5 doanh nghiệp tại Mỹ đang chờ được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 – gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam, theo Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO).
ST25 là giống gạo Việt Nam ngon nhất thế giới năm 2019, do kỹ sư Hồ Quang Cua nghiên cứu và lai tạo. Đến năm 2020, gạo ST25 tiếp tục được đạt giải nhì trong cuộc thi gạo ngon này.
Từ năm ngoái, các doanh nghiệp có trụ sở ở California, Mỹ đã đăng ký và đang trong giai đoạn chờ để được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại nước này.
Thứ nhất là nhãn hiệu “The world’s best rice gao thom ST25 dac san Soc Trang ngon nhat the gioi 100% tu nhien khong beo phi – khong tieu duong”, đăng ký ngày 22/10.
Nhãn hiệu thứ hai và ba chờ đăng ký trên trang USPTO đều tên ST25 do 2 đơn vị là I&T enterprise, Inc. Corporation và TTM International Inc. Corporation đăng ký lần lượt vào ngày 18/6 và 10/8.
Nhãn hiệu thứ tư và năm do Transworld Foods, Inc. Corporation đăng ký gồm “No.1 Vietnam ST25 rice the world’s best rice” và “Vietnam’s ST25 rice, dac san Soc Trang” đăng ký ngày 31/7 và 1/9. Trong đó, nhãn “No.1 Vietnam ST25 rice the world’s best rice” được mô tả thiết kế là hình hai bông lúa cách điệu với chữ No.1 ở phía trên, bên phải có dòng chữ Vietnam’s ST25 the wold’s best rice.
Việc bảo hộ thương hiệu hàm nghĩa một doanh nghiệp đã đăng ký sở hữu nhãn hiệu đó, các doanh nghiệp khác không được đăng ký trùng lắp. Như vậy, nếu 5 doanh nghiệp tại Mỹ thành công, phía ông Hồ Quang Cua và một số doanh nghiệp Việt Nam khác đang bán gạo ST25, sẽ không được sử dụng các cụm từ như gạo ST25 ngon nhất thế giới.
Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống gạo ST25. Ảnh: HM.
Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết hiện phía ông Hồ Quang Cua vẫn còn có khả năng xử lý vấn đề này.
“5 doanh nghiệp kia dù đã đăng ký, phía Mỹ vẫn trong thời gian xét duyệt, chưa cấp giấy phép thương hiệu”, ông nói. Theo ông, thường USPTO sẽ mất khoảng 6 tháng để xét duyệt, nếu quá thời gian này mà không có khiếu kiện, cơ quan này sẽ cấp bảo hộ thương hiệu.
Phía Bộ Công Thương đã tư vấn cho doanh nghiệp ông Hồ Quang Cua để đăng ký thương hiệu ở Mỹ. “Ông Cua cần chứng minh mình là sở hữu của thương hiệu đó, ví dụ là người nghiên cứu, tạo ra giống gạo này, đưa đi thi và có giải gạo ngon nhất thế giới”.
Do hiện các hồ sơ của doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu ST25 tại Mỹ đang trong quá trình được xem xét, nên theo ông Vũ Bá Phú, thương hiệu gạo ST25 “chưa bị mất tại Mỹ”. Nhưng nếu thời gian tới doanh nghiệp sở hữu thương hiệu gạo này không có động thái kịp thời, khiếu nại với cơ quan cấp đăng ký nhãn hiệu của Mỹ thì có thể thương hiệu gạo này sẽ bị mất. Trường hợp doanh nghiệp Mỹ được cấp chứng nhận thương hiệu ST25 tại thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ dưới mác nhãn hiệu ST25.
Ảnh chụp màn hình của USPTO.
Một chuyên gia về sở hữu trí tuệ cho biết trong luật có quy định chống lại “bad faith” – không trung thực. Đây chính là hành vi đăng ký nhãn hiệu với mục đích ăn theo một nhãn hiệu có tiếng, hay mục đích đi trước nhằm trục lợi từ việc đăng ký nhãn hiệu để bán lại, hay đăng ký với mục đích không phù hợp, hoặc không để sử dụng. Do đó, nếu phía ông Cua khiếu nại thành công, các nhãn hiệu đăng ký ở Mỹ có thể sẽ bị bác bỏ.
“Như vậy, vẫn có một cơ hội để lật lại thế cờ dù không chắc chắn 100%. Doanh nghiệp sẽ phải hành động sớm và chấp nhận tốn kém cả thời gian, chi phí”, người này cho biết.
Tuy nhiên, ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí (doanh nghiệp tư nhân do con trai kỹ sư Hồ Quang Cua làm chủ, ông Hồ Quang Cua là cố vấn) cho biết, doanh nghiệp không được độc quyền về gạo, mà chỉ sở hữu giống lúa ST25. Gia đình nhà ông chuyên cung cấp lúa giống, bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, các đơn vị khác mua giống, trồng và cung cấp ra thị trường với nhãn hiệu ST25 gắn với tên doanh nghiệp. Việc đăng ký nhãn hiệu trong vụ việc lần này, liên quan đến dấu hiệu nhận biết của hàng hoá, không phải sở hữu về gạo.
Cơ bản, các doanh nghiệp Mỹ nếu mua giống gạo của ông Hồ Quang Cua, trồng và thu hoạch, đấy vẫn là gạo ST25.
Bảo vệ thương hiệu chính là bảo vệ giá trị cạnh tranh của chính doanh nghiệp. Vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo, tất cả doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu cần xây dựng chiến lược xuất khẩu bài bản, trong đó có đăng ký bảo hộ sản phẩm sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. “Doanh nghiệp cần nhận thức và chủ động trong đăng ký bảo hộ sở hữu thương hiệu của mình trên một số thị trường xuất khẩu trọng điểm”, Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nói.
Theo Vnexpress