họ ở lại thêm 12 tháng nếu chấp nhận dấn thân vào các công việc ở nông trại”.
Theo Nông nghiệp