Donald Trump tung thêm tiền, Mỹ trước thời điểm bùng nổ

77

Nền kinh tế Mỹ ghi nhận những tín hiệu tích cực, trong khi tổng thống Donald Trump đề xuất thêm gói kích thích mới. TTCK Mỹ bùng nổ, còn thế giới thận trọng với những diễn biến dịch bệnh Covid xấu tại Trung Quốc.

Donald Trump đón tin vui

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) ghi nhận một phiên bứt phá mạnh mẽ sau khi Chính phủ Mỹ báo cáo doanh số bán lẻ tăng trong tháng 5 kỷ lục 17,7%, cao gấp hơn 2 lần so với dự báo tăng 7,7% theo một thăm dò trước đó. Tổng thổng Trump ngay lập cho rằng đây là một ngày “trọng đại cho TTCK và việc làm”.

Doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng ở mức cao chưa từng có sau khi tụt giảm trong 2 tháng trước đó do đại dịch Covid-19 khiến nước Mỹ phải đóng cửa nền kinh tế để chống lại sự lây lan của SARS-CoV-2.

Đây là một tín hiệu tích cực, khiến giới quan sát thị trường bắt đầu nghĩ về một kịch bản hồi phục tươi sáng hơn cho nền kinh tế số 1 thế giới theo hình chữ V, thay vì theo hình chữ W, hay theo biểu tượng của hãng thể thao Nike.

Sức cầu luôn là yếu tố quyết định đến sự hồi phục của một nền kinh tế sau khủng hoảng. Các bang của Mỹ đã mở cửa trở lại, giúp nhiều cổ phiếu tăng mạnh như nhóm hàng không, du lịch,…

Ông Trump hào hứng với thông tin về doanh số bán lẻ tăng kỷ lục.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt hơn 525 điểm lên gần 26,2 ngàn điểm. Các chỉ số tầm rộng S&P 600 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng mạnh, với 3 phiên tăng liên tiếp.

Trong phiên liền trước, chứng khoán Mỹ đã tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần đầu tiên thực hiện mua lại trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ thị trường. Nỗ lực của Fed diễn ra chỉ vài ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump lại chỉ trích NHTW Mỹ sau khi chỉ số Dow Jones có phiên mất hơn 1.800 điểm. Ông Trump cho rằng Fed thường xuyên mắc sai lầm.

Ông Trump chỉ trích Fed sau khi Chủ tịch Jerome Powell đưa ra triển vọng ảm đạm về nền kinh tế lớn nhất thế giới và cảnh báo Mỹ còn một chặng đường dài để đạt đến sự phục hồi.

Chứng khoán Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) tăng trở lại còn do giới đầu tư lạc quan sau thông tin đăng trên Bloomberg, rằng chính quyền Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho một đề xuất cơ sở hạ tầng trị giá gần 1.000 tỷ USD để khôi phục nền kinh tế số một thế giới.

Kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi nhanh

TTCK Mỹ tăng điểm còn do kết quả thử nghiệm vừa được công bố cho thấy Dexamethasone, một loại thuốc có sẵn rộng rãi, có thể giúp điều trị các bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Phương pháp điều trị này được cho sẽ làm giảm tới 1/3 số ca tử vong vì Covid-19 ở các bệnh nhân nhập viện.

Triển vọng kinh tế Mỹ lại sáng sủa hơn sau những đánh giá khá u ám của Fed.

Hàng loạt kế hoạch của chính quyền ông Trump và Fed đang giúp giới đầu tư tin tưởng vào một khả năng phục hồi nhanh của kinh tế Mỹ.

Những nỗ lực nhằm hỗ trợ nền kinh tế của chính quyền ông Trump diễn ra trong bối cảnh vị tổng thống thứ 45 của Mỹ gặp muôn vàn khó khăn, áp lực ở thời điểm bầu cử đang đến gần. Hầu hết các cuộc khảo sát quốc gia cho thấy ông Trump đang bị vượt mặt bởi ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden.

Tới thời điểm này, chưa biết chính quyền ông Trump sẽ huy động tiền ở đâu để tiếp thêm sức cho các chương trình kích thích kinh tế như kế hoạch 1.000 tỷ USD đề cập ở trên, nhất là trong bối cảnh ngân sách Mỹ thâm hụt kỷ lục. Tuy nhiên, đó cũng là một tín hiệu tốt cho thị trường.

Trên thực tế, không phải cho đến khi nước Mỹ dính đại dịch Covid-19 ông Trump mới tính tới bài toán đổ tiền vào hạ tầng. Ngay từ chiến dịch tranh cử năm 2016 và khi vào Nhà Trắng, ông Trump đã đề xuất khoản đầu tư mới lên tới 2.000 tỷ cho hạ tầng giao thông nhằm tạo ra việc làm cho người dân Mỹ, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Trước đó, ông Trump cũng có hàng loạt chính sách giảm thuế, khuyến khích đầu tư để kéo dòng tiền và việc làm về Mỹ sau nhiều thập kỷ để dòng tiền dồn về các nước khác, trong đó có Trung Quốc.

Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng từ lâu đã được coi là một biện pháp tốt để kích thích tăng trưởng, nhất là khi kinh tế bị suy thoái. Đại dịch đã khiến GDP của Mỹ trong quý 1 giảm 4,8% và dự báo giảm hàng chục phần trăm trong quý 2.

Bloomberg Economics từng dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm 37% trong quý 2, còn UniCredit tin tưởng mức giảm có thể lên tới 65%. Nhưng với những diễn biến mới, kinh tế Mỹ có thể sẽ suy giảm ở mức thấp hơn.

Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan gần đây cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong nửa sau 2020 sau khi giảm kỷ lục trong quý 2/2020. Theo ông này, GDP quý 2 của Mỹ sẽ giảm 35-40% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Dallas, nền kinh tế Mỹ có thể phục hồi nhanh hơn nếu người tiêu dùng và các doanh nghiệp có biện pháp đề phòng giúp hạn chế đà lây lan của Covid-19.

Những thông tin mới về doanh số tiêu dùng tăng kỷ lục trong tháng 5 và tín hiệu tích cực từ việc điều trị bệnh nhân Covid… đang giúp giới đầu tư tin tưởng vào một sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế số 1 thế giới. Các TTCK có thể còn tăng mạnh và lập kỷ lục mới trong một môi trường ngập tràn tiền giá rẻ. Đây cũng là một yếu tố hỗ trợ đáng kể cho ông Donald Trump giữa vòng vây áp lực.

Ở chiều ngược lại, tuyên bố thận trọng mới nhất của Fed và diễn biến xấu về dịch bệnh tại Trung Quốc khiến TTCK Mỹ cũng như thế giới có thể chùng lại. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed sẽ điều chỉnh việc mua vào trái phiếu doanh nghiệp dựa trên các điều kiện thị trường. Điều này có nghĩa Fed sẽ dừng mua nếu thị trường được cải thiện.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ đóng cửa tất cả trường học giữa lúc số ca lây nhiễm Covid-19 tăng trở lại. Giới đầu tư lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ 2 có thể bùng phát trên toàn thế giới.

M. Hà

SHARE