Chứng kiến con trai “gây hậu quả nghiêm trọng”, người mẹ không khỏi sững sờ và bất lực: Bài học dành cho các bậc phụ huynh

10

Màn nghịch ngợm “gây hậu quả nghiêm trọng” này đã khiến cho người mẹ không khỏi suy sụp. Thế nhưng phía sau đó lại là một vấn đề giáo dục quan trọng mà nhiều phụ huynh cần lưu tâm.

Vào ngày 5 tháng 3 vừa qua, một đoạn video ghi lại cảnh một cậu bé tô son vào bồn cầu ở Sơn Tây (Trung Quốc) đã được lan truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc và nhanh chóng gây xôn xao tại nước này.

Trong đoạn video nói trên, cậu bé không chỉ tô son ở xung quanh bệ ngồi mà thậm chí còn… cho vào cả bên trong bồn cầu.

Sau khi chứng kiến cảnh này, mẹ của cậu bé không khỏi sững sờ và bất lực. Nhìn lại “thành phẩm” của con trai, cô chia sẻ rằng mình có lẽ đã tổn thất không dưới 4 thỏi son cho màn “phá hoại” này.

Chứng kiến màn nghịch ngợm kinh hoàng nói trên, nhiều cư dân mạng đã tỏ ra đồng cảm với người mẹ.

Thế nhưng bên cạnh việc thông cảm và an ủi sự suy sụp của người mẹ, nhiều người còn cho rằng căn nguyên của những hành động phá phách mà con cái làm ra thực chất liên quan trực tiếp tới việc giao tiếp, giáo dục con trẻ của các bậc phụ huynh.

Theo Sohu (Trung Quốc), cách giáo dục con cái khi mắc lỗi nên thay đổi dựa theo từng độ tuổi. Vào mỗi giai đoạn khác nhau, cha mẹ nên có những phương pháp dạy bảo khác nhau.

Theo đó, nếu trẻ còn nhỏ và có những suy nghĩ ngây thơ, đơn thuần, cha mẹ chỉ cần nhắc nhở trẻ rằng những việc làm phá hoại là sai, đồng thời chỉ rõ cho các em biết tác hại và hậu quả của những hành động ấy là gì.

Trong quá trình giao tiếp với trẻ, các bậc phụ huynh nên cố gắng hình thành cho các em thói quen im lặng lắng nghe, từ đó hình thành mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp và sửa chữa những hành vi sai trái của trẻ.

Không chỉ vậy, các gia đình còn tuyệt đối không nên áp dụng những biện pháp giao tiếp, giáo dục tiêu cực như đánh đập, mắng mỏ. Bởi giống như người lớn, trẻ em cũng cần có lòng tự trọng.

Ảnh: Nguồn Sohu.

Nếu con cái mắc lỗi, cha mẹ nên động viên con dũng cảm nhận trách nhiệm và dạy các em làm thế nào để bù đắp lỗi lầm.

Ngoài ra, trong quá trình phê bình, các bậc phụ huynh cũng nên giải thích để cho trẻ hiểu rõ mình sai ở đâu, từ đó chỉ ra cho các con ranh giới giữa đúng và sai, giúp hoàn thành nhận thức toàn diện của trẻ.

Quan trọng hơn là sau khi đã chỉ ra lỗi sai, cha mẹ nên chỉ dạy cho các em những việc nên làm và cần làm trong tương lai.

Điều này không chỉ xoa dịu những cảm xúc tiêu cực trong trẻ mà còn khiến các em nhận ra rằng: Điều quan trọng nhất sau khi mắc lỗi không chỉ là thừa nhận lỗi lầm mà còn là làm cách nào để bù đắp lỗi lầm và tránh tái phạm chúng trong tương lai.

*Nguồn: Sohu.

SHARE