“Giá trị Úc” là gì – Vì sao muốn nhập tịch Úc, người Việt nên tìm hiểu và am hiểu ‘nghĩa’ từ này

11

Người ta nhắc nhiều đến “Giá trị Úc – Australian values” những ngày lưỡng viện quốc hội tranh cãi về Luật quốc tịch. Vậy hỡi những công dân Úc gốc Việt và những người đang làm mọi cách để có được quốc tịch Úc, các anh chị hiểu “Giá trị Úc” là gì?

Hổm rày các vị dân biểu, nghị sĩ ở Quốc hội Liên bang Úc cãi nhau ỏm tỏi về Dự luật Tu chính Luật quốc tịch. Dự luật này đề ra nhiều cải cách quan trọng, trong đó đặt định các điều kiện gắt gao hơn cho các thường trú nhân muốn trở thành công dân của xứ kangaroo.

Một số điểm chính được nhắc đến trong dự luật này là: thời hạn chờ đợi của một thường trú nhân được nhập tịch Úc kéo dài thêm (từ 1 năm đến 4 năm), trình độ Anh ngữ được nâng lên (đến 7 điểm trong cuộc thi “ai-eo” IELTS), lý lịch hạnh kiểm tốt (không có tiền án về hình sự hoặc các tội danh liên quan đến khủng bố) và cam kết tuân thủ những giá trị Úc.

Cuộc tranh luận chưa đến đầu đến đũa thì Quốc hội đã kết thúc kỳ họp để các ông bà dân cử trở về nhà nghỉ đông và Tu chính luật đó cũng trùm mền chờ đến xuân sang.

Lúc đầu, tui cũng chỉ nghe loáng thoáng rồi bỏ ngoài tai nhưng bỗng giật mình nghĩ lại. Ủa, chuyện này có liên quan đến mình mà. Dẫu gì, tui cũng là công dân Úc – hạng nào thì chưa biết – có chứng chỉ công dân đàng hoàng. Không khéo, nếu mình không đáp ứng “giá trị Úc” như các ông bà đại diện dân cử ở cơ quan lập pháp cao nhất nước ấy định nghĩa thì… sao đây? Bởi vậy, nhân cơ hội Quốc hội đang xả nhiệt, tui góp thử vài lời bàn xem có thấu tai họ không…

Trong khi các đề nghị về thời hạn chờ đợi, trình độ Anh ngữ hoặc lý lịch hạnh kiểm đều là những điểm cụ thể có thể xét định được, nhưng dường như nhiều người không “nhất trí” với nhau về khoản “giá trị Úc”. Ngay cả Thủ tướng Malcolm Turnbull và thủ lãnh đối lập Bill Shorten cũng đưa ra những định nghĩa cách xa nhau… cả cây số.

Nói túm, nó là một sự thẩm định về tính cách hoặc phẩm chất được thừa nhận như những tiêu chuẩn – vật chất lẫn tinh thần – về cách giao tiếp và ứng xử của cá nhân hoặc của cộng đồng. 

Giá trị là một khái niệm rất chủ quan và chung chung. Nói túm, nó là một sự thẩm định về tính cách hoặc phẩm chất được thừa nhận như những tiêu chuẩn – vật chất lẫn tinh thần – về cách giao tiếp và ứng xử của cá nhân hoặc của cộng đồng. Giá trị theo cách nhìn của bạn chưa hẳn là giá trị của tôi và giá trị của nước này không đương nhiên trở thành giá trị của nước khác. Tranh luận chuyện đó mà găng lên, cứ “cái gì của tôi mới là đúng” thì đôi khi rất… dễ xa nhau.

Tuy nhiên, giá trị Úc có một ý nghĩa cụ thể hơn: nó là những quy tắc được số đông dân chúng tán thành và tuân thủ. Nếu không chấp nhận các quy tắc đó, bạn không phải “phe ta” và vì vậy, bạn sẽ không được nhập tịch, điều mà nhiều vị làm luật coi như là một “đặc ân” (privilege) chứ không phải là một “quyền lợi” (right).

Nhưng nội dung đặc trưng của giá trị Úc là gì?

Dân thường như tui – và có lẽ cũng có khá nhiều người Úc khác – chưa có dịp đọc chi tiết trong Dự luật này, nhưng qua những lời phát biểu của Thủ tướng Malcolm Turnbull người ta hiểu đại khái rằng muốn trở thành công dân Úc, các thường trú nhân phải cam kết và chứng tỏ lòng yêu nước, trung thành với Hiến pháp, nỗ lực hội nhập vào cuộc sống chung và không làm điều gì xâm hại đến an ninh quốc gia.

Ô hay, nước nào mà không quy định như vậy trong Luật quốc tịch của họ. Thậm chí, Hiến pháp nhiều nước còn có những điều kiện bắt buộc ngặt nghèo hơn và còn áp dụng cả án tử hình nếu vi phạm các điều ấy.

Lãnh tụ đối lập Bill Shorten cũng đưa ra tiêu chuẩn khác về giá trị Úc: sự đối xử công bằng và bình đẳng về cơ hội việc làm, giáo dục, phái tính… tôn trọng sự khác biệt về quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, chính trị v.v…

Cũng… ô hay, Hiến chương Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã chẳng nói đến những chuyện đó sao? Úc là một quốc gia thành viên ký kết vào văn kiện quan trọng này rồi mà.

Rốt cuộc, tui vẫn lùng bùng về những định nghĩa này vì không “nắm” được ý của các tác giả Tu chính luật về những giá trị đặc trưng của Úc nên bạo phổi đưa ra một “phản đề” khác: Thế nào không phải là một người Úc!

Nhớ lại hồi mới qua Úc, tôi học được một chữ mà tra mãi trong tự điển không thấy: Un-Australian (phản lại tính cách Úc). Bạn lái xe và thấy cảnh sát kiểm tra giao thông ở đoạn đường vừa đi qua thì phải nhá đèn báo hiệu cho dòng xe chạy ngược chiều để họ giảm tốc độ, thế mới là… người Úc! Bạn sẵn sàng “giữa đường thấy chuyện bất bình ra tay” để giúp đỡ hoặc cứu nguy cho người lâm nạn, thế mới là người Úc! Bạn vỗ tay hoan hô chiến thắng của đội bóng đối thủ trong một trận tranh tài thể thao sòng phẳng, thế mới là người Úc! Bạn cãi nhau chí chóe với đồng nghiệp hoặc đối tác làm ăn trong công việc nhưng sau đó lại khoác vai nhau vào quán bia như một người bạn, thế mới là người Úc!

Và như thế, bạn mới được coi là một “True blue Aussie” (người Úc thứ thiệt).

Bạn lái xe và thấy cảnh sát kiểm tra giao thông ở đoạn đường vừa đi qua thì phải nhá đèn báo hiệu cho dòng xe chạy ngược chiều để họ giảm tốc độ, thế mới là… người Úc! 

Tuy những thí dụ như vậy không đủ tính khái quát và có lẽ cũng không phải là quan trọng dưới mắt của những người làm luật nhưng nó biểu lộ nét đặc trưng của tính cách Úc. Để xác định bản sắc của một quốc gia, trước tiên người ta phải biết người dân mình là ai, phong thái và cách sống của họ thế nào.

Không ai phủ nhận những định nghĩa của các ông Turnbull và Shorten đưa ra nhưng đó là những giá trị phổ quát chứ không riêng gì của Úc. Nếu có chút gì “true blue Aussie” thêm vào đó, hẳn nhiều người Úc sẽ cảm thấy họ được “thuộc về” (belong) đất nước này và hãnh diện với quốc tịch của mình.

Ba xu góp ý của tui là vậy, xin miễn trả bằng thẻ mua chịu!

 

Theo Đài SBS

 

SHARE