Sức mạnh công nghệ của hộ chiếu vaccine đầu tiên tại Việt Nam: Tích hợp được cả căn cước công dân

9

Cách đây 1 tuần, chuyến bay đầu tiên của Singapore Airlines đã áp dụng thành công IATA Travel Pass để vận chuyển hành khách từ Singapore đến London (Anh).

Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn rất phức tạp, việc đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại vẫn tiếp diễn trên phạm vi rộng, Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) sẽ chính thức thử nghiệm dự án hộ chiếu sức khỏe điện tử (Digital Health Passport) đầu tiên tại Việt Nam, trên các chuyến bay của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.

Thực tế nhiều tổ chức, công ty đã và đang nghiên cứu phát triển các ứng dụng công nghệ về hộ chiếu sức khỏe điện tử (Digital Health Passport), trong đó IATA Travel Pass (ITP) của IATA là ứng dụng mang tính toàn cầu, hiện nhận được phản hồi tích cực từ Chính phủ của hơn 70 quốc gia và đang được hơn 20 hãng hàng không thử nghiệm, trong đó có các hãng hàng không 5 sao như Singapore Airlines, Qatar Airways,…

Sức mạnh của ứng dụng ITP

IATA Travel Pass (ITP) của IATA là ứng dụng mang tính toàn cầu, giúp xác định các yêu cầu của mỗi quốc gia đối với hành khách trong giai đoạn Covid-19, đảm bảo kết quả xét nghiệm của hành khách đáng tin cậy cũng như luồng thông tin bảo mật, nhất quán giữa các bên gồm chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách.

Ứng dụng có thể vận hành ngay trên điện thoại với nhiều tính năng, dữ liệu như yêu cầu dịch tễ tại các quốc gia, danh sách các phòng thí nghiệm đạt chuẩn, lưu trữ kết quả xét nghiệm Covid-19 và chứng nhận tiêm chủng của hành khách. Ứng dụng cũng giúp kết nối những thông tin này với các chính phủ và hãng hàng không để thuận tiện cho công tác kiểm tra, quản lý.

Cấu trúc của hộ chiếu điện tử IATA Travel Pass gồm 4 module mở, có thể sử dụng đồng thời hoặc tách riêng để tích hợp với bên thứ 3 (các ứng dụng tương tự hoặc ứng dụng của hãng hàng không), cụ thể như sau:

IATA cùng Vietnam Airlines tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm hộ chiếu vaccine điện tử tại Việt Nam.

1. Registry Registry of health requirements: Là cơ sở dữ liệu về các yêu cầu sức khỏe, cho phép hành khách tìm các thông tin đáng tin cậy khi thực hiện các chuyển bay như: hạn chế đi lại, yêu cầu xét nghiệm, quy định cách ly… Các thông tin sử dụng cơ sở dữ liệu Timatic của IATA.

2. Registry of testing/vaccination centers: Là cơ sở dữ liệu về các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn thực hiện xét nghiệm Covid-19, tiêm chủng vaccine Covid-19.

3. Lab App: Kết nối giữa phòng xét nghiệm và ITP, cho phép các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn gửi kết quả xét nghiệm, chứng nhận tiêm chủng vaccine trực tiếp tới hành khách.

4. Contactless Travel App: Là ứng dụng phục vụ hành trình không điểm tiếp xúc, lưu trữ và quản lý các giấy tờ điện tử của hành khách trong suốt hành trình.

Thông qua ứng dụng này, hành khách sẽ  tạo hộ chiếu sức khỏe điện tử, xác nhận kết quả xét nghiệm, chứng nhận tiêm chủng đạt các yêu cầu, chia sẻ kết quả xét nghiệm, chứng nhận tiêm chủng tới giới chức trách khi làm thủ tục. Các thông tin chia sẻ qua app hoàn toàn tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin.

Có thể tích hợp số căn cước công dân

Ứng dụng này cũng có thể tạo Digital ID từ hộ chiếu điện tử. Điều kiện cần thiết để sử dụng ITP là hành khách phải có hộ chiếu điện tử (e-passport). Tuy nhiên, hình thức hộ chiếu này chưa phổ biến tại nhiều quốc gia nên đối với các quốc gia chưa sử dụng e-passport, IATA đang xem xét tích hợp số căn cước công dân (national ID).

ITP có thể tích hợp dữ liệu căn cước công dân.

Để tạo hộ chiếu sức khỏe điện tử, hành khách tích hợp thông tin cá nhân từ mã căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, sau đó nhập thông tin chuyến bay để tìm hiểu về các quy định đi lại.

Hộ chiếu sức khỏe điện tử sẽ được kết nối với các cơ sở xét nghiệm để nhận kết quả và cập nhật trạng thái “Đủ điều kiện” nếu hành khách đáp ứng. Hành khách có thể chia sẻ trạng thái này cùng kết quả xét nghiệm cho hãng hàng không thông qua ứng dụng trước khi lên sân bay hoặc tại sân bay.

Ông Alexandre de Juniac – Tổng giám đốc IATA cho biết: “Việc triển khai thành công IATA Travel Pass là minh chứng cho thấy công nghệ có thể giúp hành khách và chính phủ quản lý thông tin về y tế – du lịch một cách an toàn, thuận tiện và hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để hoạt động hàng không quốc tế được khởi động lại.”

Ngày 17/3 vừa qua đã đánh dấu chuyến bay đầu tiên của Singapore Airlines áp dụng thành công IATA Travel Pass để vận chuyển hành khách từ Singapore đến London (Anh).

SHARE