Mỗi đứa trẻ đều ẩn chứa vô số tiềm năng và sự nuôi dạy của gia đình sẽ là nhân tố chính truyền cảm hứng cho chúng phát triển và hoàn thiện chính mình. Do đó, cha mẹ nên chú ý tới 5 thói quen có thể ảnh hưởng tới tương lai của trẻ.
Đại học Harvard đã có một nghiên cứu kéo dài suốt 75 năm. Qua theo dõi, người ta thấy được, chỉ số IQ của trẻ có liên quan mật thiết tới môi trường gia đình. Trí tuệ tự nhiên chỉ đóng vai trò một phần, quá trình phát triển não bộ trong tương lai của trẻ em cũng giữ vị trí quan trọng không kém.
Mặc dù hầu hết mọi người đều cho rằng chỉ số IQ là bẩm sinh, nhưng trên thực tế, ngay cả một đứa trẻ rất thông minh cũng cần có một môi trường giáo dục tốt để “ươm mầm” tài năng của mình.
Theo nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ Julie Lythcott-Haims, cũng là tác giả của cuốn sách “How to raise an adult”, sự phát triển chỉ số IQ của trẻ thực sự chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thói quen và môi trường mà gia đình tạo ra. Nếu một đứa trẻ thông minh mà mắc phải thói quen xấu, chúng cũng sẽ dần dần lãng phí trí tuệ của mình.
Đặc biệt, 5 thói quen sau đây tưởng chừng như vô hại lại thực sự là thủ phạm khiến trẻ có nguy cơ suy giảm sự phát triển não bộ, các vị phụ huynh phải đặc biệt cẩn thận.
1. Bỏ bữa sáng
Có một câu ngạn ngữ phương Tây rằng: “Ăn sáng như vua, ăn trưa như hoàng tử và ăn tối như kẻ ăn mày.”
Tầm quan trọng của bữa sáng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại, không chỉ phụ huynh phải đi làm sớm mà hầu hết trẻ em phải đến trường trước 7h30 (thậm chí sớm hơn), buổi sáng vội vã như vậy thường khiến mọi người không có thời gian ngồi ăn sáng thịnh soạn.
Ngay từ khi vừa thức dậy, não bộ và hàng loạt cơ quan khác đã bắt đầu hoạt động trở lại, cần rất nhiều năng lượng cung cấp. Trong cả ngày lao động và học tập sau đó, nếu không được ăn sáng đầy đủ, cơ thể sẽ mất năng lượng, điều này đặc biệt đúng đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển.
Hơn nữa, khoảng 10 phút sau khi một người thức dậy, nguồn dự trữ glycogen ban đầu sẽ được sử dụng hết, thận sẽ tiết ra adrenaline để đánh thức các mô mỡ, được phân hủy thành glycerol và axit béo để cơ thể sử dụng. Trong quá trình này có thể xảy ra hiện tượng hạ đường huyết. Ngoài ra nếu dạ dày ở trong tình trạng không có thức ăn để tiêu hóa trong thời gian dài, chúng có thể tiết ra quá nhiều dịch vị dẫn đến viêm dạ dày, loét dạ dày.
Do đó, bữa ăn đầu tiên ngay sau khi thức dậy mới đóng vai trò then chốt đến thế.
“Ăn sáng như vua” không có nghĩa là khẩu phần ăn lớn, mà là dinh dưỡng phải phong phú và cân đối. Nguyên tắc cơ bản nhất là trước tiên hãy chọn loại carbohydrate, tốt nhất là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao hơn như khoai lang, khoai tây và cố gắng không ăn nhiều chất béo.
Ngoài ra, nên bổ sung protein chất lượng cao như trứng, đậu, cá và thịt. Một cốc sữa đậu nành hoặc sữa là sự kết hợp bữa sáng có thể giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh!
2. Để trẻ thức khuya, sinh hoạt không điều độ theo người lớn
Thức khuya là một thói quen không tốt của người lớn và ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ nhỏ.
Trước hết, bộ não con người tổ chức lại bộ nhớ trong khi ngủ, vì vậy sau một giấc ngủ, chúng ta sẽ dễ dàng ghi nhớ những gì đã học hơn. Đối với những trẻ đang học tập, việc không ngủ đủ giấc vào ban đêm sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ, hay quên, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển não bộ.
Ngoài ra, khi một người ngủ, não sẽ tiết ra “melatonin” cho chúng ta biết khi nào nên thức dậy và khi nào nên ngủ. Ngoài ra, chất này cũng có thể thúc đẩy tế bào lympho T, tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể; ngăn ngừa hoặc giảm tổn thương tế bào bởi các ôxít và gốc tự do để đạt được hiệu quả “chống lão hóa”.
Melatonin được tiết ra ở mức cao nhất từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng, giảm dần vào ban ngày, do đó, không thức khuya và ngủ đủ giấc là điều quan trọng để có được lượng melatonin cân bằng!
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, môi trường ngủ càng tối thì càng dễ tiết melatonin. Tránh các sản phẩm chứa ánh sáng xanh có thể kích thích mắt và não, khiến bản thân khó đi vào giấc ngủ.
3. Để trẻ sống trong môi trường luôn bị phê bình và coi thường
Nhiều bậc cha mẹ có thói quen dùng sự nghiêm khắc để dạy dỗ con trẻ. Do đó, họ ít dành lời ca ngợi mà thường xuyên phê bình, thậm chí dùng lời lẽ nặng nề để chỉ trích sai lầm của con.
Điều này không chỉ khiến trẻ bị tổn thương mà còn ảnh hưởng đến sự tự tin, vì trẻ nhỏ cần dựa vào đánh giá của người khác để tự đánh giá chính mình. Nếu cha mẹ luôn coi thường, chỉ trích con cái, theo thời gian, chúng cũng tự thu mình vào “vỏ ốc”, không đủ dũng khí để phát triển tài năng.
Từ lâu, các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng, nếu bạn thường xuyên nói một đứa trẻ là “đồ ngốc nghếch”, chúng sẽ thực sự trở nên “ngốc nghếch” vì thiếu tự tin và thiếu hứng thú trong học tập.
Ngược lại, nếu trẻ luôn nhận những lời động viên từ người khác, ví dụ như là “Con sẽ làm được”, con bạn sẽ đủ nghị lực để hoàn thành, hiệu quả học tập sẽ tốt hơn.
Mỗi đứa trẻ đều ẩn chứa vô số tiềm năng và thái độ của bạn sẽ là nhân tố chính truyền cảm hứng cho chúng phát triển và hoàn thiện chính mình.
4. Thiếu không khí kích thích ham muốn học tập cho trẻ
Những nhà hiền triết không sở hữu một trí tuệ khổng lồ ngay từ thuở lọt lòng, mà được tích lũy thông qua khao khát học hỏi không ngừng. Quá trình này có thể trở thành một loại thuốc bổ trợ tinh thần với nhiều người, nhưng cũng có thể bị coi là một hình phạt đau đớn với một số khác.
Cảm giác học tập phần lớn chịu ảnh hưởng của gia đình. Nếu phụ huynh thường xuyên đọc sách và kèm cặp con nâng cao kiến thức thì con cái tự nhiên coi việc học là một điều chủ động. Từ đó, vô hình chung môi trường sẽ khuyến khích trẻ tò mò và theo đuổi nhiều kiến thức hơn.
Ngược lại, nếu bố mẹ chỉ thấy phiền phức khi giải đáp những thắc mắc của con mình, hoặc lấy việc đi học làm hình phạt để dọa dẫm, trẻ dễ nảy sinh phản ứng tiêu cực, không nghiêm túc trong việc học tập.
5. Kìm nén cảm xúc của trẻ em
Nếu trẻ không được giải tỏa cảm xúc, cứ kìm nén mọi thứ trong lòng mà không đủ trưởng thành để cân bằng nó thì tính cách sẽ có lúc trở nên tiêu cực. Biểu hiện thông qua thái độ sa sút, trầm cảm, im lặng, xa lánh cha mẹ, không nghe lời và dễ trở nên nổi loạn ở tuổi vị thành niên.
Ai cũng có cảm xúc, trẻ con còn non nớt và có thể tức giận, khóc lóc hoặc vui mừng vì những điều nhỏ nhặt. Lúc này, cha mẹ nên là người hướng dẫn trẻ phân loại cảm xúc và dạy trẻ cách giải quyết vấn đề.
Đáp ứng nhu cầu tình cảm không chỉ giúp phát triển tính cách của trẻ, mà còn trau dồi khả năng tư duy xử lý của trẻ với mọi việc.