Osin xứ người: Bưng bát cơm ngồi góc bếp, 2 hàng nước mắt chảy dài

11

 

8 năm làm thuê ở xứ người, cuộc sống của gia đình chị Hà nhanh chóng đi lên. Nhưng những đắng cay, vất vả trong suốt những năm xa chồng con, chị giữ cho riêng mình.

Tiếp chúng tôi ở khoảng sân thoáng mát cạnh căn nhà 3 tầng khang trang, chị Hà khóc cười nhớ lại quãng thời gian đi làm giúp việc ở nước ngoài. Vui buồn có cả, nhưng tựu chung lại, đồng tiền ở đâu cũng thấm đầy mồ hôi, nước mắt.

Chị Hà sang Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2003 – thời điểm mà phong trào đi xuất khẩu lao động bắt đầu rộ lên. Trước khi đi, kinh tế gia đình chị túng quẫn quanh năm.

‘Hai vợ chồng lấy nhau, được bố mẹ cho một túp lều tranh. Cái nhà này là cái thứ 7, cũng được mua và xây dựng sau khi tôi đã đi Đài Loan. Cứ tích cóp thêm được chút tiền là 2 vợ chồng lại chuyển chỗ ở, mua được cái nhà to đẹp hơn một chút’ – chị Hà chỉ vào căn nhà đang ở, nhớ lại.

Rửa bát đến bong tróc da tay

Ngày đó, để sang Đài Loan, chị mất 7 triệu đồng cho công ty môi giới – số tiền rất có giá thời ấy. Chị được đưa vào làm giúp việc cho một gia đình 3 thế hệ.

Chị Nguyễn Thị Hà (xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) nhớ lại những ngày tháng lao động cực nhọc ở xứ người. Ảnh: Nguyễn Thảo

Ngoài cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chị còn phải chăm em bé, người già, cộng thêm phụ giúp chủ nhà công việc ở cửa hàng ăn. Công việc vất vả gấp đôi, gấp ba các gia đình khác, nhưng chị vẫn kiên trì làm đủ 3 năm cho hết hợp đồng, nhất quyết không xin đổi chủ hay trốn ra ngoài làm. Hết 3 năm, chị về nước, rồi tiếp tục sang Cộng hoà Síp làm giúp việc trong 5 năm nữa.

‘Chẳng biết đổi chủ có khá hơn không, hay lại tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Thế nên, tôi vẫn cố gắng kiên trì làm việc cho đúng hợp đồng’- chị Hà kể.

Nhà chủ có cửa hàng ăn uống nên rửa bát là công việc hằng ngày của chị. ‘Rửa nhiều đến mức da tay tôi bong tróc hết ra’.

Mới sang, tất cả mọi thứ đều lạ lẫm với chị. Mặc dù đã học tiếng, lại là người nhanh nhẹn, tinh ý nhưng ngôn ngữ vẫn là một rào cản giữa chị và gia đình nhà chủ.

Không những thế, thời gian đầu chị còn phải ăn đói. ‘Mình nhà nông ăn nhiều, sang đấy người ta ăn ít. Đến bữa người ta nấu ít thì mình cũng phải ý tứ’.

Chủ ngồi trên, osin ngồi dưới

Gia đình chủ nhà mà chị ở cùng chỉ có 2 vợ chồng già khoảng 60 tuổi. 2 năm sau khi chị sang thì ông chủ mất, chỉ còn bà chủ.

Cứ bữa trưa (tức khoảng 3 giờ chiều) thì 2 con của bà đều về ăn cơm cùng. Nhiệm vụ của chị là lo cơm nước, dọn dẹp, làm việc nhà.

Nói nghe có vẻ nhàn hạ, nhưng chị kể: ‘Nhà bà to gấp 4 lần nhà chị bây giờ. Mỗi buổi sáng quét dọn phải mất khoảng 2-3 tiếng. Nhưng không phải ngày nào cũng phải dọn dẹp tất cả các phòng. Hôm nay dọn phòng này thì mai dọn phòng khác. Vẫn có thời gian nghỉ ngơi sau khi ăn trưa. Tối 6-7 giờ là chị được nghỉ rồi’.

Chị Hà nói, chị vẫn rất may mắn gặp được nhà chủ tốt tính, thoải mái khi sang Síp.

‘Còn lúc ở Đài Loan, chủ ngồi trên ghế, tôi phải ngồi dưới đất. Đi với chủ cũng không được đi ngang hàng hay đi trước, mà phải đi sau’.

‘Gần nhà tôi ở cũng có một chị, ban đầu không biết cũng ra ngồi chung với chủ. Nhưng chủ nói không được, rồi để riêng cho một bát cơm, thêm mỗi thứ thức ăn một tí, rồi chỉ tay vào góc bếp bảo chị vào đó ngồi ăn. Chị ấy kể, nhìn bát cơm mà 2 hàng nước mắt lã chã rơi’.

Ở Síp thì lại khác, lần đầu tiên chị ngồi dưới đất, bà chủ vội vàng gọi chị lên ngồi cùng. ‘Thậm chí, họ ngồi, mình nằm bên cạnh cũng chẳng sao’.

Chị kể, khi chị đang ở Síp thì con trai cả nằng nặc đòi mẹ cho con sang. Chị đã khuyên con ở nhà làm ăn, thu nhập thấp nhưng đỡ vất vả hơn. ‘Nếu sang Síp, đàn ông thì làm công nhân xây dựng hoặc đi cắt cỏ. Công việc đòi hỏi làm liên tục từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, ăn trưa qua quýt rồi lại làm tiếp, không được nghỉ ngơi tí nào. Nhất là vào mùa khô nắng cháy thì đám thanh niên sẽ không chịu nổi’.

Chính vì thế mà khi con trai nằng nặc đòi đi xuất khẩu lao động, chị đã cho con sang Đài Loan làm cơ khí. Lúc mới sang, cậu cả đã thốt lên: ‘Biết thế này con ở nhà. Sang đây, đến ăn cũng đói’.

Nhưng sau quen dần, con trai chị trụ được 8 năm ở Đài Loan, vừa về quê lấy vợ được 5 tháng. Trước khi về, cậu kéo cả em trai và em dâu sang làm việc tiếp. Hiện tại, con trai thứ 2 và con dâu chị đang làm việc ở Đài Loan, mong kiếm chút vốn liếng để sau này về Việt Nam làm ăn.

Những giọt nước mắt mặn chát

Để có tiền gửi về quê nhà, những lao động đi xuất khẩu lao động phải chịu không ít đắng cay

Cách nhà chị Hà khoảng 5km là nhà bà Viễn, 66 tuổi (xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng). Bà Viễn từng làm giúp việc ở Đài Loan 9 năm.

Bà đi khi con trai mới 13 tuổi. Mẹ khóc, con khóc, nhưng vì kinh tế gia đình quá khó khăn nên bà quyết định khăn gói ra đi. Trong suốt 9 năm, bà chỉ về thăm nhà 2 lần.

Công việc đầu tiên bà làm là chăm sóc cho một người già. Sau khi người này mất, bà được chuyển sang một gia đình khác. Lần này bà phải chăm sóc cho một người tàn tật.

‘Công việc hết sức vất vả. Ngày đầu đến nhận việc, tôi vô cùng hoảng hốt’, bà Viễn nhớ lại.

‘Người đàn ông tôi phải chăm sóc hơn tôi 3 tuổi. Năm 17 tuổi, anh ta bị tai nạn giao thông dẫn đến bị liệt. Việc sinh hoạt, ăn uống… đều phụ thuộc vào người khác. Trước tôi, 3 người cũng đến làm giúp việc, tuy nhiên họ đều bỏ cuộc’.

Hằng ngày, bà phải cho người đàn ông này ăn uống, tắm rửa, vệ sinh. Ông ta lại nặng đến 80kg, nhưng một tay bà phải xoay sở khi cần bế từ giường sang xe hoặc ngược lại.

‘Việc vệ sinh là khó khăn nhất. Ngày 3 lần tôi phải đi đổ nước tiểu, 3 ngày 1 lần phải đeo găng tay để giúp người ta đi vệ sinh… Nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn ở nhà lại cố gắng làm’.

Có thời gian bà đi ra ngoài, sau đó bị tai nạn giao thông gãy chân, bà chủ có đưa bà đi chữa nhưng sau khi bó bột xong về, bà vẫn phải làm hết công việc của mình, không một ai hỗ trợ.

‘Những ngày này, tôi thường xuyên rơi nước mắt. Vì ở nhà là được nghỉ nhưng giờ ở đây phải dùng gậy vừa chống chân vừa nấu cơm, làm việc nhà. 2 tháng sau, chân lành lặn, tôi đành phải tìm cách để chuyển công việc sau 4 năm vất vả’.

Còn chị Hà, mặc dù tính tình lạc quan, vui vẻ nhưng những ngày đầu sang xứ người làm thuê, nhớ chồng con, chị cũng toàn phải giấu nước mắt, không dám cho chủ nhìn thấy.

‘Nhớ chồng con, đang làm việc nước mắt cũng tràn ra. Nhưng thấy chủ lại phải lau đi ngay, vì chẳng có chủ nào muốn nhìn thấy mình khóc lóc cả’.

5 năm ở Síp, định ở thêm vài năm nữa kiếm chút vốn liếng, thì chồng chị ốm nặng, người thân gọi chị về.

Về đến sân bay, nhìn thấy chồng, chị không nhận ra vì ông xã quá gầy gò, ốm yếu. Suốt những năm chị vắng nhà, buồn tủi, anh uống nhiều rượu, sinh bệnh. Chị chạy lại ôm chồng, nước mắt cứ thế trào ra…

Theo Vietnamnet

SHARE