Suy nghĩ tích cực không phải lúc nào cũng tốt

10

 

‘Nghĩ tích cực lên’, ‘Mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó’, ‘Mọi chuyện thế là may lắm rồi’… là câu mà những người “tích cực độc hại” thường nói ra.

Nathalie Gevinti, chuyên gia của mạng lưới các tổ chức tư vấn tâm lý Stellar Minds giải thích, “tích cực độc hại” là việc không nhận ra được sự tiêu cực của một tình huống nào đó, bao gồm việc bạn chỉ tập trung đeo đuổi những suy nghĩ tích cực và bỏ qua mọi cảm xúc cần thiết khác, kể cả buồn bã, tức giận hay thất vọng.

Ảnh minh họa: Wellmind.

Khi nào sự tích cực trở nên độc hại?

Việc suy nghĩ tích cực đem lại cho bạn niềm tin, hy vọng trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, chúng có thể trở nên độc hại khi bạn bắt đầu:

– Che giấu cảm xúc thực, cố gắng chịu đựng điều mình không thích bằng cách lẩn tránh thực tế.

– Chối bỏ trải nghiệm tiêu cực của người khác bằng cách nói những câu tích cực. Đưa ra quan điểm cá nhân thay vì thấu hiểu cảm xúc của họ. Ví dụ, khi một gia đình mất con, bạn an ủi họ rằng: “Rồi sẽ có những đứa trẻ khác nữa mà”.

– Hạ thấp người khác khi họ có cảm xúc thiếu tích cực.

Tác động của “tích cực độc hại” là gì?

Theo nhà trị liệu tâm lý người Mỹ Carolyn Karoll, cảm xúc là một phần trải nghiệm của con người và chỉ tồn tại nhất thời. Việc suy nghĩ “tích cực độc hại” khiến bạn hình thành những cảm xúc thứ cấp dữ dội hơn. Ví dụ, bạn bị người yêu bỏ và bạn rất buồn, sau đó bạn tự thấy xấu hổ vì nỗi buồn đó – đây chính là một cảm xúc thứ cấp.

Thêm vào đó, “tích cực độc hại” có thể làm tăng mức độ của cảm xúc tiêu cực. Theo nhà tâm lý học lâm sàng Jaime Zuckerman, việc những cảm xúc tiêu cực bị chối bỏ có thể khiến chúng trở nên lớn hơn vì không được xử lý.

Tính “tích cực độc hại” cũng khiến bạn mất động lực, chúng là con dao hai lưỡi ngăn bạn đạt mục tiêu của mình. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người dành thời gian mơ mộng về tương lai tươi sáng khi thực hiện việc gì đó sẽ có ít động lực biến nó thành hiện thực so với người đầu óc thực tế.

Nghiên cứu về bạo lực gia đình năm 2020 của Đại học East London cho thấy, xu hướng “tích cực độc hại” có thể khiến những người bị bạo hành, lạm dụng đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của sự việc và tiếp tục chấp nhận bạo lực. Sự lạc quan, hy vọng và sự tha thứ làm tăng nguy cơ bị bạo hành và bị lạm dụng.

Vậy làm thế nào để tránh cái bẫy tích cực độc hại?

Con người cảm nhận được nhiều loại cảm xúc, mỗi cảm xúc là một phần quan trọng của sự hài lòng về tinh thần. Ví dụ, sự lo lắng có thể cảnh báo một người về một tình huống nguy hiểm hoặc một vấn đề đạo đức, trong khi tức giận là một phản ứng bình thường đối với sự bất công hoặc ngược đãi. Nỗi buồn có thể báo hiệu cường độ của sự mất mát… Không thừa nhận những cảm xúc này có nghĩa là bỏ qua chính những tín hiệu truyền cảm hứng chân thật nhất.

Chấp nhận cảm xúc của bản thân và người khác

Việc nhận ra những cảm xúc tiêu cực là bình thường và là một phần quan trọng trong trải nghiệm của con người. Nên công nhận cả những cảm xúc tiêu cực của mình, đó là cách giải quyết vấn đề tốt hơn. Nên giãi bày những suy nghĩ tiêu cực trong lòng mình, thay vì né tránh nó. Việc thể hiện cảm xúc qua lời nói sẽ giúp bạn giảm mức độ buồn bã, thất vọng, chán nản của mình.

Tránh nói những lời động viên sáo rỗng

Những cụm từ “Rồi mọi thứ sẽ tốt thôi” là những lời sáo rỗng, thậm chí có thể mang lại cảm giác tồi tệ hơn. Nó dập tắt mọi cảm xúc tự nhiên và khiến bạn từ chối việc giải quyết các vấn đề triệt để. Ngoài ra, cần cố gắng tránh phản ứng tích cực với tất cả những gì mọi người nói.

Hãy khuyến khích mọi người nói một cách cởi mở về cảm xúc của họ, đó là điều cần thiết nhất.

Thùy Linh (Theo Medicalnews Today)

SHARE