Hồ nước ở hố thiên thạch 50.000 năm tuổi làm sửng sốt giới khoa học

82

Năm 2020 lại có thêm một sự kiện đáng ngạc nhiên, đó là một hồ nước đổi màu.
Hồ Lonar nằm trong một miệng núi được tạo ra bởi một vụ va chạm thiên thạch ở bang Maharashtra, Ấn Độ, cách Mumbai khoảng 500 km về phía đông, và có niên đại khoảng 50.000 năm (mặc dù các hoạt động xác định niên đại gần đây cho thấy nó có thể già hơn nhiều).

Đầu tuần này, đã có báo cáo về việc màu xanh lam bình thường của hồ nước chuyển thành màu đỏ hồng. Trong khi các xét nghiệm cần thực hiện để biết được nguyên nhân chính xác, các chuyên gia cho rằng độ mặn thay đổi và sự hiện diện của một loài tảo cụ thể trong hồ là nguồn gốc của vấn đề.


Hồ Lonar đã thay đổi màu sắc của mình.
Theo hiểu biết của dân địa phương và các bản ghi chép, một sự kiện thay đổi màu sắc tương tự cũng đã xảy ra vào khoảng năm 2000, nhưng nó không hề được chú ý cũng như không được coi là một sự kiện nổi bật.

Lần này, các mẫu nước trong hồ đã được gửi đến Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Môi trường Quốc gia (NEERI) của Ấn Độ để phân tích, nhằm tìm ra lý do chính xác cho hiện tượng này.
Trong khi đó, nhà địa chất học địa phương – Gajanan Kharat cũng đã đưa ra lời giải thích của mình về sự kiện này như sau: “độ mặn của hồ nước đã tăng lên khi mực nước giảm mạnh trong năm nay, và trời nóng hơn cũng dẫn đến sự phát triển quá mức của tảo. Loại tảo này đã chuyển sang màu đỏ trong điều kiện nhiệt độ ấm hơn, do đó hồ nước chuyển sang màu hồng chỉ sau một đêm”.

Thật vậy, các chuyên gia khác, chẳng hạn như Giáo sư Suresh Mapari cũng phát biểu với tờ báo Lokmat của địa phương rằng sự phát ra sắc tố đỏ (carotenoid) do sự nở rộ của tảo Halobacteria và Dunaliella salina là thủ phạm gây ra điều này. Mặc dù đối với ông, tại thời điểm này nguyên nhân kích hoạt điều đó vẫn chưa được giải đáp.


Sự thay đổi màu sắc đáng kinh ngạc của hồ nước: ảnh chụp một năm trước (ảnh trên) so với ảnh chụp sáng ngày 10 tháng 6 (ảnh dưới).
Miệng hố sâu 150 m và rộng 1,8 km này là một trong những miệng hố lớn nhất được biết đến tồn tại trong đá bazan trên Trái Đất. Điều này đã gây ra một số nhầm lẫn cho các nhà địa chất khi miệng hố này được phát hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 19, khi đó họ đã tin rằng nó có nguồn gốc từ núi lửa.

Tuy nhiên, Sau đó miệng hố này được cho là do một tác động vũ trụ bởi có sự hiện diện của maskelynite – một loại thủy tinh tự nhiên chỉ được hình thành bởi các tác động có vận tốc cực kỳ cao.

Các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã tiếp tục bị hấp dẫn bởi cả miệng hố này và hồ nước của nó. Bản thân nước này vừa là nước kiềm, vừa có độ mặn, và vào năm 2007, bằng chứng về sự cố định nitơ sinh học cũng đã được phát hiện. Và sự kiện mới này chắc chắn sẽ bổ sung thêm một chương đầy màu sắc khác vào lịch sử của hồ Lonar.

Ngọc Anh

Theo IFL Science

SHARE