Trẻ em Việt Nam thích xem gì khi online?

15

Mức độ quan tâm của trẻ em Việt Nam đối với mạng xã hội, thương mại điện tử và trò chơi máy tính tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2020 – theo báo cáo mới nhất của Kaspersky.

Đại dịch đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động trực tuyến của trẻ tại Việt Nam.

Khi đại dịch bùng nổ trên toàn cầu năm 2020, công nghệ càng trở nên hữu ích với mọi người. Và khi đó, nhiều người dùng Việt bao gồm cả trẻ em nhận thấy máy tính không chỉ là phương tiện giải trí, mà còn là công cụ học tập, giao tiếp và phát triển bản thân. Số liệu từ báo cáo mới nhất của Kaspersky cho thấy đại dịch đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động trực tuyến của trẻ tại Việt Nam.

Cũng theo báo cáo này, những trang web trẻ em tại Việt Nam truy cập chủ yếu về phần mềm, âm nhạc và video (41,59%), mạng xã hội (36,62%), trò chơi máy tính (8,17%), thương mại điện tử (7,26%) và tin tức (4,33%).

Mức độ quan tâm của trẻ em Việt Nam đối với các lĩnh vực – theo báo cáo của Kaspersky.

Cũng vì lý do dịch bệnh, trẻ buộc phải học qua hình thức trực tuyến và ít truy cập vào các trang trò chơi hơn kể từ tháng 2/2020. Mạng xã hội cũng ghi nhận sự sụt giảm trong giai đoạn hè, từ 40,4% vào tháng 6/2020 xuống 28,99% vào tháng 8/2020.

Theo số liệu thống kê năm 2020 trên toàn thế giới của Kaspersky, 0,5% số trẻ truy cập vào các trang web có nội dung độc hại như khiêu dâm, 0,24% số trẻ truy cập nội dung phân biệt đối xử.

Đáng lưu ý, mua sắm trực tuyến lại có sự giao động mạnh: giảm từ 8,8% vào tháng 2/2020 xuống 4,69% vào tháng 5/2020 và tăng trở lại vào tháng 9/2020 với 9,29%.

Ông Yeo Siang Tiong – Tổng Giám đốc Kaspersky Đông Nam Á – cho rằng phụ huynh không thể xóa bỏ sự tồn tại của các tệ nạn trên Internet, như khiêu dâm, cờ bạc, nội dung xung quanh sự căm thù và phân biệt đối xử và thậm chí cả việc sử dụng vũ khí hoặc ma túy, cũng như không thể ngăn chặn hoàn toàn việc trẻ em tiếp xúc với chúng khi chúng tiếp tục phát triển độc lập.

“Tuy nhiên, ngoài việc đặt ra các biện pháp an toàn mạng phù hợp cho con cái, chúng ta cũng có thể giáo dục để con trẻ hình thành sự hiểu biết và công nhận lành mạnh về những tệ nạn này và hướng dẫn con khi con bắt đầu nhận thức được việc sử dụng Internet” – ông Yeo Siang Tiong nói.

6 khuyến nghị giúp bảo vệ trẻ trước các mối đe dọa từ Internet:

1. Trò chuyện cởi mở cùng con cái về thói quen trực tuyến an toàn. Thảo luận cùng con về các cơ hội cũng như những mối nguy hiểm đang ngụy trang dưới lớp vỏ an toàn.

2. Chia sẻ những lỗi cha mẹ gặp phải khi trực tuyến nếu có, để con trẻ có thể rút ra bài học và nhờ sự trợ giúp của cha mẹ khi cần thiết.

3. Giúp con tìm kiếm những thứ con cần một cách an toàn.

4. Cân bằng hoạt động trực tuyến và thực tế của con. Cố gắng thuyết phục con không trực tuyến khi làm bài tập và vào buổi tối muộn.

5. Không ngăn cấm con kết nối với bạn bè, nhưng cần nhắc nhở con cẩn thận khi giao lưu cùng các bạn trên thế giới ảo.

6. Tìm hiểu các mối quan tâm của con, nên sử dụng các ứng dụng hỗ trợ phân tích hoạt động tìm kiếm trực tuyến của trẻ và quản lý thời gian sử dụng thiết bị mà không can thiệp vào không gian riêng tư của con trẻ.

SHARE