Có một thói quen phổ biến của nhiều bậc phụ huynh đang tạo ra những áp lực vô hình cản trở sự phát triển của trẻ. Chỉ cần thay đổi điều này, con bạn sẽ được phát huy khả năng của chính mình.
Trẻ nhỏ luôn tò mò và thích học những kỹ năng mới, nhưng phần lớn chúng bị ngăn cản bởi nỗi sợ thất bại hoặc làm không đủ tốt. Cách nuôi dạy của nhiều bậc cha mẹ khiến trẻ hình thành suy nghĩ mình không được mắc sai lầm hoặc ít nhất là không được làm những điều “ngớ ngẩn”.
Ngay cả đối với các bậc cha mẹ thất bại cũng là một rào cản lớn. Kỳ vọng càng cao thì sự đánh đổi càng lớn. Đó là lý do nhiều người lớn thường chọn cho mình vùng an toàn, không chịu học hỏi và thử những điều mới.
Tuy nhiên, một người bạn dạy tiếng Tây Ban Nha của tôi lại suy nghĩ khác. Bản thân anh là một sinh viên xuất sắc (tốt nghiệp trường Luật Princeton và Stanford), anh nhận thấy rằng việc chấp nhận thất bại là yếu tố thúc đẩy con người học tập nhanh hơn.
Anh đưa cho mỗi học sinh của mình một túi chứa đầy 1.000 hạt, và mỗi khi chúng mắc lỗi chúng sẽ lấy ra một hạt. Khi túi rỗng, chúng sẽ đạt được thành thạo “Cấp độ 1”. Người bạn ấy nói với tôi rằng khi trẻ mắc những sai lầm đó càng nhiều thì chúng càng tiến bộ và xử lý thông tin nhanh hơn.
Cách ít tốn kém nhất để học nhanh hơn
Không có quá trình học hỏi nào mà không mắc sai lầm. Nhưng nền văn hóa của chúng ta hiện nay lại dạy cho trẻ em rằng sai lầm sẽ phải trả giá đắt, chẳng hạn như điểm thấp, bị xấu hổ, bị bạn bè trêu chọc hoặc…
Thực tế, chúng ta nên cho con mình tìm cách trải nghiệm – và học hỏi từ thất bại… Đây là phương pháp đơn giản nhưng thu lại kết quả rõ rệt.
Ví dụ, khi các con của tôi còn nhỏ, vợ tôi và tôi muốn chúng có cơ hội để “lãng phí” một chút tiền bạc vì những tổn thất trong giai đoạn này không đáng lo ngại. Rốt cuộc, chúng tôi thà rằng để chúng mắc sai lầm với số tiền tiêu vặt trong độ tuổi từ 8 đến 10 hơn là mắc lỗi với khoản tiết kiệm cả đời khi trưởng thành.
Chúng tôi đã đưa cho chúng ba chiếc lọ thủy tinh: Một chiếc để làm từ thiện, một chiếc để tiết kiệm và một chiếc để tiêu xài. Khi chúng nhận được tiền hàng tháng, chúng có quyền tự phân chia số tiền đó vào những chiếc lọ tùy ý. Chúng tôi hoàn toàn không can thiệp vào quyết định của lũ trẻ. Cả tôi và vợ đều muốn các con tự đưa ra quyết định, đặc biệt là những quyết định sai lầm.
Con trai chúng tôi đã từng tiêu 40 đô la tiền tiêu vặt của mình để mua một chiếc xe đua điện – và sau đó rất hối hận. Nếu đợi thêm vài tuần nữa, thằng bé sẽ có đủ tiền để mua bộ LEGO mơ ước.
Hiện tại, con trai tôi là một thiếu niên và đang tiết kiệm cho một mục tiêu lớn mà nó đã ấp ủ từ rất lâu và tôi tin rằng anh chàng sẽ không hối tiếc.
Giá trị của những sai lầm
Trẻ tiến bộ không chỉ nhìn nhận qua điểm số, cha mẹ nên khuyến khích “những sai lầm ở mức độ học tập”. Điều này không có nghĩa là cho phép bọn trẻ được phép liên tục lặp lại những sai lầm, mà chỉ đơn giản là giúp chúng trút bỏ áp lực vô hình để sẵn sàng bắt tay và hoàn thành nhiệm vụ theo cách tốt nhất.
Như người đồng sáng lập LinkedIn, Reid Hoffman từng nói với Ben Casnocha, Giám đốc nhân sự mới được tuyển dụng: “Để sớm tiến bộ, tôi hy vọng anh sẽ mắc một số lỗi nhất định. Tôi chấp nhận tỷ lệ lỗi từ 10% đến 20%… với điều kiện anh phải tiến bộ sau những lỗi đó”.
“Tôi cảm thấy bản thân được trao quyền, và điều đó đã giải phóng tôi khỏi áp lực từ trước”, Ben nhớ lại trong một bài báo của Harvard Business Review.
Không ngạc nhiên khi Hoffman cũng ủng hộ triết lý tương tự trong khởi nghiệp và kinh doanh. “Nếu bạn không thấy vướng mắc với sản phẩm đầu tiên của mình, bạn đã đã bị chậm chân”.
Mọi thành tựu tuyệt vời đều bắt đầu bằng thất bại
Thay vì khiến con bạn xấu hổ vì đã phạm phải những sai lầm khi thử một điều gì đó, hãy thay thế bằng những lời động viên tích cực. Thay vì chỉ trích vì một lỗi nhỏ nhất, hãy tự hào rằng chúng không có khả năng mắc lại sai lầm đó một lần nữa.
Sẽ có những khoảnh khắc mà con bạn không dễ dàng vượt qua và thành công từ bước đầu tiên. Hãy đồng hành và chia sẻ với con như những người bạn, giải thích cho chúng hiểu rằng sai lầm không xấu nếu từ đó con có thể học được một bài học gì đó.
Chia sẻ của Greg McKeown trên CNBC. Anh tác giả của cuốn sách “Không cần nỗ lực: Làm cho điều quan trọng nhất trở nên dễ dàng hơn”. tốt nghiệp Đại học Harvard. Hiện tại Greg cũng đảm nhận vai trò là người dẫn chương trình podcast nổi tiếng “What’s Essential”.