Bật mí 18 điều thú vị ở Melbourne mà có thể bạn chưa biết

10

 

Điều thú vị ở Melbourne luôn là những điểm gây tò mò đối với mỗi du khách, những người muốn đến, sẽ đến và thậm chí đang sống tại Melbourne – thủ phủ và là thành phố lớn nhất bang Victoria, là thành phố lớn thứ hai ở Úc sau Sydney. Ít người biết được Melbourne đã từng là thủ đô của Úc từ 1901 đến 1927. Thành phố được đặt tên theo Thủ tướng Anh, William Lamb, Tử tước Melbourne, người sống gần Melbourne ở Derbyshire, Anh. Melbourne có gốc từ Mylla Burne trong tiếng Anh cổ và có nghĩa là “Mill Stream”.

Vậy còn những điều thú vị ở Melbourne nào mà bạn chưa biết? Hãy cùng khám phá ngay sau đây.

Nội dung chính của bài viết

  • 1 1. CHỢ BI-LO / BAI-LÔ / BAI-LÂU LÀ CÁI GÌ?
  • 2 2. CỬA HÀNG NỘI THẤT FRANCO COZZO
  • 3 3. GA SOUTHERN CROSS CÓ TÊN CŨ LÀ SPENCER STREET
  • 4 4. TRONG TRƯỜNG MELBOURNE CÓ ĐƯỜNG MONASH.
  • 5 5. AUSTRALIA 108 VƯỢT QUA EUREKA THÀNH TÒA NHÀ CAO NHẤT ÚC
  • 6 6. QUẢNG TRƯỜNG CITY SQUARE ĐI ĐÂU?
  • 7 7. CARLTON KHÔNG CÒN LÀ SUBURB CỦA NGƯỜI Ý.
  • 8 8. THUẬT NGỮ CALL GIRL XUẤT PHÁT TẠI MELBOURNE
  • 9 9. GA NORTH MELBOURNE THẬT RA Ở WEST MELBOURNE
  • 10 10. NÚI DANDENONG KHÔNG PHẢI Ở DANDENONG
  • 11 11. THANG CUỐN DÀI NHẤT NAM BÁN CẦU: GA PARLIAMENT
  • 12 12. CỬA HÀNG COLES ĐẦU TIÊN: COLLINGWOOD
  • 13 13. BÀ GIÀ BÍ ẨN ĐẨY XE TROLLEY TRÊN TUYẾN CRANBOURNE / PAKENHAM
  • 14 14. BATMAN, BATMAN’S PARK VÀ BATMAN’S HILL, RỐT CUỘC LÀ AI?
  • 15 15. CỔNG CHÀO SPRINGVALE CÓ 4 NGÔN NGỮ
  • 16 16. CÁC TUYẾN PORT MELBOURNE VÀ ST KILDA TRƯỚC ĐÂY LÀ XE LỬA.
  • 17 17. CÁC PLATFORM 12, 13, 14 CỦA GA FLINDERS STREET VỐN LÀ GA KHÁC?
  • 18 18. VÌ SAO PHÍA TÂY KHÔ CẰN HƠN PHÍA ĐÔNG?

1. CHỢ BI-LO / BAI-LÔ / BAI-LÂU LÀ CÁI GÌ?

Đây là tên cũ của Thương xá Little Saigon Shopping Centre, một ngôi chợ cũ và đông vui nhất của người Việt ở Melbourne. Chợ tọa lạc ở trung tâm Footscray, đoạn mặt tiền phố Byron St và Nicholson Street. Người Việt mình đều gọi nơi đây là chợ Bai-Lô, chứ không gọi là Thương xá Little Saigon bao giờ.

Ngày 13/12/2016, một ngọn lửa lớn đã thiêu rụi ngôi chợ này. Một số tiểu thương tại đây đã dời đi nơi khác, một số thuê lại mặt bằng ở dãy shop của tòa nhà đậu xe đối diện. Khác với chợ FM hiện tại, chợ Bi-Lô luôn mở cửa 7 ngày trong tuần, kể cả lễ, Tết, Chủ nhật, Xmas… Trước khi chợ mở cửa năm 1992, tòa nhà của chợ là Bi-Lo Retail Centre, một shopping centre gồm siêu thị Bi-Lo, cùng nhiều shop nhỏ/ kiosk.

Vậy BI-LO là gì?

Bi-Lo là 1 chuỗi siêu thị bán lẻ giá rẻ do 3 anh em nhà Weeks lập ra tại Nam Úc năm 1979. Tập đoàn Coles Myer mua lại năm 1983, sau đó Bi-Lo càng ăn nên làm ra và trở lại 1 trong các hệ thống bán lẻ đứng đầu nước Úc. Vào thời hoàng kim, Bi-Lo có tới 180 cửa hàng với 13,600 nhân viên.

Từ 2006, Coles Myer bắt đầu rebrand một số Bi-Lo thành Coles. Một vài cửa hàng bị sa sút dẫn tới đóng cửa hoặc bán lại cho các siêu thị khác. Bi-Lo cuối cùng cũng đóng cửa vào năm 2017.

2. CỬA HÀNG NỘI THẤT FRANCO COZZO

Khi đi train hoặc lái xe tới Footscray, bạn có thể từng nhìn thấy Tòa nhà to đẹp ở đoạn Hopkins St và Moore St. Đây là một cửa hàng bán lẻ nội thất lớn do một nhà kinh doanh tài ba người Ý tên Franco Cozzo sáng lập. Ông tới Melbourne nhập cư đúng vào ngày 26/1/1956 (Ngày Nước Úc) khi vừa tròn 21 tuổi. Do không thông thạo tiếng Anh, ông đã chạy đi bán đồ điện gia dụng bằng cách gõ cửa từng nhà (door-to-door).

Sau vài năm, tức 1959 với số tiền kiếm được, ông hùn vốn cùng 2 người bạn mở cửa hàng nội thất ở Footscray này, rồi lần lượt mở thêm 2 chi nhánh khác ở Brunswick và North Melbourne. Các show quảng cáo cửa hàng nội thất rất hài hước và dí dỏm, đã khiến ông trở thành một ngôi sao truyền hình những năm 70-80. Với nhiều người thuộc giới trung niên ở Melbourne, ông còn là biểu tượng văn hóa, là diễn viên kỳ cựu.

Tuy nhiên sau hơn nửa thế kỷ kinh doanh & đầu tư nhiều lĩnh vực, ông đã bán dần các cửa hàng của mình. Cửa hàng Footscray đầu tiên và là biểu tượng cho sự nghiệp của ông đã được bán vào giữa tháng 6 năm 2018 với mức giá khoảng 7 triệu Úc kim.

3. GA SOUTHERN CROSS CÓ TÊN CŨ LÀ SPENCER STREET

Spencer Street là một trong hai đầu mối giao thông chính của Melbourne, cùng với ga Flinders Street. Nơi đây là nơi khởi đầu của tất cả các chuyến tàu lửa liên bang, tàu lửa V/Line và các xe đò, xe khách đi xa. Từ 2002 đến cuối 2005, nhà ga được chỉnh trang nâng cấp với mái vòm lượn sóng, hệ thống cửa hàng và sảnh concourse ở tầng trên, cùng hàng loạt các tiện ích mới. Tháng 12/2005, nhà chức trách quyết định đổi tên ga là Southern Cross.

Tuy nhiên, trong thông điệp báo chuyến tàu Metro tuyến Belgrave/Lilydale/Glen Waverley, cho tới cuối năm 2015 vẫn còn nhắc tới “Spencer Street”.

4. TRONG TRƯỜNG MELBOURNE CÓ ĐƯỜNG MONASH.

Đây là con đường đi từ trạm tram “Melbourne University” đường Swanston dẫn vào khuôn viên trường. Tướng John Monash là một kỹ sư xây dựng và là tướng lĩnh của Quân đội Úc trong Thế Chiến I. Ông sinh ra ở West Melbourne và là một học sinh tài ba thời bấy giờ. Ông tốt nghiệp Trung học vào năm 14 tuổi, sau đó học Melbourne và tốt nghiệp Master Engineering (1893), Bachelor of Arts & Law (1895), và Doctor of Engineering (1921).

Trở về Úc sau Thế Chiến, ông trở thành Phó Hiệu trưởng Đại học Melbourne năm 1923 cho tới khi ông mất (1931). Để vinh danh ông, chính phủ Úc đã cho in chân dung của ông lên một mặt tờ tiền 100 Đô, đặt tên ông cho Đại học Monash, Thành phố Monash, và đường Cao tốc Monash.

5. AUSTRALIA 108 VƯỢT QUA EUREKA THÀNH TÒA NHÀ CAO NHẤT ÚC

Đây là một trong những điều thú vị ở Melbourne có thể gây nhầm lẫn, bởi trong một thời gian dài, người ta vẫn hay nói Tháp Eureka là tòa nhà cao nhất Úc. Tòa nhà này khánh thành năm 2006, với 92 tầng gồm tầng hầm, và chiều cao 297.3m. Năm 2019, tòa nhà Australia 108 được cất nóc với chiều cao 316.7m, trở thành tòa nhà cao nhất nước Úc. Nó có 101 tầng, gồm cả tầng hầm.

6. QUẢNG TRƯỜNG CITY SQUARE ĐI ĐÂU?

City Square, chứ không phải Federation Square, mới là quảng trường đầu tiên của Melbourne. Nhằm hạn chế các thuộc địa ở xứ Úc nổi loạn / đấu tranh đòi đòi độc lập, nhà cầm quyền Anh Quốc không cho xây dựng quảng trường khi thiết lập các đô thị lớn nhỏ.

City Square được thiết kế năm 1976 và khánh thành bởi Nữ hoàng Elizabeth năm 1980. Quảng trường này những năm 1990 hứng chịu nhiều chỉ trích do thiết kế đơn điệu và cứng nhắc. Do đó, cuối những năm 90, đầu 2000, người ta đem vào nhiều tác phẩm nghệ thuật:

  • Bức tường nước tên là Mockridge Fountain (2000)
  • Con chó mặt heo tên Larry Latrobe (1992): đã bị đánh cắp mấy lần. Con hiện tại không phải là con lúc đầu làm ra.
  • Từ năm 2017, quảng trường đã bị đóng để nhường chỗ cho công trình xây nhà ga Town Hall của hầm Metro mới.

7. CARLTON KHÔNG CÒN LÀ SUBURB CỦA NGƯỜI Ý.

Carlton là nơi người Ý đến định cư gần thế kỷ trước, và nơi này được biết đến với con phố Lygon cùng quảng trường Piazza Italia và rất nhiều nhà hàng Ý hiện đại. Tuy nhiên, cộng đồng người Ý đã dọn đi nhiều vùng phía bắc Melbourne, bao gồm từ khoảng Brunswick đến Moonee Ponds và các suburb xa hơn như Hadfield, Greenvale, Avondale Heights và Keilor Park. Theo điều tra dân số 2016, China là nơi sinh phổ biến nhất trong số những người sống ở Carlton.

8. THUẬT NGỮ CALL GIRL XUẤT PHÁT TẠI MELBOURNE

Luật hình sự bang Victoria sửa đổi năm 1891 đưa ra quy định Phòng chống Nạn mãi dâm, trong đó cấm đoán mọi hành vi mua bán, giam giữ phụ nữ và người vị thành niên để làm hoạt động mãi dâm. Đoạn phía Tây Bắc của City, giữa các phố La Trobe, Exhibition, Spring và Lonsdale lúc bấy giờ là khu đèn đỏ nức tiếng nhất Melbourne. Để đối phó với luật này, một số động ở Melbourne đương thời đã mở dịch vụ dẫn gái mại dâm về nhà. Thuật ngữ này sau này được gọi là Call Girl. Đây là một trong những điều thú vị ở Melbourne mà đến giờ, nhiều người vẫn truyền tai nhau về một số câu chuyện thời đó,

9. GA NORTH MELBOURNE THẬT RA Ở WEST MELBOURNE

Theo bản đồ các suburb thì nhà ga này ở vùng West Melbourne, chứ không hề ở North Melbourne. Tên gọi North Melbourne là vì trước đây có tuyến tàu lửa vòng phía Bắc thành phố, đi từ ga Royal Park (tuyến Upfield) ra các suburb FItzroy, brunswick, tới Clifton Hill. Khách đi tàu lên Epping / Whittlesea và Hurstbridge thời đó phải đi tuyến này tới Clifton Hill rồi dừng, rồi mới đi tiếp đến 2 tuyến trên. Sau này hệ thống hầm và bờ đất cao trên đoạn North Richmond được mở, thì tuyến train vòng trên bị bỏ đi.

10. NÚI DANDENONG KHÔNG PHẢI Ở DANDENONG

Núi Dandenong không phải ở Dandenong hẳn nhiều người đã biết, nhưng chắc chắn cũng là một điều thú vị ở Melbourne khiến nhiều người ngạc nhiên. Dãy núi Dandenong phía đông vùng đô thị Melbourne nổi tiếng với nhiều vườn thực vật thơ mộng, các cung đường đèo nên thơ và nhiều làng du lịch cũ. Đây là nơi xuất phát của nhiều dòng suối lớn nhỏ, trong đó có suối Dandenong Creek. Nó chảy qua Thị trấn / thành phố Dandenong ở vùng Đông Nam. Sau này người ta đặt tên thị trấn ấy theo tên Suối. Thời gian trôi qua, khi người nhập cư đổ về nhiều, vùng Dandenong thành 1 suburb của Melbourne. Từ đó lên tới núi khá xa. Chúng ta không nên nhầm lẫn Núi và Suburb này.

11. THANG CUỐN DÀI NHẤT NAM BÁN CẦU: GA PARLIAMENT

Ga Parliament nằm ở phía Đông khu City và gần trụ sở các cơ quan nhà nước lớn gồm Nghị viện và các ban ngành trong Chính quyền tiểu bang. Do vùng đồi phía đông tương đối cao so với City nên các ga này nằm khá sâu. Và thang cuốn nối sảnh chính và các tầng hầm cũng dài nhất, được ghi nhận là dãy thang cuốn dài nhất Nam bán cầu.

Bởi vậy, Ga Parliament là một địa điểm mang những điều thú vị ở Melbourne lưu dấu ấn với nhiều người. Người ta đã đếm thời gian di chuyển của thang cuốn như sau: đi từ đầu thang trên đến cuối thang dưới mất tổng cộng 1 phút 25 giây. Đặc biệt, ga Parliament còn 1 quy định khá khó khăn: cấm chụp ảnh, quay phim.

12. CỬA HÀNG COLES ĐẦU TIÊN: COLLINGWOOD

Nếu có dịp đi tram qua Siêu thị Coles trên đường Smith Street bạn sẽ thấy 1 cửa hàng nhỏ cạnh bên với biển hiệu cổ có chữ “Coles Stores”. Đây chính là cửa hàng Coles đầu tiên của nước Úc. Nơi này ông Georges James Coles mở cửa hàng tạp hóa đầu tiên dưới tên gọi Coles Variety Store vào ngày 9/4/2014. Sau này ăn nên làm ra, ông mới mua lại nhiều hệ thống khác.

Năm 1958, tập đoàn này mua lại Dickens, và mở siêu thị thực phẩm đầu tiên ở Balwyn North, với tên gọi Dickins. Sau này Dickins đổi thành Coles New World, rồi Coles Supermarkets, và COLES như ngày nay.

13. BÀ GIÀ BÍ ẨN ĐẨY XE TROLLEY TRÊN TUYẾN CRANBOURNE / PAKENHAM

Điều thú vị ở Melbourne này hẳn nhiều bạn đã biết, bới nếu hay đi xe lửa tuyến Pakenham và đi ra vào ga Springvale, chắc bạn đã đôi lần gặp bà cụ này. Bà hay đi cùng chiếc xe trolley, đầu đội mũ len che cả hai tai. Lưng bà còng khá rõ. Và hẳn cũng có đôi lần bạn hay ai đó đã giúp bà nhấc xe lên tàu.

14. BATMAN, BATMAN’S PARK VÀ BATMAN’S HILL, RỐT CUỘC LÀ AI?

John Batman là một nhà chăn nuôi, thương nhân và nhà thám hiểu người Úc thời đầu thế kỷ 19. Ông cùng với John Fawkner là hai người có công khai phá, định cư và mở cõi cho Melbourne sau này. Ông sinh ra ở NSW năm 1801 rồi định cư cùng cha mẹ ở Van Demien’s Land (sau này là đảo Tasmania) và trở thành 1 doanh nhân có máu mặt trong vùng. Sau này ông lập Hiệp hội Port Phillip gồm các chủ ngân hàng, nhà chăn nuôi và chính trị gia Công ty Đông Ấn thuộc Anh. Năm 1834, họ thuê 1 chiếc tàu buồm từ cảng Launceston (TAS) vào vùng vịnh Port Phillip. Nhóm này đã đi thuyền vào sông Yarra, rồi đi bộ đến nhiều vùng ở phía Bắc và phía Tây Melbourne (Keilor, Mt Kororoit, Geelong v.v…)

Ngày 6/6/1834, ông đã ký một thỏa ước với 8 bộ lạc người thổ dân bản địa để đổi lấy 2,000 sqm đất gần sông Yarra và các khu vực quanh Geelong, Corio phía Tây vịnh. Ông và đoàn người đã tặng 8 vị tù trưởng nhiều món quà Châu Âu lạ mắt gồm chăn bông, kéo, lược, dao, kính mắt và khăn tay, thực phẩm để đổi lấy quyền định canh định cư cho mình và đoàn tùy tùng. Hiệp ước này sau này được sử gia ghi nhận là BATMAN’S TREATY, và là 1 hiệp ước đầu tiên và duy nhất của người da trắng ở châu Úc ký với thổ dân từ trước đến nay.

Sau đó ông và đoàn người quay lại Tasmania, thì được tin John Fawkner cũng chuẩn bị đi thám hiểm vùng Vịnh. Fawkner mới đầu hứa sẽ không “chạm” đến các vùng đất mà Batman đã “xí chỗ”. Không ngờ, một năm sau, tức 1835, Fawkner đã trở mặt, tổ chức đi Melbourne trước cùng đoàn người của mình trên con tàu Enterprize. Tàu này cập bến ở ngay bờ sông Yarra, đoạn gần đường King và William St, và vẫn còn dấu tích đến ngày nay. Ông và đoàn người nhanh chóng dựng nhà và chăn nuôi quanh khu bờ sông, vốn Batman đã nói là không được.

Khi Batman biết chuyện, ông và đoàn tùy tùng mới lên thuyền Rebecca đi theo sau. Khi đến nơi và nhìn thấy đoàn của Fawkner đã dựng nhà lập ấp hết cả, ông đành chấp nhận sự thật đã rồi, và “dĩ hòa vi quý” với đoàn người của Fawkner. Và cùng năm đó, Thống đốc NSW Richard Bourke phê chuẩn quyết định thành lập thị trấn mới lấy tên Melbourne.

Batman và gia đình định cư trên khu đồi cạnh đường Collins và ga Southern Cross ngày nay. Sau này khu vực này gọi là đồi Batman hay Batman’s Hill. Tên gọi này ngày nay để chỉ đoạn bãi cỏ ở góc Collins Street đối diện ga Southern Cross. Ông mất năm 1839.

Sau khi ông qua đời, nhà nước sở tại trưng dụng luôn khu đất của gia đình ông ở. Tiền bạc còn lại gần như không có bao nhiêu vì tài sản đã bán gần hết cho chuyến thám hiểm trước đó. Sau khi mất, ông được chôn tại Nghĩa trang Melbourne, ở vị trí Chợ Queen Victoria ngày nay. Sau này khi Nghĩa trang bị di dời để xây chợ, mộ phần của ông được dời về Nghĩa trang khác ở mạn phía bắc thành phố, tên là John Fawkner.

15. CỔNG CHÀO SPRINGVALE CÓ 4 NGÔN NGỮ

Cổng chào Châu Á Springvale (Springvale Asian Gateway) được khánh thành năm 2015, với nguồn kinh phí do Hội thương gia Á châu Springvale, Chính quyền tiểu bang, thành phố địa phương và nhiều nhà hảo tâm quyên tặng. Chiếc cổng được thiết kế theo kiểu cổng Chinatown này có chiều cao lên tới 12m và ngân sách đã trở thành biểu tượng văn hóa cho cộng đồng cư dân gốc Á.

Phần tên của cổng và lời chào mừng được khắc họa bằng 4 ngôn ngữ Anh-Việt-Hoa và Khmer song hành. Cũng chính là ngôn ngữ của 4 dân tộc lớn nhất trong vùng.

Quảng trường đi bộ nho nhỏ chỗ Gong Cha có tên gọi là Multicultural Place. Khi khánh thành quảng trường này năm 2012, cộng đồng người Việt địa phương đề xuất đặt tên là Saigon Square. Tuy nhiên đề xuất này đã bị Hội đồng thành phố Greater Dandenong bác bỏ, với đa số ủy viên gốc Khmer cho rằng gọi như vậy là quá thiên vị một nhóm sắc dân. Cuối cùng họ biểu quyết lấy tên Multicultural Place.

16. CÁC TUYẾN PORT MELBOURNE VÀ ST KILDA TRƯỚC ĐÂY LÀ XE LỬA.

Nếu đi dạo dọc bờ sông Yarra, đoạn Southbank gần Queensbridge St, bạn sẽ thấy cái cầu sắt to khổng lồ, bên trên có các tường kính đề thông tin về các cộng đồng nhập cư vào Victoria. Cầu này tên gọi là Sandridge Bridge, nguyên là cầu đường sắt cũ, phục vụ 2 tuyến St Kilda và Port Melbourne.

Đây là 2 tuyến đường sắt đầu tiên của tiểu bang, hoạt động từ 1857 đến 1987, chuyên phục vụ hành khách và hàng hóa. Do suy thoái của loại hình vận tải đường sắt những năm 1970-1980, hai tuyến này bị đóng lại, và thay bằng 2 tuyến tram 96 và 109 như ngày nay. Vì thế khi đi tram các tuyến này, dễ dàng nhận thấy đường ray được xây trên gờ cao, cách xa khỏi đường bộ thông thường. Nhiều nhà ga cũ nay vẫn còn tên gọi nhưng cơ sở vật chất đã bị bán hoặc cho thuê lại, như ga South Melbourne, ga St Kilda v.v..

17. CÁC PLATFORM 12, 13, 14 CỦA GA FLINDERS STREET VỐN LÀ GA KHÁC?

Nếu có dịp tới ga Flinders Street và đi tuyến tàu Sandringham, bạn sẽ phải đi tới hai platform số 12, 13. Chúng nằm dưới hầm xa xôi và phải đi bộ bằng lối xuống cầu thang riêng tách biệt. Đó là vì trước đây có một nhà ga khác tên là Princes Bridge, vốn nằm dưới khu Quảng trường Federation bây giờ. Nhà ga này chuyên phục vụ các tuyến đi phía Đông và Đông Nam. Khi đường ray được nối thông, người ta bắt đầu bỏ dần chức năng của ga Princes Bridge. Năm 1980 người ta nhập ga Princes vào Flinders, và 3 platform còn lại cũng đổi thành các platform của Flinders.

18. VÌ SAO PHÍA TÂY KHÔ CẰN HƠN PHÍA ĐÔNG?

Nếu sống ở miền Đông và Đông Nam rồi sang phía Tây Melbourne đi chơi, bạn sẽ nhận thấy khung cảnh thiên nhiên ở phía Tây khá khô và đơn điệu, với toàn đồng khô cỏ cháy. Rất nhiều người tự hỏi tại sao lại có điều thú vị này ở Melbourne. Câu trả lời bởi phần lớn trong số đó là do lượng mưa ở phía Tây khá thấp.

Theo Bản đồ lượng mưa phân bố toàn vùng Melbourne cho thấy, các vùng phía Tây và Tây Nam có lượng mưa chỉ từ 400-650mm/năm, thấp hơn đáng kể so với các vùng màu xanh lá, xanh dương bên tay phải. Đó là vì phía Đông trung tâm thành phố có dãy núi Dandenong và vùng núi cao án ngữ. Vì vậy, gió mang ẩm từ biển phía Tây, Tây Nam tới đây ngưng tụ và giữ độ ẩm cao cho các vùng này.

Phía tây và Tây Nam đến Geelong còn 1 lý do nữa khiến nơi này không có nhiều mưa, chính bởi Dãy núi Otway. Đây là dãy núi nằm trên đường Great Ocean Road. Nếu có đi du lịch Apollo Bay đến 12 Apostles bạn chắc chắn sẽ phải đi qua dãy núi này. Đây chính là một ông lớn chắn gió ở phía Biển thổi vào. Và vì có Otway, gió mùa qua vùng này đều bị chặn lại phần lớn độ ẩm, tạo nên hiệu ứng gió phơn nóng. Khi gió phơn đến các vùng sau núi, như Geelong, Werribee và St Albans, nó không còn nhiều hơi ẩm, vì thế, lượng mưa đến được các vùng này không còn bao nhiêu.

Nguồn: Tony Vũ Travel

 

SHARE