Thế giới mất 9200 tỉ đồng mỗi giờ vì một con tàu mắc kẹt phía bên kia đại dương: Chuyện kinh hoàng gì đã xảy ra?

13

Tại sao một con tàu có thể khiến thế giới phải chao đảo? Bởi lẽ, nó mắc kẹt ở một trong những tuyến đường huyết mạch của thế giới.

Một con tàu bị mắc kẹt sẽ gây ra hệ lụy như thế nào? Câu trả lời dĩ nhiên là chẳng rõ ràng, vì nó phụ thuộc vào việc con tàu ấy chở thứ gì, kẹt ở đâu. Và khi nó là một siêu tàu hàng kẹt ở kênh đào Suez – một trong những tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng nhất thế giới, cả thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Con tàu ấy là Ever Given, một siêu tàu hàng nặng 220.000 tấn có chiều dài bằng độ cao của tòa nhà Landmark 81 (TP.HCM), mang cờ Panama và chở theo 20.000 container hàng hóa. Khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ, con tàu đã bị mắc cạn vì sức gió quá mạnh, khiến nó xoay ngang và kẹt cứng ở đó từ ngày 23/3 đến nay. Tuyến đường chịu trách nhiệm vận chuyển 12% hàng hóa giao thương của thế giới nghẽn lại, mang đến thiệt hại lên tới 400 triệu USD mỗi giờ (khoảng 9200 tỉ đồng tiền Việt) – theo thống kê của trang Politico.

Con tàu Ever Given của hãng Ever Green bị kẹt tại kênh đào Suez

Những con tàu hút bùn đang tiến hành công tác cứu trợ, nhưng quá trình này có thể mất đến nhiều tuần. “Chúng tôi hy vọng tình hình sẽ được giải quyết sớm, nhưng có rủi ro con tàu sẽ bị đứt gãy,” – Marko Kolanovic, nhà chiến lược của công ty tài chính JPMorgan.

“Trong bối cảnh này, con kênh sẽ bị tắc thêm một khoảng thời gian nữa, gây hệ lụy nghiêm trọng đối với giao thương toàn cầu. Tỷ lệ nhu cầu vận chuyển tăng vọt, tương tự là mức tiêu thụ năng lượng, thậm chí ảnh hưởng đến lạm phát toàn cầu.”

Vụ tai nạn có thể xem là một thảm họa khác với chuỗi cung ứng thế giới vốn đã phải trải qua 1 năm trì trệ vì ảnh hưởng của Covid-19. Nhưng những ảnh hưởng ấy cụ thể sẽ như thế nào?

Một thảm họa toàn cầu

Kênh đào Suez bị tắc nghẽn sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ quần áo, giày dép bạn đặt trên mạng, cho đến các thiết bị phòng gym, đồ điện, thực phẩm, và cả năng lượng. Khi nguồn cung năng lượng hao hụt, giá xăng dầu chắc chắn sẽ tăng lên.

“Vụ việc giống như làm trầm trọng thêm tình trạng của chuỗi cung ứng, đẩy giá hàng hóa lên cao,” – các nhà phân tích cho biết.

Hình chụp từ trên cao về vụ kẹt tàu

Kênh đào Suez dài gần 200km, là tuyến đường hàng hải huyết mạch kết nối phương Đông và phương Tây. Mỗi năm có 20.000 chuyến tàu qua đây, vận chuyển gần như tất cả mọi thứ từ dầu mỏ, khí đốt cho đến các mặt hàng thiết yếu khác.

Với vụ tắc nghẽn này, các tàu hàng sẽ phải chọn tuyến đường khác, đồng nghĩa với việc tốn nhiều thời gian hơn – ít nhất là hơn 15 ngày với nhiều con tàu.

“Tác động ngay lập tức sẽ xảy ra với khả năng giao thương giữa châu Âu và châu Á, khiến chuỗi cung ứng xăng dầu chịu ảnh hưởng trầm trọng,” – Joanna Konings, nhà kinh tế học chia sẻ.

Giá dầu sẽ tăng vọt

Đúng hơn là tác động đến giá dầu từ vụ kẹt tàu này đã xảy ra rồi.

Hiện tại, có khoảng 5 – 10% dầu thô được vận chuyển qua kênh đào Suez, nghĩa là mỗi ngày trôi qua có tới 3 – 5 triệu thùng dầu kẹt lại. Đây cũng là điểm trung chuyển của 8% tổng lượng khí đốt hóa lỏng (LNG) của thế giới – nhiên liệu rất được chuộng tại thị trường châu Âu.

Máy nạo vét đang làm việc rất tích cực

Dẫu vậy theo Peter Sutherland – chủ tịch công ty đầu tư năng lượng Henrietta Resources tại Mỹ, các ảnh hưởng đến giá dầu hiện nay sẽ chỉ trong ngắn hạn. “Rủi ro trên thị trường dầu mỏ sẽ chỉ trong ngắn hạn,” – ông cho biết.

Trong bối cảnh này, người được lợi duy nhất sẽ chỉ là các hãng hàng hải tại châu Á – theo JPMorgan nhận định. Việc phải đi tuyến đường xa hơn đồng nghĩa với việc giá cước vận chuyển sẽ cao.

Rủi ro an ninh lớn

Torbjorn Soltvedt – chuyên gia phân tích của hãng tư vấn toàn cầu Verisk Maplecroft nhận định, rủi ro an ninh đối với việc vận chuyển dầu sẽ là rất lớn.

“Vụ việc sẽ tạo ra cơ hội gia tăng các vụ tấn công nhắm vào tàu chở dầu và cơ sở năng lượng tại Biển Đỏ và Vịnh Ả Rập,” – ông cảnh báo.

Hầu hết các nhà phân tích tin rằng tình hình có thể được giải quyết trong 1 tuần, “nhưng các vấn đề phát sinh có thể khiến quá trình ách tắc kéo dài thêm,” – Bank of America đề cập. Bởi lẽ sau khi tuyến đường được thông trở lại, những con tàu sẽ ồ ạt kéo đến, khiến tình trạng tắc nghẽn thêm trầm trọng.

SHARE