Không biết tiết chế tư dục, tham lam của bản thân thì bạn có thể sống rất hưởng thụ và thỏa mãn ở thời điểm hiện tại, nhưng lại gieo mầm sẵn rất nhiều tai họa cho tương lai.
1. Tham ăn uống
Người xưa có câu: “Dân dĩ thực vi thiên”, tức là người dân thường lấy cái ăn làm trọng.
Ăn uống là nhu cầu đầu tiên, cũng là dục vọng thuở ban sơ của mỗi người. Tuy nhiên, nếu không chú ý tiết chế ẩm thực, ngày rộng tháng dài, chế độ ăn uống sẽ trở thành thói quen xấu, tham thực hưởng lạc, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Trước đây, tại Trung Quốc, một giáo viên của Đại học Phục Đán đã qua đời vì bệnh ung thư khi mới 32 tuổi. Tự phân tích lối sống của mình, nữ giáo viên này đã từng viết, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh quái ác này chính là thói quen ăn uống bừa bãi, sử dụng quá nhiều thịt đỏ và không biết tiết chế khẩu phần dinh dưỡng.
Cô viết trên blog của mình rằng: “Giống như trò chơi Rắn nuốt táo trên di động ngày xưa. Dù thông minh và lanh lợi đến đâu thì hậu quả của việc háu ăn cũng sẽ luôn là gieo gió gặt bão. Tôi từng rất thích trò chơi này, không ngờ, sau cùng, lại tự biến bản thân thành phiên bản đời thực của nó.”
Ăn uống vốn dĩ là sở thích của không ít người, nhưng tốt quá hóa dở, chúng cũng có thể trở thành quả bom nổ chậm, đe dọa cuộc sống.
Lão Tử từng nói: “Lời hay có thể khiến người ta điếc tai, nhan sắc có thể khiến người ta mờ mắt, hương vị có thể khiến miệng người ta nhạt nhẽo vô vị.”
Tham ăn tục uống thực chất là hành vi buông thả với cơ thể. Một khi đánh mất cân bằng, dục vọng sẽ che lấp lý trí. Nếu một người không kiểm soát được cơn thèm ăn của bản thân, thậm chí coi thường hậu quả mà thân thể phải gánh chịu thì làm sao cuộc sống có thể ổn định và bình yên được.
Người ta ăn để sống, nhưng không phải sống chỉ để ăn. Thiên hạ không có bữa cơm nào ăn hoài không hết, giấc ngủ nào ngủ hoài không tỉnh. Muốn nhân sinh trở nên xuất sắc, nhất định phải quan tâm bản thân theo phương thức kỷ luật và tự giác hơn.
2. Ham mê rượu bia
Đúng như cổ nhân có câu: “Tửu bất túy nhân, nhân tự túy. Sắc bất mê nhân, nhân tự mê” – Rượu không tự nhiên làm say người, chỉ có người tự làm mình say.
Văn hóa rượu bia từ nét đẹp tao nhã của các bậc văn nhân, thi sĩ ngày xưa đang dần biến dạng trong thời đại ngày nay. Nhiều cuộc vui trở thành cuộc tàn cũng vì như vậy.
Bình thường, dù chúng ta có lý trí đến đâu thì cuối cùng vẫn thua “chén chú chén anh”. Uống càng nhiều lại càng hỏng việc. Không chỉ mất thể diện, mất phẩm giá, đôi khi, người ta còn mất cả tính mạng của mình.
Vào cuối thời Tây Hán, có một vị quan tài năng tên là Trần Tuân, rất được hoàng đế coi trọng. Tuy nhiên, vị quan này lại có thói nghiện rượu, mỗi ngày đều ăn uống linh đình, mắt say lờ đờ.
Nếu có khách tới chơi, để ăn uống thỏa thích, ông ta còn ra lệnh đóng cửa lớn, dỡ bánh xe ngựa của đối phương, khiến họ dù có việc gấp cũng không thể rời đi.
Cuối cùng, ông bị cách chức vì “ăn chơi không tiết chế, làm nhục giới quý tộc”, thậm chí sau này còn mất mạng một cách oan uổng trong lúc say xỉn.
Có thể thấy rằng, uống ít là vui, uống nhiều là họa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 25% đến 50% các vụ tai nạn gia đình bắt đầu từ chứng nghiện rượu. Tham lam quá chén không chỉ hao tổn sức khỏe mà còn có thể mất kiểm soát cảm xúc, gây họa cho bản thân và gia đình.
Rượu phẩm như nhân phẩm, nhưng trên thực tế, một người có nhân phẩm, có bản lĩnh, sẽ hiểu trách nhiệm mình phải gánh vác trên vai, từ đó biết hành xử đúng mực, vừa giữ lễ nghĩa, vừa không nghiện ngập. Biết xây dựng giới hạn cho bản thân cũng là khởi đầu cho sự trưởng thành của một người.
3. Tham ngủ biếng làm
Trong thời đại ngày nay, việc theo đuổi an nhàn, hưởng thụ cuộc sống dường như đã trở thành mục tiêu sống của hầu hết mọi người. Có quá nhiều người trẻ quen ngủ muộn dậy muộn. Chỉ cần có cơ hội, họ sẵn sàng “nướng” cả ngày hôm sau trên giường. Nếu bắt buộc phải thức dậy, cơ thể và tâm trí cũng duy trì trạng thái mệt mỏi, uể oải suốt một thời gian dài.
Nhưng trên thực tế, những người dậy muộn thường bỏ lỡ nhiều cơ hội và tụt hậu so với những người khác. Phải biết rằng, mặc dù mỗi ngày chỉ có 24 tiếng, nhưng cách bạn quản lý 24 tiếng mỗi ngày sẽ giúp bạn có thêm hoặc là lấy đi quỹ thời gian đó. Không phải tự nhiên mà dậy sớm đã trở thành thói quen của đại đa số người thành công.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu được công bố trên chuyên san Indian Journal of Physiology and Pharmacology, những người có thói quen đi ngủ sớm có thể cải thiện sức khỏe rõ rệt so với những người đi ngủ muộn.
Như vậy, xét trên cả khía cạnh sức khỏe cũng như sự nghiệp, thể chất cũng như tinh thần, dậy sớm đều đem tới những thay đổi tích cực.
Jules Renard từng nói: “Trong lúc người khác chưa thức giấc, cả thế giới thuộc về người dậy sớm, từng phút một…”.
Dậy sớm là một loại kỷ luật, giúp chúng ta chống lại sự lười biếng, loại bỏ cám dỗ và tập trung làm tốt một việc. Những người thành công như nhà văn Haruki Murakami, nhà đầu tư Buffett , cầu thủ bóng rổ Kobe,… đều có thói quen dậy sớm.
Ngược lại, những người dậy muộn thường khởi đầu ngày mới trong sự uể oải, dễ mệt mỏi với cuộc sống. Họ quen với việc nằm ỳ trên giường, gián tiếp cho thấy sức ỳ trong tâm lý, quen với việc né tránh và trì hoãn hơn là nỗ lực phấn đấu. Họ thà lãng phí thêm vài giờ để mơ còn hơn là dành thời gian cho việc học và làm việc, thực hiện giấc mơ của mình.
Cái giá của sự lười biếng chưa bao giờ rẻ mạt. Đến khi nhận ra hậu quả, sợ rằng họ khó có thể thoát khỏi vũng sình lầy do chính thói quen của mình tạo ra.
Có lẽ, dậy sớm không nhất định sẽ thành công. Nhưng khi bạn đủ kỷ luật để kiên trì xây dựng thói quen này, sinh hoạt của bạn sẽ bởi vậy mà thay đổi. Chỉ những người biết kiểm soát buổi sáng mới có thể kiểm soát toàn bộ cuộc sống về sau.
Làm người, kỵ nhất là tham lam. Làm việc, kỵ nhất là lười biếng.
Một người chỉ có thể thực sự trưởng thành khi biết chính xác bản thân cần gì để từ đó nỗ lực phấn đấu hết mình. Nếu chỉ biết tham lam vô độ, lười biếng không có chí tiến thủ, kết cục sẽ mãi mãi chỉ là một kẻ tầm thường.