Cô giáo Việt là người châu Á duy nhất dạy sư phạm tiếng Anh ở Đại học Úc

10

 

Cô giáo Việt là người châu Á duy nhất dạy sư phạm tiếng Anh ở Đại học Úc

TS Ngô Tuyết Mai hiện là giảng viên cao cấp của Trường ĐH Flinders (Úc). Là giảng viên châu Á duy nhất giảng dạy tại Khoa Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn, lại dạy ngành Sư phạm tiếng Anh, không ít lần chị Mai nhận được sự bất ngờ của những sinh viên quốc tế đến đây học tập.

“Để một giảng viên được nhận vào dạy tại ngôi trường của Úc, trước hết, hồ sơ của mình phải vượt trội hơn các ứng viên khác. Trong nhiều vòng phỏng vấn, bạn phải thể hiện bản thân là người xứng đáng với vị trí này”, TS Ngô Tuyết Mai kể về hành trình trở thành giảng viên của mình tại Trường ĐH Flinders.

Chị Mai nói, để chuẩn bị cho việc ứng tuyển vào vị trí này, chị đã phải dành nhiều năm để trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, những trải nghiệm cần thiết và sự không ngừng học hỏi từ những giảng viên, giáo sư giỏi. Chị cũng chủ động xin đi dự giờ giảng của các giảng viên có kinh nghiệm tại Trường ĐH Sydney và ĐH New South Wales – nơi chị học thạc sĩ và làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.

“Tôi không nghĩ điều đó là vô ích. Việc đi dự giờ những giảng viên giỏi sẽ giúp tôi nắm bắt được các cách tiếp cận khác nhau và học hỏi rất nhiều điều từ họ. Hiểu rõ về môi trường và công việc của một giảng viên ở Úc, tôi mới biết bản thân đang đứng ở đâu và tìm cho mình một lộ trình học hỏi, cố gắng phấn đấu vươn lên”.

Sự chuẩn bị kỹ càng về mặt chuyên môn lẫn hiểu biết về vị trí ứng tuyển đã giúp nữ tiến sĩ người Việt thể hiện vượt trội trong buổi phỏng vấn lựa chọn giảng viên chính thức.

Trở thành giảng viên châu Á duy nhất của khoa, chị Mai nói, dù rất nhiều sinh viên quốc tế khá “sốc” khi nhìn thấy một cô giáo da vàng đến Úc giảng dạy ngành Sư phạm tiếng Anh, nhưng chị lại coi đó là lợi thế để gần gũi, hiểu và truyền cảm hứng cho các sinh viên của mình.

“Tôi luôn cố gắng học hỏi, liên tục đổi mới bài giảng, đồng thời không chờ tới hết môn mới xin phản hồi từ phía sinh viên. Tôi làm điều đó rất thường xuyên trong một học kỳ, thậm chí thành thói quen sau mỗi tiết học để có những điều chỉnh kịp thời.

Trước khi bắt đầu bài dạy, tôi luôn vui vẻ nói với các học viên của mình rằng: “Nếu có chỗ nào các bạn chưa hiểu rõ, thì đó là lỗi của cô. Các bạn hãy cho cô biết ngay trên lớp để cô tìm cách giảng lại một cách tường minh hơn”.

Nghe vậy, học trò cũng không ngần ngại chia sẻ với giáo viên những trăn trở của mình. Nhờ thế, các tiết học luôn cởi mở, vui vẻ và đạt hiệu quả tốt hơn. Sự gần gũi, tương tác giữa người dạy và người học, theo nữ giảng viên sinh năm 1973, là điều cần thiết nhưng lại đang rất thiếu trong các giờ học trên giảng đường.

Gắn bó với Trường ĐH Flinders đến nay vừa tròn 5 năm, chị Mai nói bản thân vẫn rất trăn trở khi lựa chọn ở lại Úc sinh sống và làm việc. Đó cũng là lý do sau nhiều năm học sau đại học tại Úc, không ít lần chị Mai quay trở lại Việt Nam, lựa chọn làm việc tại ngôi trường mình từng theo học là Trường ĐH Hà Nội.

“Những ngày tháng còn ở trên giảng đường, các thầy cô của Trường ĐH Hà Nội luôn truyền cho chúng tôi tình yêu nghề giáo, yêu ngôn ngữ và tình yêu với nền văn hóa của các quốc gia nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Úc. Xen kẽ giữa các giờ giảng, đôi lúc thầy cô lại kể rằng: “Nghe bài hát này, nhìn hình ảnh này, cô thấy nhớ Anh/ Úc quá!”.

Điều đó khiến những sinh viên chưa từng đặt chân ra nước ngoài như chúng tôi cảm thấy tò mò, rằng ở nơi đó đẹp như thế nào mà chỉ cần qua một bài hát hay một hình ảnh cũng khiến các thầy cô nhớ cả một đất nước như vậy.

Tôi quyết định nộp hồ sơ xin học bổng của Chính phủ Úc và may mắn có cơ hội nhận được học bổng thạc sĩ chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh ở Trường ĐH Sydney năm 1999-2000. Ngay sau khi tốt nghiệp thạc sỹ, mặc dù có cơ hội được làm việc ở Úc, tôi lại chọn trở về để tiếp tục cống hiến cho Trường ĐH Hà Nội gần 10 năm vì cảm thấy có duyên nợ với ngôi trường này”.

Nhờ sự cống hiến trong suốt nhiều năm, chị Mai được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng khoa Đại cương (nay là khoa Tiếng Anh chuyên ngành) của Trường ĐH Hà Nội vào năm 2005.

Trong 5 năm làm trưởng khoa, vì nhận thấy bản thân vẫn còn thiếu các kỹ năng về quản lý, chị Mai tiếp tục sang Úc để học tiến sỹ chuyên ngành Quản trị Đại học trong vòng 4 năm. Đến khi trở về, chị được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế tại Trường ĐH Hà Nội.

Sau đó 2 năm, chị tiếp tục quay trở lại Úc để làm nghiên cứu sau tiến sĩ và có cơ hội trở thành giảng viên của Trường ĐH Flinders.

“Người Việt sống ở đâu nếu có tình yêu thì vẫn có thể đóng góp cho đất nước”, chị Mai lý giải nguyên do sau rất nhiều trăn trở, bản thân đã quyết định ở lại và làm việc tại Úc. Đến nay, các dự án nghiên cứu của chị Mai chủ yếu vẫn hướng về Việt Nam.

Trăn trở trước thực tế dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam, vì thế, mỗi lần có dịp quay về nước, nữ giảng viên người Việt lại tổ chức các hội thảo miễn phí cho các giáo viên tiếng Anh. Hoạt động này đã được chị Mai duy trì liên tục kể từ đầu năm 2019.

Đến khi Covid-19 ập đến khiến Úc và nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới, không thể trở về, chị Mai cùng một số đồng nghiệp đã tổ chức những buổi hội thảo trực tuyến miến phí về các chủ đề mà giáo viên quan tâm như: “Giúp giáo viên giảm tải công việc nhờ các giải pháp thông minh”; “Cải thiện việc giảng dạy tiếng Anh thông qua cách dạy thu hút”,…

Từng là học sinh chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, sau này lại tiếp xúc với các môi trường đào tạo về giảng dạy tiếng Anh ở nước ngoài, theo chị Mai, có một số bất cập vẫn còn tồn tại trong việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam.

Một trong những bất cập lớn nhất là cả giáo viên và người học đều đang bị áp lực về kiểm tra, thi cử; tập trung nhiều thời gian cho việc luyện các dạng bài thi ngữ pháp, từ vựng và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL. Trong khi đó, việc tạo cơ hội để người học có thể sử dụng tiếng Anh như công cụ phục vụ giao tiếp hàng ngày, học tập, nghiên cứu và làm việc chưa được chú trọng.

Cho nên, nhiều học sinh Việt Nam mặc dù giỏi ngữ pháp và từ vựng, quen thuộc với các dạng bài thi tiếng Anh quốc tế nhưng lại thiếu sự tự tin và chủ động khi dùng tiếng Anh.

Ngoài ra, nhiều thầy cô luôn căng thẳng khi đặt mục tiêu giúp người học có năng lực tiếng Anh như người bản xứ. Chỉ cần học sinh nào phát âm “hơi sai”, nói chưa chuẩn như những người bản xứ là giáo viên phải sửa bằng được.

“Mặc dù việc sửa lỗi là cần thiết, nhưng nếu thầy cô đặt mục tiêu “như người bản xứ” sẽ tạo ra áp lực và khiến người học mất hứng thú khi học tiếng Anh. Từ sợ phát âm sai sẽ dẫn đến ngại nói, ngại giao tiếp. Cách dạy tiếng Anh như vậy sẽ không hiệu quả và đang đi ngược với xu thế hiện nay”, chị Mai nói.

Mục tiêu của việc học tiếng Anh nhắm đến mô hình “như người bản xứ”, theo chị Mai, là mục tiêu xa vời và không khả thi trong hầu hết các trường hợp.

Thay vào đó, giáo viên cần phải áp dụng các nguyên tắc cơ bản trong việc dạy tiếng Anh trên lớp để đem lại hiệu quả như thiết kế các hoạt động trên lớp sao cho thật thu hút, gần gũi với cuộc sống thường ngày; tạo động lực giúp người học tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên và tạo tối đa cơ hội để học sinh sử dụng tiếng Anh trong và ngoài lớp học.

Mặc dù hiện nay Bộ GD-ĐT, nhà trường và gia đình đã hiểu rằng tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu; muốn giao tiếp với thế giới, ra nước ngoài học tập và làm việc thì phải thông thạo tiếng Anh,… nên bắt đầu đầu tư nhiều hơn, nhưng theo chị Mai, có một thực tế, hiện nay vẫn còn rất nhiều người chưa đủ khả năng sử dụng tiếng Anh tối thiểu để giao tiếp, học tập, nghiên cứu và làm việc.

“Tôi cho rằng, chìa khóa quan trọng nhất để cạnh tranh và tránh tụt hậu chính là phải đầu tư cho giáo dục nói chung, việc dạy và học tiếng Anh nói riêng. Việt Nam cần ưu tiên đào tạo thật bài bản một thế hệ giáo viên dạy tiếng Anh mới có khả năng bắt kịp với sự thay đổi của ngôn ngữ, của công nghệ và toàn cầu hóa.

Nếu có nhiều giáo viên dạy tiếng Anh bài bản, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn thì chắc chắn sẽ có nhiều người Việt Nam giao tiếp, làm việc, nghiên cứu bằng tiếng Anh dễ dàng hơn. Làm được điều đó, chắc chắn Việt Nam sẽ tiến xa trong mọi mặt, đặc biệt trong phát triển kinh tế”.

Theo Vietnamnet

 

SHARE