Chuẩn bị trước được 8 điều này, cuộc sống về hưu của bạn sẽ không nghèo, không bệnh tật và không buồn chán!

11

Nửa đời đầu tiên của mỗi người là làm việc chăm chỉ vì gia đình và tương lai. Còn nửa đời sau, tức là cuộc sống về hưu, chính là để sống cho bản thân mình.

Shi Shenghui (1960) là một nhà đầu tư toàn thời gian, tác giả của nhiều cuốn sách về quản lý tài chính nổi tiếng.

Ông cho rằng, nửa đời đầu tiên của mỗi người là làm việc chăm chỉ vì gia đình và tương lai. Còn nửa đời sau, tức là cuộc sống về hưu, chính là để sống cho bản thân mình.

Theo Shi Shenghui, để cuộc sống về hưu không nghèo, không bệnh tật và không buồn chán, mỗi người cần chuẩn bị trước 8 điều sau đây:

1. Sức khỏe

Để cuộc sống về hưu được khỏe mạnh, giảm thiểu bệnh tật đến mức tối đa thì ngay từ bây giờ bạn phải biết chăm sóc sức khỏe bản thân.

Hãy tập thể dục đều đặn rèn luyện sức khỏe, ăn uống điều độ, làm việc và sinh hoạt khoa học. Duy trì một cơ thể khỏe mạnh khi còn trẻ là nền tảng cho cuộc sống về già ít đau ốm.

2. Lập kế hoạch tài chính

Đây gần như là điều mọi người lo lắng nhất, chỉ sợ không chuẩn bị đủ tiền để nghỉ hưu. Nguồn tài chính mà nhiều người khi nghỉ hưu dựa vào thường được phân thứ tự như sau: lương hưu, chu cấp của con cái và khoản tiết kiệm riêng của bản thân.

Thế nhưng trình tự này lại khá nguy hiểm. Lương hưu thì ít ỏi, con cái chưa chắc đã hiếu thảo với bạn hoặc đủ khả năng tài chính chăm sóc cha mẹ. Dựa vào bản thân mới là cách làm khôn ngoan và an toàn nhất.

Ngay từ khi còn trẻ, bạn phải lập các kế hoạch tài chính, tăng cường đầu tư và tích lũy sao cho quỹ tiết kiệm để nghỉ hưu tăng cao. Đưa nó lên là nguồn tiền chính để dựa vào khi về hưu. Có như vậy mới đáp ứng được tiêu chí cuộc sống về hưu không nghèo.

3. Nhà ở

Rõ ràng rồi, có được một căn nhà của riêng mình khiến cuộc sống về hưu của bạn thoải mái, tự do tự tại. Không cần nương nhờ con cái, bạn có thể sống trong căn nhà của mình và làm mọi điều mình thích!

Ảnh minh họa

4. Chuyên môn thứ hai

Ngay từ bây giờ, bên cạnh công việc chính, bạn có thể học tập thêm chuyên môn thứ 2 thậm chí là thứ 3 càng sớm càng tốt. Điều đó giúp bạn chuyển đổi công việc để lùi thời gian nghỉ hưu nếu thích. Hoặc có công việc làm thêm sau khi đã về hưu. Cuộc sống vừa đỡ nhàm chán khi bạn vẫn còn năng lượng làm việc, mà quỹ tiết kiệm hưu trí cũng được tăng lên.

5. Sắp xếp thời gian giải trí

Ngoài sức khỏe, nhà ở và tiền bạc, bạn cần lên các kế hoạch giải trí để nâng cao chất lượng cuộc sống tuổi già. Đi du lịch là một gợi ý tuyệt vời dành cho bạn khi về hưu. Hãy gạch đầu dòng sẵn những nơi bạn muốn thăm thú và khám phá khi về hưu ngay từ bây giờ, chắc chắn cuộc sống về hưu của bạn sẽ rất phong phú và vui vẻ.

6. Điều chỉnh tâm lý

Đây là vấn đề dễ gặp ở nhiều người sau khi rời khỏi nơi làm việc. Họ cảm thấy khó khăn trong việc khẳng định bản thân, không còn được trải nghiệm cảm giác thành tựu khi hoàn thành công việc khó khăn nào đó. Và việc đánh mất cơ hội khẳng định bản thân ấy thật sự là khủng hoảng đối với nhiều người.

Do đó, bạn phải chuẩn bị tốt tâm lý cho bản thân từ trước, sẵn sàng chấp nhận, đối mặt và thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống.

7. Các mối quan hệ xã hội

Người cao tuổi rất dễ rơi vào cuộc sống lạc lõng với thế giới bên ngoài. Người già vẫn cần những buổi tụ họp bạn bè chẳng khác gì người trẻ. Có những người bạn chung sở thích, quan điểm sẽ giúp những ngày tháng về hưu của bạn đỡ nhàm chán đi rất nhiều.

8. Quan hệ gia đình

Thời điểm này đa số con cái đã trưởng thành và có cuộc sống riêng. Về người bạn đời, nhiều người đã không còn chồng/vợ bên cạnh hoặc tình cảm vợ chồng trở nên nhạt nhẽo. Các mối quan hệ gia đình có lẽ không đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống về hưu của bạn nữa.

Chính vì thế bạn phải chuẩn bị trước tâm lý độc lập, không dựa dẫm vào con cái, đồng thời cũng không trông đợi quá nhiều ở người bạn đời. Chỉ khi tự lập được về mặt tình cảm, cảm xúc thì bạn mới không cảm thấy lạc lõng và cô đơn khi về hưu.

Theo: storm

SHARE