Tục ngữ có câu: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, tương đồng với câu “Không nghe lời người già, thiệt hại ngay trước mắt”.
Hôm nay xin chia sẻ với các bạn 9 câu nói đúc kết của cổ nhân có ý nghĩa sâu sắc, có thể giúp bạn lý giải nhân sinh, vượt qua những sắc thái trầm bổng của cuộc đời.
Tài từ đức dưỡng, trí từ tâm sinh
Tài lộc nhỏ phụ thuộc vào siêng năng, tài lộc lớn phụ thuộc vào đức, đức không dày thì tài lộc cũng không có.
Muốn có tiền, trước tiên hãy hoàn thiện nhân phẩm, nếu lòng người hướng đến bạn, thì tài lộc cũng sẽ tự chạy đến.
Trên đời này không có việc gì khó, chỉ sợ lòng người khó, có lòng thì sẽ hành động, có yêu thì sẽ bỏ ra, có ước mơ thì sẽ cất cao đôi cánh.
Người có bao nhiêu sức chịu đựng, bao nhiêu nghị lực và bao nhiêu định lực, điều quan trọng là ở việc đặt tâm nhiều tới đâu.
Sinh ra trong nghèo khó, không có nghĩa là cả đời nghèo khó
Sinh ra trong nghèo khó không có nghĩa là mình phải tự ti, xem mình không bằng người khác, hoặc người khác có quyền xem thường mình.
Sinh ra trong nghèo khó không đáng sợ, vì nghèo khó mà mất đi tự tôn, chí khí và trái tim rộng lượng, trở nên ích kỷ nhỏ mọn thì mới đáng sợ.
Trong tâm có đạo đức thì tự kết tinh hoa, dù bần cùng vẫn cao quý, chỗ mấu chốt là xem khí chất của ta. Mệnh nghèo khổ thì hãy cải thiện nó bằng cách chăm chỉ làm việc, làm nhiều điều tốt, phúc khí sẽ tự tới.
Trong lòng có ân, trong mệnh sẽ có phúc
Sống trên đời phải có một trái tim biết hàm ơn, nhận được ơn nghĩa của người khác thì phải ghi nhớ. Người luôn biết ơn, nhất định là một người tử tế, người luôn khiêm nhường, nhất định là trong tâm luôn thanh thản vì không phải ganh đua với ai.
Một người có lòng biết ơn là người dễ dàng cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện.
Luôn nhớ về lòng tốt của người khác, mỗi ngày mới có thể cảm thụ được ánh nắng mặt trời, mỗi ngày đều có bạn bè bên cạnh, vậy cả đời mới hạnh phúc. Ngược lại, không nhớ đến lòng tốt của người khác, thì chỉ đòi hỏi nhiều hơn, hậm hực nhiều hơn mà tự giày vò chính mình.
Khi thành công, bạn có nhiều lý do để biết ơn, nhưng kể cả khi không thành công, bạn cũng nên cảm ơn cuộc sống vì điều đó.
Đừng vì không ngủ được mà oán trách giường nghiêng
Các việc trên đời phân ra làm 3 loại: Việc của ông Trời, việc của người khác và việc của bản thân mình.
Trên thực tế có rất nhiều vấn đề đều ở bản thân mình. Miễn là bạn thay đổi bản thân và thay đổi trạng thái tâm trí của chính mình, thì tất cả các yếu tố bên ngoài, bao gồm con người và sự vật, sẽ thay đổi theo.
Đừng đẩy việc của mình cho ông Trời hoặc cho người người khác.
Lưỡi có thể làm ra việc tốt lẫn việc xấu, miệng có thể là cổng phúc lẫn cổng họa
Chỉ những người thích sự phù phiếm, hư vinh mới thích nói “lời nhiều ý cao”, hay như câu “thùng rỗng kêu to”, còn những người có tâm cầu thị, khôn ngoan sẽ không ăn nói bừa bãi.
Những người thực sự thông minh và khôn ngoan thường biểu hiện bên ngoài giống như kẻ ngốc vậy, từ ngữ kín đáo, không khoe khoang. Thế nên Khổng Tử mới có câu: “Đại xảo nhược chuyết, đại biện nhược nột”, nghĩa là tuyệt khéo mà như vụng về, rất hùng biện mà như là ấp úng.
Bất kể là vừa trải qua chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện tư, chuyện công, cũng không nên tiết lộ với người khác quá nhiều.
Người với người không tính toán, giang hồ cũng có nghĩa tình
Ở đâu có con người ở đó có tranh chấp lợi ích. Có tranh cãi thị phi, thì ở đó là giang hồ (ý chỉ nơi phức tạp), nhưng nơi giang hồ thì vẫn có tình nghĩa ngàn vàng, đừng để lợi ích phá vỡ cái Nghĩa.
Quên đi thị phi, chăm sóc lẫn nhau, sống một cách bình yên, đừng mang lại cho người khác và bản thân gánh nặng, bỏ qua lợi ích bạc vàng thì tình cảm mới có thể lâu bền, rộng rãi.
Chai đầy lắc không kêu, chai vơi lắc ồn ào
Nói một nghìn một vạn lời, chi bằng bắt tay vào làm thực tế, thành công rồi mới nên nói chân lý. Một người càng khoe khoang thứ gì, chính là vì càng thiếu thứ đó. Mở miệng nói lớn chi bằng vung mở cánh tay mà thực hiện.
Có câu nói thế này: “Thà ngậm miệng để người khác nghi ngờ ta nông cạn, còn hơn mở miệng mà chứng minh sự nông cạn của ta”.
Tâm mở một tấc, được lợi ba phần
Trái tim rộng mở thì đường đi cũng rộng mở, trái tim chật hẹp thì đường đi cũng chật hẹp. Thường xuyên giúp đỡ người khác, sẽ nhận được sự giúp đỡ của người. Đối xử với người khác bằng lòng lương thiện, cũng sẽ có ngày người khác đối xử với bạn bằng lòng lương thiện.
Đối với mọi chuyện đều đại lượng, thì sẽ nhận được sự tôn trọng của người khác; Học cách thích nghi với người khác, cũng là giúp người khác thích nghi với bản thân mình. Có thể nhẫn nhịn, thì 1 điều nhịn là 9 điều lành.
Một ngày cười 3 lần thì không cần uống thuốc
Hoàn cảnh tốt không bằng thái độ tốt. Những người có trí tuệ là những người luôn cởi mở, khoan dung, vui vẻ và có thể hòa đồng với tất cả mọi người, như thế mới có thể tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Tư tưởng khoáng đạt, không tranh với đời vừa là một phẩm cách vừa là một mỹ đức, đồng thời cũng là một trong những cảnh giới đạo đức cao nhất trong cuộc sống.
Từ sự tình như Âu Dương Tu đọc được mấy câu thơ của hậu bối Tô Thức mà sung sướng sẵn sàng lùi lại nhường đường cho lớp trẻ, tới Vương Duy “bước đường cùng vẫn ngồi ngắm mây bay”, thì đây đều là những tư tưởng thông suốt, khoáng đạt siêu việt của người xưa.
Tự cổ chí kim, trong dân gian có rất nhiều những lời đúc kết kinh nghiệm sống không được biên soạn lại vào sách, mà chỉ được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Có những chân lý mà nếu ta biết tuân theo, vận dụng từ sớm thì đường đời có lẽ đã thanh thản, tốt đẹp hơn rất nhiều.
Nhưng đáng tiếc thay, lòng người hay hoài nghi, tính người thường cố chấp, đến khi có thể gật đầu công nhận thì đã đi được một đoạn dài trên con đường nhân sinh, chẳng thể quay đầu. Thay vì tự học từ vấp ngã và tổn thương của mình, sao ta không học từ những cú ngã của người đi trước. Để tin và làm theo được lời người xưa, có lẽ cũng cần một loại tâm tình tín ngưỡng, làm trước ngộ sau, bởi kho báu nào cũng đều có cái giá của nó, giá của chân lý là sự dũng cảm dám tin tưởng của bạn.
Ngọc Linh
Theo NTDTV