Không phải tất cả “món hời” bán khỉ hay lợi ích từ “trên trời rơi xuống” đều là tốt. Đằng sau đó là những khoản chi phí mà bạn không thể ngờ tới mà chúng ta cần đủ tỉnh táo để cân nhắc rõ ràng giữa lợi và hại.
Câu chuyện bán khỉ
Một lái buôn đến ngôi làng trên núi. Ông ta thấy những ngọn núi xung quanh ngôi làng có rất nhiều khỉ. Người lái buôn bèn nói với những người nông dân trong làng rằng, mình đang cần mua khỉ số lượng lớn với giá 100 đồng mỗi con.
Dân làng bán tín bán nghi nhưng vẫn cố đi bắt vài con khỉ và bán thử. Không ngờ rằng, người lái buôn thật sự trả tiền cho lũ khỉ đúng với giá 100 đồng mà ông ta hứa hẹn ban đầu. Vì thế, mọi người trong làng đều đổ đi bắt khỉ. Thu nhập mỗi ngày của họ còn nhiều hơn hẳn so với hồi còn làm ruộng. Chẳng bao lâu sau, người lái buôn đã mua được hơn hai nghìn con khỉ và trên núi chỉ còn rất ít khỉ chưa bị bắt.
Lúc này, người lái buôn lại tăng giá, ông ta cho biết sẽ mua 200 đồng cho mỗi con khỉ. Dân làng thấy giá tiền tăng gấp đôi nên lại càng cố đi lùng sục khắp mọi ngóc ngách để bắt lại.
Đến khi số lượng khỉ trên núi càng khan hiếm, vị thương gia lại tăng giá thêm thành 300 đồng cho mỗi con khỉ.
Tới lúc giá bán khỉ đã tăng tới 500 đồng cho mỗi con, người dân trong làng đã bắt sạch khỉ trên núi. Trong tay của người lái buôn đã tích lũy tới 3.000 con.
Lúc này, ông ta tiếp tục bày tỏ nhu cầu mua thêm hàng nghìn con khỉ nữa và mong muốn người dân có thể tiếp tục tìm kiếm tung tích bầy khỉ. Sau đó, ông thông báo rằng mình có việc phải trở lại thành phố ít hôm để thu xếp chỗ cho đàn khỉ. Vài ngày sau, ông sẽ trở lại để tiếp tục thu mua.
Sau khi ông ta rời đi, người thanh niên giúp việc của thương gia đã tới làng và nói với những người nông dân rằng: “Tôi sẽ bán cho mọi người một con khỉ với giá 300 đồng. Khi vị thương gia quay lại, mọi người có thể bán lại cho ông ta với giá 500 đồng. Mỗi con chênh lệch tận 200 đồng, cả nhà tha hồ giàu sang, không cần làm ruộng nữa”.
Lúc này, những người dân trong làng đã chìm đắm quá sâu vào giấc mơ làm giàu mà không tốn công sức. Họ quyết định gom cả gia tài, thậm chí vay nợ, để mua hết hơn 3.000 con khỉ trong tay người trợ lý. Những người chậm chân thì kêu gào khóc lóc, người mua được nhiều thì sung sướng hả hê.
Ngay sau khi nhận được tiền, người thanh niên rời đi liền trong đêm. Còn vị thương gia nọ thì không bao giờ quay trở lại nữa.
Chỉ thấy trên đảo nhà nhà, nơi đâu cũng toàn khỉ. Hàng ngày còn phải cho chúng ăn nữa. Dân làng ai cũng tức giận đỏ hết cả mặt nhưng không biết bán lũ khỉ cho ai. Cuối cùng, không thể nuôi chúng thêm nữa, dân làng lại thả hết bầy khỉ về núi.
Số khỉ trên đảo vẫn thế không hề thay đổi. Còn gã lái buôn và người giúp việc thì đã mang được một khoản tiền không nhỏ rời khỏi đảo.
Đừng tham lam những “món hời”, càng miễn phí, có thể giá thật sự càng cao
Qua câu chuyện trên, ta thấy rằng, những chiếc bẫy thường được ngụy trang bằng vẻ “ngọt ngào” bên ngoài, ẩn giấu nguy cơ hiểm độc bên trong. Cho dù trong đầu tư kinh doanh hay trong chính cuộc sống thường ngày, nếu không kiềm chế lòng tham, ai cũng rất dễ phải trả giá đắt cho những thứ mà mình tưởng là “món hời”.
Có câu nói rằng: “Không có gì trên đời này dễ dàng có được mà không phải đánh đổi công sức.”
Quả thật, tỷ phú Jack Ma cũng từng nhận xét: “Những thứ miễn phí thì không bao giờ rẻ”. Càng là người kinh doanh, họ càng kiểu bài toán tận dụng tâm lý “ham rẻ” của người tiêu dùng để kiếm lời.
Lấy ví dụ đơn giản như là: Một cơ sở làm đẹp gọi điện và mời bạn đến trải nghiệm một buổi chăm sóc sắc đẹp của họ hoàn toàn miễn phí.
Bạn sẽ nghĩ: “Ừ thì đi, cũng chẳng mất đồng nào, lại còn được chăm sóc tận tình”.
Không tính đến trường hợp cơ sở đó là đơn vị lừa đảo, kém uy tín hay sử dụng sản phẩm kém chất lượng gây thiệt hại tiền của, giả sử bạn hoàn toàn hài lòng với buổi trải nghiệm chăm sóc da đó, nhân viên của spa có tới một ngàn lẻ một cách để mời gọi bạn bỏ tiền túi để mua thêm những bộ sản phẩm hoặc đăng ký thẻ chăm sóc định kỳ cho nhiều lần sau.
Hoặc ví dụ như một trung tâm thể hình mời bạn tới tập thử trong vòng một tuần, có huấn luyện viên hoàn toàn miễn phí. Trong quá trình tập luyện, bạn sẽ được giới thiệu về các loại protein, sữa tăng cơ, giúp quá trình tập luyện thêm hiệu quả. Bên cạnh đó, những áp phích quảng cáo về thiết bị tập luyện tại nhà, quần áo và giầy tập thể thao cũng là tâm điểm thu hút sự chú ý.
Như vậy, thông qua một vài buổi tập miễn phí, trung tâm thể hình kết hợp các hãng kinh doanh có liên quan đã có cơ hội để liên tục tiếp cận và kích thích nhu cầu của bạn.
Từng có một câu chuyện lên báo với nội dung thế này: Một người đàn ông được mời đi ăn buffet liên hoan gia đình nên quyết định nhịn ăn ngay từ hôm trước để “dành bụng” cho hôm sau ăn được nhiều hơn. Cuối cùng, đúng là anh ta ăn được nhiều hơn thật. Nhưng ngay sau bữa tối đó, anh ta lên cơn đau bụng vì vấn đề tiêu hóa, phải nhanh chóng nhập viện điều trị và tổn thất vài triệu đồng cho chi phí chạy chữa.
Theo cách tương tự, nhiều người xung quanh chúng ta cũng theo đuổi những thứ được gắn mác “miễn phí”, nhưng đánh đổi chi phí cơ hội được tính bằng thời gian, cảm xúc, sức khỏe và các mối quan hệ. Có nhiều khi một thứ tưởng chừng là rẻ lại khiến chúng ta phải trả một cái giá rất đắt.