Một yêu cầu tưởng như không thể nhưng chỉ cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề, chúng ta có thể nhìn thấy những kết quả khác nhau.
Một buổi hội thảo được tổ chức tại trường đại học, có mời các cựu sinh viên thành đạt trở về trao đổi kinh nghiệm với đàn em khóa dưới. Trong phần trả lời giải đáp, một tân sinh viên đã đặt câu hỏi khó cho mọi người:
“Em là sinh viên năm 4, sắp ra trường nên cần tìm hiểu kiến thức và kinh nghiệm ứng tuyển việc làm. Theo như em thấy, hiện nay, có nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn kết hợp nhiều phương pháp tuyển dụng, vừa làm bài thi kiến thức, vừa test EQ và IQ. Khó khăn nhất là những câu hỏi không có đáp án cố định, yêu cầu mình phải ứng biến, chẳng hạn như: Bạn làm thế nào để dùng giỏ thưa múc nước. Đây là một câu hỏi phỏng vấn mà em từng đọc được trên mạng. Không biết nếu là các anh/chị ở đây, mọi người sẽ trả lời như thế nào ạ?”
Trước yêu cầu khó khăn, gần như bất khả thi là lấy giỏ thưa để múc nước, một nhân sĩ có kinh nghiệm làm việc trong thị trường Human Resources đã chia sẻ ý kiến của mình:
“Đây là một trong những dạng câu hỏi rất hay, thường được các đơn vị đầu ngành đưa ra để tìm kiếm những ứng viên linh hoạt trong tư duy, có năng lực sáng tạo. Do đó, điều cốt lõi ở đây không phải đúng hay sai, mà là câu trả lời của ứng viên có đủ sức thuyết phục đối với nhà tuyển dụng hay không. Cho nên, giỏ thưa vẫn múc được nước nếu bạn thay đổi cách tiếp cận vấn đề.”
Người đàn ông kể lại một câu chuyện:
Tại vùng miền Đông bang Kentucky, trên núi xa xôi, có hai ông cháu sinh sống cùng nhau. Ông cụ có thói quen đọc sách mỗi sáng. Tuy ông không có nhiều sách mới, nhưng cuốn nào ông cũng có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần đều say mê như ban đầu. Nhiều quyển được ông đọc tới sờn cả gáy. Dù vất vả một thân một mình nuôi cháu trai nhưng ông chưa bao giờ quên thói quen này.
Một ngày, cháu trai mới hỏi ông:
“Ông ơi, quyển này hôm trước ông đã đọc hết rồi mà, tại sao hôm nay lại đọc nữa ạ? Cháu cũng phải đọc sách như ông khi đi học, nhưng có chỗ cháu hiểu, có chỗ cháu không hiểu, có chỗ cháu nhớ, có chỗ thì cháu quên ngay khi vừa gấp sách lại. Nhiều khi cháu thấy dành thời gian làm việc khác còn hơn, chả thấy hay gì cả…”
Ông cụ nghe vậy, bèn cầm cái giỏ bên cạnh và bảo cháu mình:
“Nếu thế thì chúng ta đổi việc cho nhau nhé. Ông sẽ tranh thủ đọc sách, còn cháu hãy cầm cái giỏ đựng than này ra sông và xách hộ ông một giỏ nước về nhà.”
Đứa trẻ vui vẻ nhận lời, nó chạy ra sông làm theo lời ông. Nhưng cứ múc xong, nước trong giỏ lại trôi tuột đi. Dù cậu bé cố gắng múc mạnh đến mấy, chạy nhanh đến mấy thì chỉ vài bước, chỗ nước trong giỏ cũng chẳng còn bao nhiêu.
Sau một hồi lâu, cậu thất thểu đi về và hỏi ông trong hoang mang:
“Ông ơi, không đựng nước bằng giỏ này được đâu. Ông làm cháu cháu tốn công vô ích cả buổi rồi! Nước chảy hết mất rồi!”
Người ông ngẩng lên từ quyển sách và cười lớn:
“Không tốn công vô ích đâu.”
“Nhưng cháu chẳng múc được tí nước nào cả.”
“Cháu hãy nhìn lại cái giỏ xem, có còn giống ban đầu hay không?”
Lúc này, người cháu mới để ý rằng, chiếc giỏ dính đầy bụi than bẩn thỉu ban đầu giờ đã trở nên sạch sẽ.
Ông cụ bèn dạy: “Khi cháu cố gắng thì cháu sẽ luôn nhận được kết quả, dù nó không phải kết quả mà ban đầu cháu mong muốn. Điều này cũng giống như khi cháu đọc sách vậy. Có thể lần đầu, cháu không hiểu hết ý nghĩa những gì mình đã đọc nhưng rồi đến lần thứ hai, lần thứ ba, và nhiều lần sau nữa, tâm trí cháu sẽ dần dần thay đổi.”
Quả thật, trí tuệ con người không tự nhiên hình thành mà cần có sự tích lũy. Càng bỏ nhiều công sức, càng nỗ lực tìm hiểu thì người ta càng thấu hiểu nhiều đạo lý ẩn sâu.
Thông qua câu chuyện này, vị nhân sĩ có chuyên ngành HR muốn khẳng định rằng: Đừng ngại đương đầu với những thử thách mới lạ. Mạnh thì dùng sức, nếu không dùng sức được, ta phải dùng “mưu”.
Ở đây không phải “mưu hèn kế bẩn”, mà là cách bạn tiếp cận vấn đề khôn khéo hơn, khác biệt hơn bằng tư duy mới lạ của mình. Chẳng hạn như, có người thì dùng keo để dán lại tất cả những chỗ trống trong giỏ trúc. Có người lại nhanh chóng đặt vào tủ đá, để nước đông lại thành băng. Có người chỉ đơn giản là mang một cái giỏ trúc ướt sũng tới.
Khi bạn đủ can đảm và nhiệt tình, bạn mới có không gian để phát huy sự sáng tạo của bản thân. Nếu bạn không có câu trả lời của riêng mình, đừng ngại tìm hiểu và nghiên cứu thêm để tích lũy được một nền tảng hiểu biết nhất định, nắm được ý nghĩa cốt lõi bên trong. Sau đó, hãy dựa vào cách tư duy riêng của mỗi người để phát huy thêm.
Khoảng cách xa nhất giữa người với người không nằm ở tiền tài, mà là tri thức. Muốn thay đổi tri thức, nhất định không được từ bỏ thói quen đọc sách. Mỗi cuốn sách bổ ích đều có một khung hệ thống được xây dựng bằng nhiều quan điểm và lý thuyết nhất định, đi tuần tự từ đầu tới cuối, giúp làm sáng tỏ một số vấn đề hoàn chỉnh. Thông qua đó, chúng ta không chỉ học được kiến thức, mà còn thiết lập nên năng lực tư duy logic và kết nối thông tin của bản thân.
Một khi hiểu được điều đó, bạn có thể tự do phản ứng và tư duy theo cách của mình. Bằng cách này, các ứng viên cũng dễ dàng bộc lộ năng lực thực sự của bản thân hơn, giúp các nhà tuyển dụng khai phá tiềm năng một cách linh hoạt, không còn đi theo lối mòn xét tuyển chủ yếu dựa vào CV như trước đây.
Với mỗi câu trả lời khác nhau, không ai có thể đánh giá bạn đúng hay sai, chỉ cần thể hiện được sự sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo tính thuyết phục để đáp án không trở nên vô lý, bạn hoàn toàn có thể để lại ấn tượng riêng với các quản lý. Đây sẽ là một lợi thế lớn vì họ chính là cấp trên sẽ làm việc trực tiếp với bạn sau này, là người có thể quyết định những nhiệm vụ và trọng trách sẽ đặt lên vai bạn. Biết tận dụng đúng cách, bạn có thể “lọt vào tầm ngắm” của sếp, được chú trọng đào tạo và tiếp cận với nhiều cơ hội trong công việc, làm ra nhiều thành tựu đột phá hơn.